Hơn 3.000 tỷ đồng đầu tư xây Viện nghiên cứu cao cấp

23:10 - 02/05/2017

V-KIST, Viện nghiên cứu cao cấp theo mô hình Viện KIST của Hàn Quốc sẽ được xây dựng và đưa vào hoạt động ở Việt Nam. Dự án có tổng vốn 150 triệu USD được các nhà quản lý kỳ vọng sẽ tạo ra một môi trường nghiên cứu khoa học quốc tế ở Việt Nam.

 

Tiền Phong có cuộc trao đổi với PGS.TS Mai Hà, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Khoa học và Công nghệ về dự án này.

V-KIST hoạt động theo một đạo luật riêng

Ông có thể chia sẻ tổng thể về dự án Viện Nghiên cứu cao cấp V-KIST?

Dự án này xuất phát từ ý tưởng của hai lãnh đạo là nguyên Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak với Thủ Tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng trong chuyến thăm Hàn Quốc của Thủ tướng vào tháng 3/2012. Hàn Quốc sẽ cùng Việt Nam thành lập một viện nghiên cứu cao cấp về khoa học và công nghệ, nghiên cứu phục vụ hoạt động sản xuất.

Trước hết, phải khẳng định V-KIST là Viện của Việt Nam và hợp tác với Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (KIST). Viện sẽ tập trung vào ba ngành chính là công nghệ vật liệu, công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp và y học, công nghệ thông tin phục vụ ngành công nghệ số.

Dự án gồm hai giai đoạn. Giai đoạn đầu từ 2013 đến 2017 xây dựng và thực hiện thiết kế tổng thể. Việc thiết kế tổng thể sẽ được hoàn thành trong năm 2014. Năm 2017 sẽ hoàn tất việc xây dựng cơ bản (một nhà chính và 3 nhà phục vụ R&D), mua sắm trang thiết bị và thành lập trường đào tạo. Kinh phí giai đoạn đầu là 70 triệu USD, trong đó Hàn Quốc tài trợ không hoàn lại 35 triệu USD, phía Việt Nam đóng góp 35 triệu USD. Giai đoạn hai 2018 - 2022 là giai đoạn hoàn thiện với kinh phí dự kiến đầu tư thêm từ nguồn vay ODA ưu đãi khoảng 50-80 triệu USD.

Theo tính toán của Bộ Khoa học & Công nghệ, kinh phí dành cho V-KIST sẽ không quá 150 triệu USD (hơn 3.000 tỷ đồng). Dự án đang trong quá trình làm báo cáo khả thi. Phía Việt Nam đã lựa chọn được địa điểm và thành lập ban chỉ đạo điều hành dự án.

Việt Nam đã có Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, có hệ thống các phòng thí nghiệm trọng điểm, tại sao phải xây dựng Viện V-KIST, thưa ông?

Một số lãnh đạo các bộ cũng đã đặt câu hỏi này. Tôi xin bình luận bằng cách đưa ra hình ảnh như sau: Vào thời trước khi xây dựng đường 5 mới, từ Hà Nội đến Hải Phòng có bao nhiêu con đường, tại sao chúng ta vẫn phải làm đường cao tốc?; hoặc trong thành phố Hà Nội, đã tồn tại các con phố, ngã tư rồi tại sao vẫn phải làm cầu vượt? Có phải để giải tỏa ách tắc chung và tạo con đường nhanh nhất cho những đối tượng cần được ưu tiên? Mỗi con đường đều có chức năng riêng của nó. Viện V-KIST có chức năng riêng của mình.

Năm 1966, khi xây dựng viện KIST, Hàn Quốc cũng có hệ thống viện nghiên cứu giống ta bây giờ nhưng họ vẫn làm KIST. KIST được áp dụng một cơ chế đặc biệt. Nó nhận được sự cam kết cao nhất của lãnh đạo cao nhất của Hàn Quốc: Không phải qua kiểm toán, tức là không chịu sự điều tiết của Luật Ngân sách. Ban lãnh đạo Viện rất giỏi và sáng tạo. Các nghiên cứu của KIST làm theo đơn đặt hàng của các tập đoàn công nghiệp lớn của Hàn Quốc. Việc xây dựng KIST chính là cách đi tắt đón đầu ở Hàn Quốc và đạt được hiệu quả cao trong thực tế. Phần lớn các ứng dụng công nghệ của một số ngành công nghiệp và các tập đoàn lớn đều xuất phát từ KIST.

V-Kist ở Việt Nam dự kiến cũng sẽ được xây dựng theo mô hình như thế.

Nhà khoa học được hưởng lương gấp ba lần lương giáo sư

Vậy ở V-KIST, các nút thắt khoa học công nghệ hiện nay như cơ chế tài chính, chế độ đãi ngộ với nhà khoa học và vấn đề chuyển giao khoa học công nghệ từ nghiên cứu sang sản xuất sẽ được tháo gỡ như thế nào?

Về cơ chế đãi ngộ với nhà khoa học làm việc trong V-KIST, chúng tôi đang đề xuất trong báo cáo khả thi hai cơ chế. Thứ nhất, khi chưa có nghiên cứu thì lương của nhà khoa học tối thiểu sẽ bằng ba lần lương của một giáo sư theo bậc lương Nhà nước. Thứ hai là áp dụng cơ chế khoán theo sản phẩm. Môi trường làm việc cũng sẽ giống môi trường của các nhà khoa học ở nước ngoài. Nhà khoa học sẽ được tham gia các giao lưu khoa học quốc tế, có không gian làm việc, có thông tin và phương tiện làm việc chuẩn hóa theo mô hình quốc tế.

Dự kiến quy mô ban đầu của viện khoảng 30-60 người. Sau 10 năm có thể lên đến 150, trong đó số lượng nhà khoa học khoảng 100.

Cơ chế tài chính sẽ được áp dụng theo một đạo luật riêng đang được xây dựng và sẽ phải trình để được thông qua. Về thương mại hóa sản phẩm, các nghiên cứu của V-KIST chỉ được thực hiện khi có các đơn đặt hàng, có thể là các đơn đặt hàng của nước ngoài hoặc của Nhà nước. Trước mắt sẽ có những đơn đặt hàng của Hàn Quốc.

Theo ông, ba nhân tố quyết định của Viện KIST Hàn Quốc là được sự cam kết của lãnh đạo, có một đạo luật riêng và ban lãnh đạo tài giỏi, sáng tạo. Vậy với V-KIST của Việt Nam, ba yếu tố này hiện ra sao?

Chúng ta đã có Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 1/1/2012 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về Phát triển Khoa học và Công nghệ. Chúng ta cũng có sự cam kết của Thủ tướng Chính phủ.

Về đạo luật riêng, Bộ KH&CN đang xây dựng để trình một Nghị quyết ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc một Đạo luật riêng cho phép viện V-KIST được hưởng những quyền đặc biệt (như những người được đi cầu vượt trên những ngã tư bị tắc nghẽn). Việc quyết định ban lãnh đạo sẽ phụ thuộc vào hai nhân tố trên.

Nguồn: tienphong.vn

Các bài viết khác

 

Đường dây nóng Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc:

- Về đầu tư: 0946.626.286
- Các vấn đề khác: 0922.662.266