Đề xuất quy định mới về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực kế hoạch và đầu tư
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, thay thế Nghị định số 122/2021/NĐ-CP.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sau gần ba năm triển khai thực hiện, Nghị định số 122/2021/NĐ-CP đã bộc lộ những khó khăn, vướng mắc, bất cập. Do vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận thấy cần phải rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định chưa phù hợp, các quy định còn thiếu hoặc chưa cập nhật để kịp thời khắc phục những hạn chế trong quá trình áp dụng Nghị định số 122/2021/NĐ-CP, từng bước hoàn thiện các quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính và đảm bảo ngăn chặn, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.
Mức phạt tiền tối đa là 300 triệu đồng
Dự thảo Nghị định quy định 02 hình thức xử phạt chính là "Cảnh cáo" và "Phạt tiền". Ngoài ra, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả khác.
Dự thảo quy định mức phạt tiền tối đa đối với từng lĩnh vực, cụ thể: Trong lĩnh vực đầu tư, lĩnh vực đấu thầu là 300 triệu đồng; trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp, lĩnh vực quy hoạch là 100 triệu đồng.
Mức phạt tiền quy định tại Nghị định này là mức phạt áp dụng đối với tổ chức (trừ mức phạt đối với hộ kinh doanh là mức phạt áp dụng đối với cá nhân). Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với lĩnh vực đầu tư, đấu thầu, đăng ký doanh nghiệp là 01 năm; đối với lĩnh vực quy hoạch là 02 năm.
Tăng mức phạt hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài
Dự thảo đề xuất tăng mức xử phạt đối với hành vi không thực hiện theo đúng nội dung về hoạt động đầu tư ra nước ngoài được ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài từ 70 -100 triệu đồng lên từ 100 - 200 triệu đồng để đảm bảo tính răn đe đối với hành vi này.
Giảm mức xử phạt đối với hành vi lập báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư không đúng thời hạn hoặc không đầy đủ, lập báo cáo hoạt động đầu tư ra nước ngoài không đúng thời hạn hoặc không đầy đủ nội dung, không có tài liệu kèm theo theo quy định từ 20 - 30 triệu đồng xuống 10 - 20 triệu đồng để đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế.
Dự thảo cũng bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả đối với một số hành vi vi phạm chưa được quy định tại Nghị định số 122/2021/NĐ-CP như biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi không thực hiện đúng nội dung về hoạt động đầu tư ra nước ngoài được ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài; sửa đổi, bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi không thực hiện quy định về chuyển lợi nhuận và các khoản thu nhập từ việc đầu tư ra nước ngoài về Việt Nam theo quy định.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Nguồn: chinhphu.vn
Các bài viết khác
- • Hội nghị về trí tuệ nhân tạo tạo sinh lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam
- • Tạo thuận lợi hơn cho công tác tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế
- • Đề xuất chế độ báo cáo thống kê ngành Kế hoạch và Đầu tư
- • Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai
- • Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 8/2024
- • Quy định mới về miễn, giảm tiền sử dụng đất áp dụng từ 1/8/2024
- • Người nước ngoài phải gửi thông báo đến cơ quan quản lý cấp huyện trước khi cho thuê nhà
- • Hợp tác với Hàn Quốc phát triển phòng nghiên cứu vi mạch bán dẫn
- • Phát triển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc thành hạt nhân đổi mới sáng tạo
- • Khu CNC Hòa Lạc: Kết nối '3 nhà' để phát triển nhân lực ngành bán dẫn