Khởi nghiệp với khát vọng ham đọc sách

16:27 - 21/10/2020

Từ khát vọng xây dựng một thế hệ ham đọc sách trong thời đại công nghệ bùng nổ, chị Lê Thị Cẩm Trinh (sinh 1989, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng) đã dùng ngòi bút “công nghệ số” để vẽ nên những câu chuyện thần tiên cho trẻ em thông qua ứng dụng Umbalena, một ứng dụng đọc sách và phát triển ngôn ngữ và tri thức cho trẻ em.

Chị Lê Thị Cẩm Trinh (đứng thứ hai từ trái qua) vinh dự đạt giải Tiên phong trong cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp 2020. Ảnh: NVCC

Mở cánh cửa thần tiên cho trẻ thơ

Chia sẻ về những ngày đầu lên ý tưởng cho dự án Umbalena, chị Trinh cho biết, ở nước ngoài có rất nhiều các ứng dụng đọc sách bằng tiếng Anh cho trẻ em theo từng cấp độ. Cô con gái nhỏ của chị cũng rất mê đọc sách tiếng Anh trên các ứng này và nhờ đó có nhiều tiến bộ trong việc học. Chị Trinh nhận thấy, ở Việt Nam rất ít đơn vị làm nội dung bằng Tiếng Việt cho trẻ mầm non, tiểu học mà có sự phân chia nội dung kiến thức và chủ đề theo trình độ từ dễ đến khó, từ cơ bản đến phức tạp và tạo được sự hứng thú cũng như phù hợp với độ tuổi của trẻ.

Vốn có nền tảng công nghệ thông tin, lại đam mê ngành giáo dục, chị Trinh cùng chồng tìm thêm đồng sự là các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục mầm non và ngôn ngữ học để cùng nhau xây dựng ứng dụng tương tự như vậy cho trẻ em Việt Nam học tiếng Việt.

“Chúng tôi xây dựng đề án mong muốn đồng hành cùng ba mẹ xây dựng một thế hệ trẻ Việt Nam ham đọc, biết cách tiếp cận và sử dụng công nghệ đúng cách và hiệu quả, rèn luyện kỹ năng nghe – đọc hiểu Tiếng Việt và ngày càng phát triển đầy đủ nhận thức, tư duy, trí tuệ cảm xúc”, chị Trinh chia sẻ.

Theo chị Trinh, cái khó nhất của dự án đó là phần nội dung phải hoàn toàn sáng tạo mới để cạnh tranh trên thị trường và tạo bản sắc văn hoá Việt Nam. Với ý nghĩ đó, chị đã tìm đến một đội ngũ chuyên gia cố vấn và đội ngũ phát triển sản phẩm nòng cốt là những chuyên gia có tầm và uy tín.

Về phần mỹ thuật, chị đã tập hợp hơn 25 hoạ sĩ đều có kinh nghiệm trong lĩnh vực vẽ minh họa, chuyên vẽ sách tranh cho thiếu nhi. Đặc biệt, mỗi họa sĩ trước khi bắt đầu bắt tay thực hiện những bộ ảnh của riêng mình đều được tham gia một khóa học để nắm bắt tâm lý cũng như hiểu rõ hơn về gu thẩm mỹ của trẻ.

Về phần nội dung, trong ứng dụng được phân chia theo 9 cấp độ đọc tương ứng với 3 hòn đảo cần khám phá, từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp, sao cho phù hợp với độ tuổi và khả năng đọc của mỗi bé. Nội dung các câu chuyện đa dạng ở nhiều lĩnh vực khác nhau, không chỉ phù hợp với sở thích, độ tuổi, giới tính và trình độ của trẻ mà còn giúp trẻ mở mang kiến thức, nuôi dưỡng đam mê và tâm hồn trẻ.

“Nội dung trên ứng dụng Umbalena đều được thiết kế và minh hoạ bằng ảnh tĩnh, tạo cảm giác tương tự như khi trẻ trải nghiệm đọc sách giấy. Việc đọc và tiếp thu ảnh tĩnh sẽ giúp cho não bộ của bé được thư giãn hơn, từ đó có thể giảm thiểu phần nào nguy cơ mắc các tật khúc xạ ở mắt cũng như các bệnh lý khác”, chị Trinh phân tích.

“Dự án chính thức ra mắt vào đầu năm nay. Lúc đầu mình chỉ giới thiệu trong các Hội nhóm về chăm sóc nuôi dạy con cái không ngờ được đón nhận nhiệt tình và ngày càng lan toả mạnh mẽ ra cộng đồng. Mình quá sức bất ngờ và nay số lượt đăng tải của phần mềm đã đạt tới hơn 60.000 lượt. Được đà thắng xông lên, mình đặt mục tiêu cuối năm sẽ đạt được con số 100.000 lượt”, chị Trinh phấn khởi nói.

Dự án của chị Trinh cũng vinh dự đạt giải thưởng Tiên phong của cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp 2020 do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức.

Chia sẻ về kế hoạch phát triển dự án trong tương lai, chị Trinh cho biết: "Chúng tôi còn mong muốn xây dựng Umbalena trở thành một hệ sinh thái, nơi các nhà sản xuất nội dung dành cho thiếu nhi Việt Nam gặp nhau, cùng phát triển, phục vụ cho sứ mệnh xây dựng một thế hệ ham đọc".

Nguồn: www.most.gov.vn

Các bài viết khác