Dự thảo Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp 4.0 đến năm 2030

22:01 - 25/07/2019

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang dự thảo Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030.
Ảnh minh họa

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thế giới đang bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) làm thay đổi các hoạt động kinh tế - xã hội của con người. Trước xu thế này, Đảng và Chính phủ đã có định hướng xây dựng chính sách chủ động tham gia CMCN 4.0. Do vậy, việc xây dựng và thực hiện tốt CMCN 4.0 là cần thiết và cấp bách để tranh thủ lợi ích tối đa của CMCN 4.0, giúp Việt Nam vươn lên trở thành một nước phát triển hiện đại, sánh vai cùng các nước tiên tiến trên thế giới.

Theo Chiến lược, định hướng áp dụng và phát triển các công nghệ của CMCN 4.0 giai đoạn 2021-2030 bao gồm: Áp dụng các công nghệ của CMCN 4.0 trong xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số để quản lý nhà nước thông minh hơn, nhanh hơn, minh bạch hơn và hiệu lực, hiệu quả hơn; đem lại sự hài lòng cao cho người dân và doanh nghiệp.

Đồng thời áp dụng các công nghệ của CMCN 4.0 để nâng cấp, chuyển đổi hệ thống sản xuất và kinh doanh hiện tại để tối ưu hóa phân bổ nguồn lực, phát triển sản xuất, kinh doanh nhanh hơn, cắt giảm chi phí, tìm kiếm thêm thị trường trong nước và quốc tế, nâng cao năng suất của doanh nghiệp nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung.

Các ngành, lĩnh vực ưu tiên thực hiện nâng cấp, chuyển đổi công nghệ bao gồm: Hành chính công, điện - nước, y tế, giáo dục, chế tạo, nông nghiệp, vận tải và kho vận, thương mại, thông tin và truyền thông, tài chính – ngân hàng.

Các công nghệ ưu tiên phát triển bao gồm: Kết nối di động 5G và sau 5G; trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, Internet vạn vật, an ninh mạng...

Chiến lược đặt mục tiêu: Đến năm 2025, hạ tầng internet cáp quang và internet di động băng rộng tốc độ cao (4G và 5G) phủ sóng toàn bộ các xã, tỷ lệ người dân sử dụng internet đạt 90%, đến năm 2030, tỷ lệ người dân sử dụng internet đạt 100%.

Đến năm 2025, 100% các cơ quan hành chính thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 100% các đơn vị sự nghiệp công ứng dụng CNTT trong giao tiếp với người dân và áp dụng thanh toán trực tuyến hoặc thanh toán bằng thiết bị di động...

Chiến lược cũng đề xuất các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện gồm: Hoàn thiện thể chế kinh tế và cải cách TTHC; phát triển hạ tầng kết nối, xây dựng và khai thác cơ sở dữ liệu; phát triển nguồn nhân lực; áp dụng công nghệ, chuyển đổi quản trị khu vực công...

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo này tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ.

Nguồn: chinhphu.vn

Các bài viết khác

 

Đường dây nóng Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc:

- Về đầu tư: 0946.626.286
- Các vấn đề khác: 0922.662.266