Khu CNC Hòa Lạc: Kết nối '3 nhà' để phát triển nhân lực ngành bán dẫn
TP. Hà Nội nói chung, Khu Công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc nói riêng cần khai thác hiệu quả lợi thế sẵn có, thúc đẩy kết nối 3 nhà: Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp và đề ra những chính sách đột phá hơn, hấp dẫn hơn để phát triển nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn.
Đây là chia sẻ của các đại biểu tại Hội thảo "Phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc" do Ban Quản lý KCN Hòa Lạc tổ chức chiều 30/7.
Ông Trần Đắc Trung, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc, cho biết, hiện nay bán dẫn là một trong những lĩnh vực được Chính phủ ưu tiên, khuyến khích phát triển. Do đó, việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết để phát triển ngành này, trong đó đào tạo nhân lực là một trong những yếu tố then chốt.
Việc phát triển nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn tại Khu CNC Hòa Lạc luôn gắn liền với thực tiễn vì xuất phát ngay tại trường, viện nghiên cứu và các doanh nghiệp. Đến nay, Khu CNC Hòa Lạc đã có 108 dự án đầu tư với số vốn đăng ký là trên 5 tỷ USD. Số cán bộ, chuyên gia, người lao động, học tập tại Khu CNC Hòa Lạc khoảng 25.000 người.
Các dự án trong KCN Hòa Lạc đóng góp rất nhiều trong phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô nói riêng, cả nước nói chung. Đặc biệt các dự án này đã phát huy hiệu quả trong việc hình thành mối liên kết giữa trường đại học, cơ sở đào tạo - viện nghiên cứu - doanh nghiệp sản xuất, tạo thành vòng tròn khép kín giữa 3 nhà: Nhà nghiên cứu - Nhà trường - Doanh nghiệp.
"Với sứ mệnh của Khu CNC Hòa Lạc là phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo, tiến tới sáng tạo công nghệ cũng như ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp, Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc luôn nhận thức vai trò đồng hành cùng các nhà đầu tư, doanh nghiệp, chuyên gia, người lao động, học tập tại Khu CNC Hòa Lạc", ông Trần Đắc Trung nói.
Khu CNC Hòa Lạc hiện đã quy hoạch các khu dịch vụ để hỗ trợ những mục tiêu cốt lõi này. Trong năm nay và năm tới, Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc đang tập trung xây dựng các danh mục để thu hút các dự án về phát triển hạ tầng xã hội cần thiết để đáp ứng các yêu cầu của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp, sinh viên học tập tại Khu CNC Hòa Lạc.
Ban Quản lý cũng đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục theo tinh thần kiến tạo, chỉnh trang hạ tầng, cảnh quan, đồng thời thường xuyên chủ động đề xuất, xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp và đối tác tham gia hợp tác, đầu tư tại Khu CNC Hòa Lạc.
Cần những chương trình đột phá hơn
Tại Hội thảo, các ý kiến đều cho rằng, hiện nay, Khu CNC Hòa Lạc có nhiều lợi thế để "đón sóng" đầu tư ngành bán dẫn khi đang quy tụ những tập đoàn công nghệ hàng đầu của Việt Nam như: Viettel, FPT, Mobifone, Vinaphone, CMC, những cơ sở nghiên cứu và ươm tạo quy mô lớn như: Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam-Hàn Quốc (V-KIST), Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC).
Đặc biệt, với sự phát triển của ngành công nghệ cao không thể thiếu sự đóng góp của đội ngũ chuyên gia, kỹ sư, lao động lành nghề. Ở khía cạnh này, Khu CNC Hòa Lạc có khả năng đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao, như trong Khu đã có Trường Đại học FPT đang đào tạo cho khoảng gần 10.000 sinh viên về các ngành công nghệ, trong đó có ngành bán dẫn …
Bên cạnh đó, hiện Luật Thủ đô sửa đổi, đã được thông qua trong đó sẽ quy định những ưu đãi và hỗ trợ đặc thù dành cho Khu CNC Hòa Lạc như: Hỗ trợ ươm tạo công nghệ, áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox)…
Chia sẻ về kế hoạch và định hướng phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn, TS. Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) cho hay, Đề án "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050" do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì đã dự báo cần khoảng 50.000 kỹ sư ngành công nghiệp bán dẫn.
Đề án cũng thể hiện việc khu vực tư nhân và các địa phương có thể tham gia vào quá trình đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Hiện nay, Bắc Ninh, Bắc Giang…đã tiên phong hỗ trợ kinh phí cho người học tham gia các chương trình đào tạo.
"Chúng tôi kỳ vọng Hà Nội sẽ có những chương trình đột phá hơn để phát triển nhân lực ngành này", TS. Võ Xuân Hoài bày tỏ.
TS. Hoài cũng cho biết, tới đây, lĩnh vực bán dẫn của Việt Nam sẽ có sự tham gia sâu của các tập đoàn công nghệ lớn hàng đầu thế giới. Khi các tập đoàn này vào Việt Nam thì rất nhiều doanh nghiệp "đại bàng" công nghệ cũng sẽ theo vào.
Đây là cơ hội cho Hà Nội cũng như Khu CNC Hòa Lạc trở thành điểm đến của "đại bàng" công nghệ, ươm tạo các kỳ lân công nghệ cho Việt Nam trong thời gian tới.
Các ý kiến tại Hội thảo cũng cho rằng, đối với các Khu CNC nói chung, Khu CNC Hòa Lạc nói riêng, vấn đề đặt ra là làm sao để kết nối với các cơ sở đào tạo cũng như có chính sách hấp dẫn để thu hút nguồn nhân lực trình độ cao cho ngành công nghiệp bán dẫn.
Vì vậy, Ban Quản lý KCN Hòa Lạc có vai trò quan trọng trong việc kết nối 3 nhà: Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp trong việc phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn. Bên cạnh đó, KCN Hòa Lạc cũng cần quan tâm tới các đối tác nước ngoài.
Khu CNC Hòa Lạc có thể đề xuất với cấp có thẩm quyền đưa ra những cơ chế, biện pháp hỗ trợ cho nhà đầu tư tại Khu CNC Hòa Lạc, ví dụ như hỗ trợ hoạt động đào tạo lao động, hoạt động R&D, hỗ trợ khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ doanh nghiệp...
Nguồn: chinhphu.vn
Các bài viết khác
- • Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về Luật Thủ đô
- • Triển lãm kết nối, xúc tiến đầu tư ngành công nghiệp bán dẫn Hà Nội 2024
- • Thúc đẩy tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu tại Khu CNC Hòa Lạc
- • Đề xuất mới về cơ chế, chính sách ưu đãi với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia
- • Đề xuất thành lập Quỹ Đầu tư, hỗ trợ đổi mới sáng tạo Quốc gia
- • Sắp đưa vào vận hành Trung tâm Vũ trụ Việt Nam tại Khu CNC Hòa Lạc
- • Đề xuất quy định mới về đăng ký doanh nghiệp
- • Chính thức tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7
- • Chính phủ ban hành Nghị định mới về giá đất
- • Chốt 3 luật về bất động sản có hiệu lực từ 1/8/2024