Dự kiến phóng Vệ tinh Micro Dragon vào tháng 1/2019

09:56 - 02/12/2018

Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) vừa công bố ngày phóng vệ tinh Micro Dragon. Theo đó, vệ tinh do đội ngũ kĩ sư Việt Nam chế tạo dự kiến được đưa lên vũ trụ vào 9h50 (giờ Nhật Bản) thứ 5 ngày 17/1/2019.

Vệ tinh Micro Dragon đã được chế tạo hoàn thiện và dự kiến phóng lên vũ trụ vào ngày 17/1/2019. 

Micro Dragon sẽ được phóng lên vũ trụ bằng tên lửa Epsilon do Công ty IHI Aerospace của Nhật Bản chế tạo. Địa điểm phóng là Trung tâm vũ trụ Uchinoura, tỉnh Kagoshima.

Micro Dragon là vệ tinh quan sát trái đất, có trọng lượng 50kg, kích thước 50 x 50 x 50 cm. Sau khi phóng lên vũ trụ, Micro Dragon có nhiệm vụ quan sát vùng biển ven bờ nhằm đánh giá chất lượng nước, định vị nguồn thủy sản, theo dõi sự thay đổi các hiện tượng xảy ra ở vùng biển ven bờ để phục vụ cho ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam. Phát hiện độ bao phủ của mây, tính chất của sol khí để phục vụ cho việc hiệu chỉnh khí quyển. Thu các tín hiệu cảm biến trên mặt đất sau đó chuyển các dữ liệu này một cách nhanh chóng tới các địa điểm cách xa nhau trên Trái Đất. Thử nghiệm công nghệ vật liệu mới (Atomic oxygen, Antimony Tin Oxide Coating Solar cell).

Micro Dragon được chế tạo bởi 36 kĩ sư người Việt, thuộc Trung tâm Vũ Trụ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Đây là đội ngũ kĩ sư theo học ngành công nghệ vũ trụ tại Nhật Bản. Bắt tay vào chế tạo năm 2013, năm 2017, Micro Dragon hoàn thành và thử nghiệm thành công. Theo PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, tên lửa Epsilon (Nhật Bản) do công ty IHI Aerospace chế tạo sẽ mang theo vệ tinh Micro Dragon của Việt Nam lên quỹ đạo.

Micro Dragon là bước tiếp theo trong quá trình làm từng bước nắm bắt và làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo vệ tinh của Việt Nam. Trước đó, các kĩ sư của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đã chế tạo thành công vệ tinh siêu nhỏ Pico Dragon (có kích thước 10 x 10 x 11,35 cm, khối lượng 1 kg). Vệ tinh này được phóng lên quỹ đạo vào tháng 11/2013 và hoạt động thành công trên vũ trụ. Sau Micro Dragon, theo lộ trình, Việt Nam sẽ tiến tới chế tạo vệ tinh LOTUSat-1, vệ tinh theo công nghệ radar mới nhất hiện nay.

Đây là một trong những kết quả của Dự án “Phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu sử dụng vệ tinh quan sát trái đất” sử dụng nguồn vốn ODA ưu đãi của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam được thực hiện từ năm 2011 là dự án trọng điểm quốc gia thực hiện nhiệm vụ đặt ra trong “Chiến lược Nghiên cứu và Ứng dụng Công nghệ vũ trụ đến 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2006.

Sau 7 năm thực hiện, dự án đã nâng cấp và thiết lập hệ thống cảnh báo và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai, quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên và giám sát môi trường, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh quốc gia thông qua việc phát triển cơ sở hạ tầng Trung tâm Vũ trụ quốc gia, phát triển và chuyển giao công nghệ chế tạo vệ tinh quan sát trái đất.

Theo đánh giá của các chuyên gia, dự án sẽ góp phần hiện thực hóa mục tiêu quan trọng và triển khai một số nhiệm vụ cụ thể của “Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020”, trong đó cụ thể thực hiện các nhiệm vụ “làm chủ vệ tinh nhỏ, tự thiết kế và chế tạo vệ tinh nhỏ quan sát trái đất; đào tạo được đội ngũ cán bộ trình độ cao, đáp ứng nhu cầu ứng dụng và phát triển công nghệ vũ trụ ở Việt Nam”.

Nguồn: chinhphu.vn

Các bài viết khác

 

Đường dây nóng Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc:

- Về đầu tư: 0946.626.286
- Các vấn đề khác: 0922.662.266