Huy động nguồn lực xã hội hóa cho Khoa học và Công nghệ
Thực hiện chương trình hợp tác giữa Ban Quản lý Khu Công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc và Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) Phú Yên, ngày 24 tháng 02 năm 2017, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hoà Lạc - Ông Phạm Đại Dương cùng Đoàn công tác của khu CNC Hoà Lạc và một số nhà đầu tư đã đến thăm và làm việc với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Phú Yên tại Trạm thực nghiệm công nghệ sinh học Hoà Quang, nằm trong Khu Nông nghiệp Ứng dụng Công nghệ cao, xã Hoà Quang Bắc, huyện Phú Hoà, tỉnh Phú Yên.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hoà Lạc – Ông Phạm Đại Dương đến thăm và làm việc tại Trạm thực nghiệm công nghệ sinh học Hoà Quang.
Tại buổi làm việc, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ (PYCAT) trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Phú Yên – Bà Đặng Thị Thuỷ đã báo cáo tiềm năng phát triển của các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang được thực hiện tại Trạm Hoà Quang, trong đó có dự án sản xuất bịch phôi để trồng nấm thương phẩm cho các hộ dân, dự án sản xuất cây giống dược liệu bằng phương pháp nuôi cấy mô... Bước đầu các dự án này đã đạt được những thành tựu nhất định, xây dựng được thương hiệu và mở rộng thị phần sang các tỉnh lân cận. Đối với dự án nuôi trồng các loại nấm, hiện Trung tâm đã cung cấp ra thị trường trên 150.000 phôi bịch mỗi năm, trong khi nhu cầu của riêng tỉnh Phú Yên vượt gấp ba lần con số này. Đây là một thị trường rất tiềm năng và là cơ hội tốt để Trung tâm tiến hành các giải pháp xã hội hoá nguồn lực đầu tư cho Khoa học và Công nghệ. Bên cạnh đó, đối với dự án cây dược liệu, Trung tâm cũng đã thành công trong việc làm chủ kỹ thuật nuôi trồng các loại giống cây địa phương, hiện đang sở hữu trên 40 loại cây giống có giá trị cao, sẵn sàng đưa vào nuôi trồng, tạo vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất, góp phần nâng cao giá trị kinh tế ngành nông nghiệp của Tỉnh.
Tuy vậy, song song với các thuận lợi, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Phú Yên – ông Lê Văn Cựu cho rằng vẫn còn tồn tại những khó khăn vướng mắc về cơ chế chính sách trong việc triển khai phương án tự chủ của các tổ chức khoa học và công nghệ công lập. Các nhà đầu tư có mặt trong buổi làm việc cũng nhận thấy sự cần thiết phải xây dựng một cơ chế phối hợp linh động trong việc huy động các nguồn lực đầu tư cho dự án. Thực tế cho thấy những cơ hội để đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao ở Phú Yên, đặc biệt đối với lĩnh vực nấm và cây dược liệu đã rõ nét. Doanh nghiệp đồng thời cũng đã sẵn sàng vào cuộc ngay khi những nút thắt về cơ chế chính sách được kịp thời gỡ bỏ.
Ông Phạm Đại Dương thăm phòng nuôi cấy mô của Trung tâm PYCAT
Qua buổi làm việc, Ông Phạm Đại Dương đánh giá cao những nỗ lực và thành tích mà PYCAT đã đạt được trong hai năm vừa qua, đồng thời nhận định: muốn đẩy mạnh xã hội hóa KHCN phải dựa trên cân đối cung cầu giữa doanh nghiệp, người dân và các đơn vị nghiên cứu, chuyển giao công nghệ. Trong những năm gần đây, với yêu cầu bức thiết của nền kinh tế thị trường trong việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, lĩnh vực KHCN bắt đầu nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành cùng các thành phần kinh tế. Các đơn vị chức năng cần chủ động sáng tạo, phối hợp cùng các đơn vị khác trong và ngoài Tỉnh, đồng hành đưa ra giải pháp xã hội hoá các nguồn lực đầu tư cho hoạt động KHCN, thúc đẩy sự phát triển nền Khoa học và Công nghệ tỉnh nhà. Cùng với chủ trương thành lập mới một Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp KHCN tại tỉnh Phú Yên, trong năm 2017, Ban quản lý khu CNC Hoà Lạc sẽ song hành cùng Sở KHCN Phú Yên xây dựng trạm Hoà Quang thành 1 doanh nghiệp khoa học công nghệ trực thuộc Trung tâm, trở thành một điển hình cho việc xã hội hoá nguồn lực đầu tư tập trung cho ứng dụng KHCN vào sản xuất.
Cũng trong buổi họp, ông Nguyễn Thái Sơn, Tổng giám đốc công ty dịch vụ kỹ thuật Hanh Xương là doanh nghiệp chuyên cung cấp các giải pháp kỹ thuật, hệ thống truyền động tự động và hạ tầng nông nghiệp công nghệ cao đã trao tặng gói hỗ trợ giải pháp tự động hoá trong nông nghiệp trị giá 100.000.000 đồng cho Trạm thực nghiệm sinh học Hoà Quang để mở rộng sản xuất, nâng cao năng lực kinh doanh và tiếp cận thị trường.
Nguồn: Khánh Toàn, Văn phòng CGCN - Trung tâm Dịch vụ CNC Hòa Lạc
Các bài viết khác
- • Việt Nam - Ấn Độ: Ký kết Hiệp định về sử dụng Năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình
- • Sự kiện xúc tiến, chuyển giao công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc lần thứ 4
- • Bộ trưởng Chu Ngọc Anh: Sẽ kết nối các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp
- • “Dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận không phải vì lý do công nghệ không an toàn”
- • Người FPT bàn cách ‘Vận hành tổ chức giáo dục’
- • Sinh viên FPT giải nhiệt mùa hè bằng lễ hội nước
- • Toàn cảnh ĐH FPT Hòa Lạc qua Virtual tour 360
- • Toyota chi 1 tỉ USD phát triển xe tự lái
- • 52 công ty Nhật Bản đến ĐH FPT tuyển dụng
- • Việt Nam trúng cử số phiếu rất cao Hội đồng chấp hành Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc