FE - Chuẩn Kỹ năng Kỹ sư Công nghệ Thông tin (CNTT) và nguồn nhân lực CNTT ở Việt Nam

23:10 - 02/05/2017

Ở Việt Nam, CNTT đang là một nghề “hot”, trở thành định hướng nghề nghiệp của nhiều bạn trẻ đam mê khoa học công nghệ và cả những người vì cuộc sống mưu sinh mà đổi nghề để cải thiện thu nhập. Đóng góp không nhỏ cho sự nóng lên của thị trường lao động trong ngành CNTT ở Việt Nam là nhờ có sự đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản. Doanh nghiệp Nhật Bản ở đây không chỉ bao gồm các công ty, tập đoàn CNTT mà còn là các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động ở các ngành khác nhưng có nhu cầu sử dụng CNTT. Tuy nhiên, nhu cầu về lao động CNTT thì ngày một tăng lên nhưng nguồn cung thì chưa bao giờ đủ. Không phải là số lượng người học về CNTT ít hơn nhu cầu tuyển dụng lao động CNTT mà thực tế là tỉ lệ người đạt chất lượng về năng lực làm việc của các nhà tuyển dụng là quá thấp.

Sự thiếu năng lực ở đây không chỉ đơn giản là hạn chế về kỹ năng lập trình mà là sự thiếu nhận thức một cách tổng thể. Nhiều người hay nhầm lẫn giữa hai thuật ngữ “Kỹ sư CNTT” và “lập trình viên”. Lập trình viên, hay coder, là người viết code theo tài liệu thiết kế của sản phẩm. Còn Kỹ sư CNTT, theo một nghĩa đầy đủ, là người có thể làm tất cả các công việc từ gặp gỡ khách hàng để thu thập thông tin về yêu cầu cho sản phẩm, phân tích yêu cầu và thiết kế sản phẩm, viết code, tạo tài liệu test và thực hiện test, triển khai môi trường và cài đặt sản phẩm, thực hiện bảo trì và nâng cấp. Trên thực tế, trường lớp có giảng dạy về phần lớn các công việc cần làm của một Kỹ sư CNTT, nhưng khâu viết code, thực hành thông qua các bài tập nhỏ vẫn là phần thú vị, dễ nhập tâm nhất đối với các bạn sinh viên. Nhưng cũng chính vì vậy, các bạn không có đủ nhận thức về những đặc điểm mang tính chất lượng liên quan đến hoạt động phát triển sản phẩm CNTT. Việc này có thể ảnh hưởng đến khả năng nâng cao năng lực khi đi làm.

Vì vậy việc củng cố kiến thức, chuyên môn cho nguồn nhân lực trong ngành CNTT ở Việt Nam là rất quan trọng. Đặc biệt với sự hội nhập của các doanh nghiệp Nhật Bản vào thị trường CNTT trong nước, vấn đề về tiêu chuẩn hóa cách thức làm việc và chất lượng sản phẩm ngày càng được đề cao. Nhận thức được vấn đề này, Nhật Bản cùng một số nước ở Châu Á đã thành lập ITPEC (Information Technology Professional Examination Council - Hội đồng sát hạch công nghệ thông tin) vào tháng 10 năm 2005. Chuẩn Kỹ năng Kỹ sư CNTT Cơ bản (FE - Fundamental Engineer) là tiêu chuẩn đưa ra bởi hội đồng ITPEC nhằm đánh giá một người ở khả năng làm việc như một thành viên trong nhóm phát triển sản phẩm CNTT. FE đánh giá khả năng suy nghĩ logic, nắm bắt xử lý vấn đề đối với nhiều lĩnh vực như phân tích thuật toán, mạng, cơ sở dữ liệu, an toàn bảo mật, quản lý dự án… Lượng kiến thức kiểm tra bởi FE tuy trải rộng, nhưng những câu hỏi được đặt ra hướng người làm tới việc có một cái nhìn tổng quan và tư duy phù hợp với cách giải quyết các bài toán thực tiễn. Ở góc độ là một người đã đạt chuẩn FE, tôi đã từng thấy rằng kiến thức ôn tập để luyện thi FE không ứng dụng được vào công việc của mình. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc khi làm những dự án mới, đối mặt với những vấn đề mới, những gì tôi học được khi luyện thi FE đã là nền móng để tôi có được định hướng để tìm ra giải pháp.

Chuẩn FE bao gồm cả những kiến thức quan trọng liên quan đến công việc của một Kỹ sư CNTT nhưng không thường được giảng dạy ở trường lớp như: quản lý dự án, an toàn bảo mật, nghiệp vụ về quy trình kinh doanh, kế toán. Những kiến thức tưởng chừng bên lề này sẽ cho bạn một cái nhìn tổng quan hơn về công việc của mình và đồng nghiệp, cũng như hoạt động của công ty. Hiểu được về quản lý dự án, bạn sẽ hiểu được là công việc mình được giao nằm ở giai đoạn nào, đóng vai trò gì trong tổng thể, có giá trị bao nhiêu, lý do vì sao bạn phải làm thêm giờ để hoàn thành sớm, thậm chí là mức độ ảnh hưởng của công việc của những người xung quanh tới việc mình đang làm và sắp làm. An toàn bảo mật không chỉ đơn giản là công nghệ bảo mật mà nó còn liên quan đến quy tắc hành xử liên quan đến việc bảo vệ thông tin dữ liệu và tài sản công nghệ. Việc nhân viên triển khai cầm USB chứa bộ cài của sản phẩm đi cắm vào máy của khách hàng tưởng chừng rất bình thường nhưng có rủi ro về bảo mật rất lớn. Vấn đề an toàn bảo mật không chỉ đơn giản là bảo vệ tài sản của công ty bạn mà còn là bảo vệ thông tin của khách hàng cũng như niềm tin của khách hàng đối với dịch vụ và sản phẩm của công ty bạn.  Nghiệp vụ về quy trình kinh doanh, kế toán của một doanh nghiệp mặc dù không có trong bài giảng về làm thế nào để lập trình một ứng dụng bằng C# nhưng việc hiểu được quy trình hoạt động của khách hàng chính là cơ sở để một Kỹ sư CNTT có thể tạo ra được bản thiết kế tốt cho một ứng dụng quản lý doanh nghiệp. Dĩ nhiên, sản phẩm bạn đang làm có thể không liên quan gì đến quản lý doanh nghiệp nhưng đó là một bài toán lớn, mang tính ứng dụng rộng rãi cho nhiều lĩnh vực và việc hiểu được những thông tin cơ bản về quy trình kinh doanh, kế toán sẽ có nhiều lợi ích cho công việc và cuộc sống của bạn.

Nghe vậy, đề thi của FE có vẻ sẽ khó do lượng kiến thức bao hàm quá nhiều lĩnh vực với mức đòi hỏi về độ hiểu cao, nhưng hoàn toàn không phải vậy. Đúng là lượng kiến thức của FE lớn, nếu bạn dành thời gian để đọc tất cả những tài liệu về những vấn đề liên quan để hiểu một cách chuyên sâu thì có lẽ một, hai năm thời gian để chuẩn bị cũng không đủ. Tuy nhiên, thực tế để đạt được FE không yêu cầu điều này. Câu hỏi của một đề thi FE bao giờ cũng được đặt ra một cách logic, cái bạn cần làm là nắm được mối liên hệ giữa câu hỏi và những dữ kiện được đưa ra. Thậm chí kể cả khi bạn không hiểu gì cả khi đọc câu hỏi, đôi khi câu trả lời lại nằm trong chính nội dung của những đáp án tự chọn mà đề bài đưa ra. Chuẩn FE không đánh giá xem một Kỹ sư CNTT có biết hết mọi kiến thức CNTT cơ bản hay không mà đối tượng là những người nắm được những thông tin cơ bản nhất, có khả năng ở một chuyên môn nào đấy và quan trọng hơn cả là có một tư duy logic, có thể đối mặt với đa dạng vấn đề và tìm hướng giải quyết những vấn đề đó một cách tuần tự. Thay vì đọc hết tất cả tài liệu liên quan, kết hợp làm lại những đề cũ và tra cứu thêm thông tin khi suy nghĩ câu trả lời sẽ mang lại hiệu quả cao hơn rất nhiều. Có lẽ tầm hai tháng chuẩn bị là đủ. Ngoài ra, có một điểm đáng chú ý đối với các bạn quan tâm đến việc đạt chuẩn FE. Tuy rằng đề FE mang tính quốc tế, luôn được dịch song ngữ: tiếng Anh và tiếng bản địa, các thuật ngữ CNTT vẫn luôn lấy cơ sở là tiếng Anh nên các bạn nào giỏi Anh ngữ sẽ có nhiều lợi thế. Những câu hỏi nặng về lý thuyết nên đọc nội dung tiếng Anh để nhìn ra được các từ khóa còn phần tiếng Việt chỉ nên để tham khảo.

Nói một cách khách quan, chứng chỉ FE những năm gần đây mới được biết đến phần nào rộng rãi hơn trong cộng đồng CNTT. Những năm trước, mọi người thường biết đến những chứng chỉ nổi danh hơn như là SCJP (Sun Certified Java Professional, nay được thay bởi OCP, Oracle Certified Professional), hay MCSE (Microsoft Certified Systems Engineer). Đây là những chứng chỉ thể hiện được tính chuyên môn cao, đi sâu vào một ngôn ngữ lập trình hay môi trường hệ thống cụ thể. FE thì có cái nhìn theo chiều ngang, tiếp cận CNTT một cách tổng thể. Cho dù đối tượng sản phẩm là gì, viết bằng ngôn ngữ nào, môi trường nào, quy mô như thế nào thì cũng sẽ có một cách tiếp cận logic để từ đó giải quyết được vấn đề. Đấy cũng là cách làm của người Nhật và hầu hết các công ty CNTT ở Nhật đều yêu cầu nhân viên phải đạt được chuẩn FE. Đấy là mục tiêu của họ, nhằm đồng bộ hóa về trình độ của nhân lực để tạo đà phát triển cho sản xuất. Việt Nam cũng nên có mục tiêu như vậy.

Thực tế thì, ở các công ty của Nhật, tỉ lệ người mới đi làm mà đạt được chuẩn FE không hẳn là cao. Có thể một phần lý do là công việc của họ rất bận rộn nên không có thời gian ôn tập. Một phần lý do khác có thể là có những người làm về CNTT ở Nhật nhưng xuất phát điểm của họ không phải là công nghệ. Tôi được biết có những người Nhật rất giỏi trong cùng công ty đã tốt nghiệp đại học những ngành xã hội như văn học, môi trường, địa chất hay luật. Nhưng từ đấy có thể nói, với xu thế du nhập vào Việt Nam như bây giờ của các công ty Nhật Bản, việc một người Việt Nam đã đạt chuẩn FE khi đi ứng tuyển là một thế mạnh lớn, cho dù đối tượng tuyển dụng là công ty Nhật Bản hay công ty Việt Nam có khách hàng là Nhật. Bản thân những người làm việc trong ngành CNTT mà công việc không có mối liên hệ với Nhật Bản cũng có thể tìm ra được lợi ích khi theo đuổi chuẩn FE. Khi mà bạn cảm thấy tầm nhìn của mình về ngành CNTT còn hạn hẹp hay kiến thức về CNTT còn nhiều lỗ hổng thì việc ôn luyện theo chuẩn FE sẽ cho bạn một cái nhìn bao quát hơn và cảm thấy tự tin hơn trong công việc của mình.

Hiện nay, việc ôn tập và ứng thi FE đã trở nên thuận lợi hơn rất nhiều so với những năm trước. VITEC (Vietnam Training and Examination Center), đại diện chính thức của ITPEC ở Việt Nam, cũng là đơn vị tổ chức thi FE hàng năm, đã cung cấp rất nhiều tài liệu ôn tập, mở các lớp ôn luyện thi FE offline hay trực tuyến, cùng rất nhiều đề thi và đáp án được tích lũy từ các khóa trước. Cơ hội đạt chuẩn FE đều mở rộng tới cả các bạn sinh viên chưa hay mới ra trường và cả những người đang đi làm. Kể cả những người không trực tiếp phát triển sản phẩm CNTT nhưng có liên quan như bộ phận phiên dịch cũng có thể nâng cao hiểu biết của mình về CNTT bằng cách tham gia kỳ thi sơ cấp hơn FE là IP (IT passport). Việc còn lại đối với mỗi người chỉ là đặt ra mục tiêu và phân bổ thời gian để ôn tập.

Nâng cao trình độ của bản thân cũng là góp phần vào sự phát triển của ngành CNTT nước nhà. Phong trào học và đạt chuẩn FE đang phát triển rầm rộ ở các nước đang phát triển trong khu vực như Thái Lan, Myanmar, Bangladesh, Mông Cổ, Malaysia, Phillippin.  Đó là một sự cạnh tranh không hề nhỏ. Chúng ta có thế mạnh về vị trí địa lý thuận lợi, tình hình tôn giáo, văn hóa, chính trị ổn định nên dễ tiếp cận hơn các nước bạn. Tuy vậy, nếu không liên tục cố gắng phát triển bản thân, nâng cao tiêu chuẩn chất lượng của tập thể thì có thể ảnh hưởng lớn đến tương lai sau này của ngành CNTT Việt Nam. Việc thi FE mới chỉ là một bước nhỏ, nhưng bước đi đó nếu thực hiện được sẽ là điểm tựa vững chắc để mỗi người có thể tạo nên con đường tương lai của chính mình.

Nguồn: Đào Minh Đức - Đại sứ ITPEC 2014

Các bài viết khác

 

Đường dây nóng Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc:

- Về đầu tư: 0946.626.286
- Các vấn đề khác: 0922.662.266