Cùng xây dựng cộng đồng doanh nghiệp lớn mạnh

10:10 - 03/05/2017

Chịu trách nhiệm với từng hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp và hiện đang gánh trọng trách quản lý khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ kiêm Trưởng ban Quản lý khu Công nghệ cao Hòa Lạc PHẠM ĐẠI DƯƠNG đã chia sẻ với PV Báo ĐBND những khó khăn, vất vả của các doanh nhân, doanh nghiệp khoa học công nghệ và doanh nghiệp trong cả nước, đồng thời mong muốn các doanh nhân kiên trì thực hiện những hoài bão của mình trên con đường khởi nghiệp, quyết tâm làm chủ công nghệ, cùng xây dựng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ngày càng phát triển, lớn mạnh, thành công trên trường quốc tế và luôn coi Khu CNC Hòa Lạc là điểm tựa, là đòn bẩy vững chắc cho sự phát triển của mình.

Thưa Thứ trưởng, Khu công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc sau 17 năm thành lập, bóng dáng của một đô thị khoa học và công nghệ đang có nhiều tín hiệu khởi sắc?

- Để xây dựng và phát triển thành công một khu CNC thì phải hội tụ đủ các yếu tố như có quy hoạch phát triển dài hạn, cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ; hệ thống các trường đại học và viện nghiên cứu hỗ trợ; môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, cơ chế ưu đãi và chính sách đầu tư tốt. Trong những năm qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có những chỉ đạo phát triển Khu CNC Hòa Lạc theo những định hướng đó. Đến nay, hình ảnh của một đô thị khoa học và công nghệ đang dần rõ nét. Nhiều trường đại học và viện nghiên cứu với quy mô lớn, theo mô hình tiên tiến được Chính phủ các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp hỗ trợ đã và đang được triển khai xây dựng tại đây. Một số doanh nghiệp sản xuất CNC đã đi vào hoạt động, đã có những đóng góp vào phát triển nền kinh tế.     

Với sự trợ giúp của Nhật Bản trong việc lập quy hoạch chung, cơ sở hạ tầng Khu CNC Hòa Lạc đang được xây dựng và phát triển bằng nguồn vốn ODA Nhật Bản với tổng mức đầu tư khoảng 300 triệu USD và dự kiến hoàn thiện vào cuối năm 2018. Khi đó, Khu CNC Hòa Lạc sẽ có hệ thống hạ tầng hiện đại, đồng bộ theo mô hình một thành phố khoa học và công nghệ thông minh, đáp ứng các yêu cầu của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, góp phần vào sự phát triển khoa học và công nghệ của đất nước.

Để được đầu tư vào Khu CNC Hòa Lạc phải đáp ứng những tiêu chí nào. Các lĩnh vực CNC nào được ưu tiên phát triển tại đây, thưa Thứ trưởng?

- Khu CNC Hòa Lạc được xây dựng và phát triển thành một thành phố khoa học và công nghệ, một đô thị sinh thái và thông minh, bao gồm một chuỗi các hoạt động từ đào tạo, ươm tạo đến nghiên cứu, thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu và cuối cùng là sản xuất, cùng đầy đủ các dịch vụ hỗ trợ để hướng tới mục tiêu phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ của đất nước. Nhà nước đã đầu tư nguồn ngân sách lớn và sẵn sàng tạo môi trường đầu tư thuận lợi tại Khu CNC Hòa Lạc với mong muốn thu hút được các nhà đầu tư có năng lực thực sự về công nghệ, có tiềm lực về tài chính.   

Hiện nay, đã có các văn bản quy định về lĩnh vực CNC; tiêu chí đánh giá doanh nghiệp công nghệ cao, công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao như Luật Công nghệ cao 2008, Nghị định 99/2003/NĐ-CP, Quyết định số 27/2006/QĐ-BKHCN, Quyết định số 66/2014/QĐ-TTg… Theo đó, Khu CNC Hòa Lạc tập trung thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới và công nghệ tự động hóa. Ngoài ra, các dự án đầu tư tại Khu phải đáp ứng các tiêu chí về sử dụng đất có hiệu quả, không gây ô nhiễm môi trường, tiết kiệm năng lượng, dây chuyền công nghệ ở mức độ tự động hóa cao, có bố trí nhân lực (5%) và doanh thu (1%) cho hoạt động nghiên cứu và phát triển…

 Khu CNC Hòa Lạc được thành lập năm 1998 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao, đào tạo nhân lực công nghệ cao, sản xuất và kinh doanh sản phẩm công nghệ cao. Theo quy hoạch, Khu CNC Hòa Lạc có diện tích 1.586ha, thuộc địa bàn 2 huyện Thạch Thất và Quốc Oai, thành phố Hà Nội với các khu chức năng: Giáo dục và Đào tạo, Nghiên cứu - Triển khai, Phần mềm, Công nghiệp Công nghệ cao và các dịch vụ hỗ trợ khác. Khu CNC Hòa Lạc là thành viên chính thức của Hiệp hội các Khu khoa học châu Á (ASPA) và Hiệp hội các Khu Công nghệ cao Thế giới (IASP).

Tuy nhiên, công nghệ luôn không ngừng thay đổi và phát triển, đặc biệt là công nghệ cao. Công nghệ có thể cao ở quốc gia này nhưng chưa chắc đã là cao ở quốc gia khác. Vì vậy, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng phải không ngừng điều chỉnh và định hướng các chính sách, văn bản cho phù hợp với tình hình thực tế và xu hướng phát triển của công nghệ.

- Theo Thứ trưởng, hiện các chính sách ưu đãi đặc thù cho khu CNC Hòa Lạc nhằm thu hút đầu tư đã được hoàn thiện chưa?

- Theo tôi, yếu tố mà doanh nghiệp quan tâm khi lựa chọn địa điểm đầu tư là nơi đó phải có môi trường đầu tư thuận lợi, an toàn, thủ tục hành chính đơn giản, một cửa, tại chỗ và chi phí đầu tư thấp nhất, kể cả chi phí trực tiếp và chi phí gián tiếp.  

Đối với chúng ta, các khu CNC ra đời từ khá lâu, nhưng thực sự vẫn là mô hình mới nên các cơ chế chính sách điều chỉnh về ưu đãi đầu tư cũng như xây dựng và phát triển chưa theo kịp. Tôi rất mừng vì thời gian qua, các bộ luật về đất đai, xây dựng, đầu tư, môi trường, thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành đã có những nội dung cụ thể điều chỉnh đối với Khu CNC và hoạt động CNC nói chung. 

Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì soạn thảo cơ chế, chính sách đặc thù đối với Khu CNC Hòa Lạc. Hiện nay, Dự thảo đã được hoàn thiện và đăng tải trên trang thông tin điện tử của Bộ Khoa học và Công nghệ để lấy ý kiến góp ý của các tổ chức, cá nhân, trong đó có đề xuất những chính sách nhằm giảm chi phí đầu tư của doanh nghiệp thông qua các chính sách ưu đãi về đất đai, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế xuất nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng…; cơ chế hành chính một cửa… cho các tổ chức/cá nhân thực hiện đầu tư dự án tại Khu CNC Hòa Lạc. Dự kiến, Dự thảo sẽ được hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành vào cuối quý IV năm 2015.

Trong thời gian tới, cá nhân Thứ trưởng có kế hoạch hành động thế nào để Khu CNC Hòa Lạc thực sự là một trung tâm nghiên cứu phát triển và ứng dụng CNC của cả nước?

- Theo tôi, chiến lược phát triển Khu CNC Hòa Lạc được xây dựng theo từng giai đoạn. Trong ngắn hạn, từ nay đến hết năm 2018, Khu CNC Hòa Lạc cần “đặt mình vào vị trí nhà đầu tư” để tập trung “phục vụ” nhà đầu tư, bao gồm việc sớm hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư, hoàn thiện cơ sở pháp lý. Trong dài hạn, từ sau năm 2018, chiến lược của Khu CNC Hòa Lạc là trở thành cái nôi của khoa học công nghệ, nơi phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ cho đất nước, theo đó cần tập trung thu hút đầu tư, kết nối cung cầu về công nghệ cao, tiếp nhận, trình diễn và chuyển giao công nghệ cao cũng như phát triển các hoạt động ươm tạo, đào tạo. 

Nhân ngày doanh nhân Việt Nam, Thứ trưởng gửi lời chúc mừng đến những doanh nghiệp khoa học công nghệ và doanh nghiệp trong cả nước?  

Nhân dịp này, tôi xin gửi tới các doanh nhân, doanh nghiệp khoa học công nghệ và doanh nghiệp trong cả nước lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công. Tôi rất mong muốn các doanh nhân tiếp tục kiên trì thực hiện những hoài bão của mình trên con đường khởi nghiệp, quyết tâm làm chủ công nghệ, cùng nhau xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ngày càng phát triển, lớn mạnh và thành công trên trường quốc tế. Tôi mong muốn các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp khoa học công nghệ luôn coi Khu CNC Hòa Lạc là điểm tựa, là đòn bẩy vững chắc cho sự phát triển của mình.

- Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Nguồn: Báo Đại biểu Nhân dân

Các bài viết khác

 

Đường dây nóng Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc:

- Về đầu tư: 0946.626.286
- Các vấn đề khác: 0922.662.266