Đoàn ĐBQH TP Hà Nội giám sát việc triển khai dự án Khu Công nghệ cao Hoà Lạc
Ngày 24-8, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội đã tổ chức giám sát tình hình triển khai thực hiện dự án Khu công nghệ cao (Khu CNC) Hòa Lạc. Dự buổi làm việc có các đồng chí: Nguyễn Văn Chi, UV BCT, Bí thư TƯ Đảng, Chủ nhiệm UB Kiểm tra TƯ; Ngô Thị Doãn Thanh, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch HĐND TP, Trưởng đoàn ĐBQH TP.
Tại đây, các ý kiến phát biểu đã nêu ra hàng loạt nguyên nhân giải thích về việc chậm tiến độ dự án qua 11 năm triển khai; trong đó nhấn mạnh tồn tại ở các khâu giải phóng mặt bằng (GPMB), tái định cư (TĐC), xây dựng hạ tầng và công tác thu hút đầu tư.
(Ông Nguyễn Văn Lạng giới thiệu cho Đoàn về tình hình của Khu CNC Hoà Lạc)
Ông Nguyễn Văn Lạng, Trưởng ban quản lý Khu CNC Hòa Lạc cho biết, đến thời điểm hiện tại đã hoàn thành GPMB 838,4ha, đạt 53% diện tích toàn dự án nhưng ở trong tình trạng mặt bằng "da báo"; diện tích còn lại phải GPMB là 627ha đất và 120ha diện tích mặt nước. Khó khăn nhất trong GPMB hiện nay là khu TĐC chưa xây dựng xong, trong khi các hộ dân đã nhận tiền bồi thường; chế độ, chính sách GPMB thay đổi liên tục; việc di chuyển nghĩa trang trong dự án gặp trở ngại vì chưa có phương án quy hoạch nghĩa trang mới cho nhân dân do khó khăn về quỹ đất… Công tác GPMB chậm đã kéo theo việc xây dựng cơ sở hạ tầng không đạt như kế hoạch đề ra vào quý I- 2009 hiện mới triển khai được khoảng 70% khối lượng công việc. Những tồn tại này khiến kết quả thu hút đầu tư chưa tương xứng với quy mô của dự án, hiện mới có 11 doanh nghiệp đi vào sản xuất, thu hút khoảng 1.600 lao động…
(Bà Ngô Thị Doãn Thanh phát biểu kết luận buổi làm việc)
Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch HĐND TP, Trưởng đoàn ĐBQH Ngô Thị Doãn Thanh cho rằng, công tác GPMB Khu CNC Hòa Lạc chậm thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương mà ở đây là TP Hà Nội. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ triển khai dự án, trong đó việc phối hợp giữa các sở, ngành TP và giữa sở, ngành TP với cơ sở chưa chặt chẽ; thủ tục hành chính về GPMB chưa thực sự thông thoáng; cơ chế, chính sách về GPMB có sự thay đổi khi Thủ đô Hà Nội mở rộng…, những tồn tại này phải sớm được tháo gỡ trong thời gian tới. Muốn vậy, Ban quản lý dự án cần tiếp tục phối hợp cùng chính quyền TP Hà Nội tập trung quyết liệt GPMB và quản lý tốt phần diện tích đất đã được thu hồi; xây dựng kế hoạch GPMB bám sát thực tế để tạo sự chủ động cho địa phương về nguồn vốn và công tác TĐC. Bên cạnh đó, sớm cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Chính phủ về GPMB để bảo đảm quyền lợi cho người dân bị thu hồi đất; thực hiện tốt phương châm TĐC luôn phải đi trước một bước… Về nhiệm vụ đầu tư cơ sở hạ tầng, bà Ngô Thị Doãn Thanh lưu ý ban quản lý dự án đồng thời với xây dựng hạ tầng kỹ thuật phải đặc biệt quan tâm đến xây dựng hạ tầng xã hội đồng bộ như nhà ở cho công nhân lưu trú, bệnh viện...
Nguồn: HHTP
Các bài viết khác
- • Hội liên hiệp Việt Nam-Nhật Bản đến thăm Khu Công nghệ cao Hoà Lạc
- • Điểm thu hút những nhà đâu tư lớn
- • Science research in education to receive due attention
- • Vietnam ready for world IT forum
- • IMF: Kinh tế thế giới "bắt đầu" thoát khủng hoảng
- • Phải đơn giản hóa tối thiểu 30% các quy định về TTHC
- • Việt Nam - Nhật Bản kết nối cung - cầu công nghệ
- • Đồng chí Trương Vĩnh Trọng, Uỷ viên Bộ chính trị, Phó Thủ Tướng Chính phủ đến thăm Doanh nghiệp.
- • Construction starts on hi-tech facilities
- • Khởi công xây dựng xây dựng Đại học FPT và Dự án mở rộng quy mô phòng TNTĐ Bể thử mô hình Tàu thuỷ.