Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng
Toàn cảnh phiên họp |
Luật đầu tư số 67/2014/QH13 được ban hành đã góp phần xóa bỏ rào cản trong hoạt động đầu tư, kinh doanh không phù hợp với kinh tế thị trường và cam kết hội nhập của Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý cho việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng giữa các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, thực tiễn hơn 4 năm thi hành Luật đầu tư đã đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện hơn nữa một số quy định của Luật bởi một số quy định của Luật đầu tư và các Luật có liên quan còn thiếu tính đồng bộ, hợp lý, khả thi, dẫn đến vướng mắc trong quá trình thực hiện, làm phát sinh chi phí và rủi ro đối với doanh nghiệp.
Quá trình thực hiện Luật đầu tư và một số Luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh trong thời gian qua cho thấy còn một số nội dung chưa được quy định thống nhất, đồng bộ giữa các Luật, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản, môi trường... Sự trùng lặp, chồng chéo trong các quy định về vấn đề này giữa các Luật đã và đang gây nhiều khó khăn cho cả nhà đầu tư, cơ quan quản lý trong việc triển khai hoạt động đầu tư, kinh doanh cũng như công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động này. Một số nội dung của Luật về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện chưa được quy định đầy đủ, chưa có cơ chế kiểm soát, giám sát chặt chẽ việc áp dụng cũng như sửa đổi, bổ sung các ngành, nghề này nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc bảo đảm thực thi nhất quán quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.
Các lĩnh vực, ngành, nghề ưu đãi, hỗ trợ đầu tư còn dàn trải, chưa thật sự hướng mạnh vào việc thu hút các nguồn lực đầu tư nhằm cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên sáng tạo và đổi mới công nghệ đang diễn ra nhanh chóng trong bối cảnh cuộc Cánh mạng công nghiệp lần thứ tư. Một số tiêu chí, điều kiện và hình thức áp dụng ưu đãi đầu tư chưa linh hoạt, chậm được đổi mới để đáp ứng yêu cầu thu hút các nguồn vốn đầu tư có chất lượng cao, khuyến khích hoạt động đổi mới, sáng tạo, chuyển giao công nghệ, hoạt động nghiên cứu-phát triển (R&D), thúc đẩy liên kết ngành, liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài…
Bên cạnh những thành tựu quan trọng, việc thu hút và sử dụng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong thời gian qua đã bộc lộc một số hạn chế, bất cập và những vấn đề mới phát sinh, đòi hỏi phải có quan điểm, định hướng và giải pháp mới nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút nguồn vốn này cũng như công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh.
Nghị quyết số 50/NQ-TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 đã đánh giá toàn diện tình hình thu hút, sử dụng nguồn vốn đầu tư nước ngoài hơn 30 năm qua, trong đó đã chỉ rõ những hạn chế, bất cập trong hoạt động thu hút nguồn vốn này. Bên cạnh đó, đã xuất hiện một số hiện tượng tiêu cực và vấn đề mới phát sinh trong hoạt động của các dự án đầu tư nước ngoài (như tình trạng chuyển giá, trốn thuế, sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên, đầu tư “chui”, “núp bóng” thông qua tổ chức, cá nhân Việt Nam...). Trong bối cảnh đó, Luật đầu tư cần được tiếp tục sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện công cụ cần thiết để sàng lọc, thu hút nhà đầu tư thật sự có năng lực để thực hiện dự án đầu tư có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu sử dụng hiệu quả các nguồn lực về đất đai, tài nguyên, khoáng sản, lao động, bảo đảm an ninh, quốc phòng, bảo vệ môi trường và xử lý những bất cập nêu trên.
Bên cạnh đó, Luật đầu tư cần được tiếp tục hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện các cam kết hội nhập, góp phần cải thiện, nâng cao sức cạnh tranh của môi trường đầu tư, kinh doanh. Một số vấn đề lớn mà các doanh nghiệp kỳ vọng có bước đột phá hơn trong Luật này là: tiếp tục bảo đảm quyền tự do, bình đẳng của doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư kinh doanh; cải cách, đơn giản hóa hơn nữa thủ tục thực hiện dự án đầu tư...
Thứ trưởng Vũ Đại Thắng phát biểu tại phiên họp |
Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết, Luật đầu tư được sửa đổi nhằm thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế tư nhân và hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
Luật được sửa đổi nhằm mục tiêu tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, xóa bỏ rào cản trong hoạt động đầu tư, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút nguồn lực đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực, địa bàn trên cơ sở bảo đảm an ninh, quốc phòng, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Đồng thời, hoàn thiện các quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư kinh doanh, đồng thời cắt giảm một số ngành, nghề không cần thiết, bất hợp lý nhằm tiếp tục bảo đảm thực hiện đầy đủ, nhất quán quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trong những ngành, nghề mà Luật không cấm hoặc quy định phải có điều kiện. Cùng với đó, tiếp tục cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hoàn thiện cơ chế phân cấp quản lý giữa các cơ quan trung ương và cơ quan địa phương trên cơ sở đảm bảo hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh.
Luật đầu tư (sửa đổi) phải đảm bảo nguyên tắc thi hành đầy đủ, nhất quán những cải cách của Luật đầu tư gắn với việc thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ phát triển và cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Đồng thời, bảo đảm tính thống nhất, minh bạch, khả thi và hiệu quả trong việc thực hiện các quy định của Luật đầu tư và các luật có liên quan đến đầu tư, kinh doanh, đặc biệt là các luật về đất đai, xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản, môi trường, chuyển giao công nghệ… Tuân thủ các cam kết hội nhập của Việt Nam, trong đó có các cam kết liên quan đến mở cửa thị trường, tự do hóa và bảo hộ đầu tư theo các Hiệp định đầu tư song phương cũng như Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, dự án Luật này sửa đổi 34 điều, bổ sung 04 điều và bãi bỏ 02 điều của Luật đầu tư với những nội dung về phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc áp dụng Luật đầu tư, các khái niệm và chính sách đầu tư kinh doanh.
Về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và đầu tư kinh doanh có điều kiện, dự thảo Luật đã hoàn thiện quy định tại Điều 7 của Luật đầu tư nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi nguyên tắc bảo đảm quyền tự do đầu tư kinh doanh của người dân và doanh nghiệp trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm hoặc quy định phải có điều kiện. Bổ sung một số quy định về hình thức áp dụng, nội dung điều kiện đầu tư kinh doanh cũng như các nguyên tắc, điều kiện, thủ tục đề xuất ban hành, sửa đổi, bổ sung Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Dự thảo Luật tiếp tục khẳng định nguyên tắc: bộ, cơ quan ngang bộ, HĐND và UBND các cấp không được ban hành các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh, nhưng áp dụng cơ chế linh hoạt, phù hợp với Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật về thẩm quyền quy định thủ tục hành chính. Theo đó, các cơ quan này có thể ban hành văn bản quy định về thủ tục hành chính để thực hiện điều kiện đầu tư kinh doanh trong trường hợp được giao trong Luật.
Bãi bỏ 12 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, đồng thời sửa đổi 19 ngành, nghề và bổ sung 6 ngành, nghề để phù hợp với yêu cầu, thực tiễn quản lý nhà nước đối với các ngành, nghề này và bảo đảm tính thống nhất với các luật có liên quan. Bổ sung ngành “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định tại Điều 6 của Luật.
Tiếp tục cấm đầu tư kinh doanh các chất ma túy; các hóa chất, khoáng vật và động, thực vật hoang dã bị cấm theo các công ước quốc tế, nhưng bãi bỏ các Phụ lục 1, 2 và 3 của Luật đầu tư và giao Chính phủ quy định chi tiết để phù hợp với thực tiễn thay đổi nhanh chóng của các sản phẩm này cũng như yêu cầu quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Về ngành, nghề đầu tư có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài, nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương, giải pháp đối với hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài theo Nghị quyết số 50/NQ-TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về Danh mục ngành, nghề tiếp cận thị trường thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài theo cách tiếp cận chọn bỏ.
Đặc biệt, dự thảo Luật bổ sung một số ngành, nghề hoạt động đầu tư khác vào khoản 1 Điều 17, gồm: hoạt động nghiên cứu và phát triển; sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hình thành từ kết quả nghiên cứu khoa học; hoạt động đổi mới sáng tạo; sản xuất hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ tạo ra hoặc tham gia chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành.
Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số nội dung về ngành, nghề và địa bàn ưu đãi đầu tư; Quy định về thẩm quyền, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư; Thủ tục thực hiện hoạt động đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài; Quy định về thủ tục triển khai thực hiện dự án đầu tư; Các quy định về đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài. Ngoài ra, Dự thảo Luật tiếp tục duy trì thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài với nội dung và thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đơn giản hơn theo hướng: bãi bỏ một số nội dung không cần thiết hoặc có thể dẫn đến xung đột với về thẩm quyền điều chỉnh với pháp luật của nước tiếp nhận đầu tư; thu hẹp phạm vi dự án phải thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư... Đồng thời, sửa đổi, bãi bỏ một số quy định của các luật khác có liên quan để phù hợp với nội dung sửa đổi, bổ sung tại Luật này, gồm: Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản, Luật quy hoạch đô thị, Luật bảo vệ môi trường và Luật điện ảnh và quy định áp dụng chuyển tiếp các nội dung mới của luật.
Tại phiên họp, các đại biểu đều thống nhất sự cần thiết sửa đổi Luật đầu tư, cơ bản đồng tình phạm vi sửa đổi. Đồng thời đề nghị, ban soạn thảo tiếp tục làm rõ một số nội dung liên quan đến việc lựa chọn bổ sung 4 nhóm ngành được ưu đãi đầu tư; tiếp tục rà soát các quy định, điều khoản của Luật đầu tư (sửa đổi) với các luật khác; tiếp tục cập nhật các yêu cầu của Nghị quyết 50/NQ-TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 vừa được Bộ Chính trị thông qua; làm rõ hành vi bị cấm đối với doanh nghiệp, nhà đầu tư…
Trong thời gian tới, cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu chỉnh lý, giải trình các ý kiến của các đại biểu, từ đó tiếp tục hoàn thiện báo cáo thẩm tra trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội./.
Nguồn: www.mpi.gov.vn
Các bài viết khác
- • Thủ tướng Malaysia chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số thành công của Malaysia
- • Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad thăm và làm việc tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc
- • Đoàn Thanh niên Bộ KH&CN và Đoàn đại biểu cán bộ Đoàn Thanh niên Nhân dân cách mạng Lào giao lưu, chia sẻ về công tác phát triển thanh niên
- • Nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai tại đô thị
- • Đề xuất quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa XNK
- • Tăng cường hợp tác với Tỉnh Hòa Bình
- • Giảm lệ phí đăng ký doanh nghiệp từ 20/9/2019
- • Khơi dậy niềm đam mê khoa học cho bạn trẻ
- • Trí tuệ Nhân tạo sẽ là mũi nhọn cho Cách mạng công nghiệp 4.0 của Việt Nam
- • Ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có thành tích xuất sắc