KHỞI NGHIỆP CẦN ĐI VÀO THỰC CHẤT

22:43 - 07/01/2018

Có thực chất, các kết quả khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam mới được sử dụng để phát triển kinh tế, doanh nghiệp, theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng.

Giai đoạn 2016-2017 ghi nhận nhiều nỗ lực, hoạt động của Chính phủ, Thủ tướng cũng như các bộ, ban, ngành trong việc thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phê duyệt Đề án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, trong thanh niên và phụ nữ. Bộ Khoa học và Công nghệ cũng tập trung triển khai xây dựng các hoạt động và thực hiện nội dung của Đề án 844 (Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025)

“Nhà nước chỉ là người đưa ra vốn  mồi, còn nguồn lực lớn nhất sẽ huy động từ nguồn kinh phí trong nước và ngoài nước. Điều này nên được làm rõ trong quá trình thực hiện hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết trong một hội thảo về khởi nghiệp diễn ra vào ngày 22/12 tại Hà Nội.

Theo đó, Nhà nước sẽ không hỗ trợ trực tiếp cho các hoạt động khởi nghiệp mà hỗ trợ về mặt cơ chế chính sách, vốn mồi thông qua các trung tâm ươm tạo và tư vấn khởi nghiệp. Đến hết năm 2017, cả nước đã có hơn 40 trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp hoạt động thường xuyên, liên tục. 

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng phát biểu trong Ngày hội Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo Techfest Vietnam 2017. 

Bên cạnh đó, kích thích khu vực tư nhân tham gia với nhà nước hỗ trợ cho khởi nghiệp cũng là một trong những mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam. Đặc biệt từ phía doanh nghiệp nhỏ và vừa, cùng chung tay để trở thành những người đầu tiên mua sản phẩm, sử dụng dịch vụ của khối doanh nghiệp khởi nghiệp,giới thiệu startup vào các chương trình xúc tiến thương mại. 

Năm 2017, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng cho ra mắt Cổng thông tin kết nối khởi nghiệp Việt Nam nhằm kết nối những nhà khởi nghiệp, nhà đầu tư, các cơ quan quản lý và rất nhiều đối tượng khác nhau trong hệ sinh thái khởi nghiệp trong một không gian trực tuyến tập trung, chuyên nghiệp.

Muốn đi xa, đừng khởi nghiệp một mình

Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của cả nước nói chung và các trung tâm khởi nghiệp nói riêng như Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM hiện nay vẫn chưa có đủ sự kết nối cộng sinh giữa các thành phần để cùng phát triển.  

Trong đó, cần nhấn mạnh vào ba trụ cột chính. Thứ nhất là yếu tố năng lực và nhận thức, đặc biệt từ phía các địa phương, trường đại học, viện nghiên cứu sản phẩm, thực hành khoa học -  công nghệ. Thứ hai là nền tảng truyền thông để tạo ra văn hóa khởi nghiệp hỗ trợ hệ sinh thái startup. 

Văn hóa khởi nghiệp ở đây là tinh thần dám nghĩ, dám làm, chấp nhận và cởi mở với mọi thất bại và tinh thần không bỏ cuộc, kiên trì theo đuổi mục tiêu. Đặc biệt từ phía DN nhỏ và vừa cùng chung tay để trở thành những người đầu tiên mua hàng cho khởi nghiệp, những người đầu tiên giới thiệu DN khởi nghiệp vào chương trình xúc tiến thương mại, 

Cuối cùng, muốn đi xa, mỗi doanh nhân, công ty khởi nghiệp không thể và cũng không nên khởi nghiệp một mình. Mỗi startup cần tìm cách liên kết trong hệ sinh thái quốc gia với các bộ, ngành, địa phương, viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức cá nhân...

Nguồn: vnexpress.net

Các bài viết khác