Công nghiệp cơ khí Việt Nam trước yêu cầu của Cách mạng công nghiệp 4.0

02:54 - 30/01/2018

Những năm qua, ngành cơ khí Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu. Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, ngành cơ khí Việt Nam còn những hạn chế, cần được đổi mới cơ chế, chính sách, công nghệ để có chỗ đứng trong chuỗi giá trị toàn cầu, nhất là ở những khâu có giá trị gia tăng cao.

 

Những điểm sáng của công nghiệp cơ khí

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm 2017, trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp tăng 7,85%, cao hơn mức tăng 7,06% của năm 2016, đóng góp 2,23 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Điểm sáng của khu vực này là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 14,4% (là mức tăng cao nhất trong 7 năm gần đây). Báo cáo của Bộ Công Thương cũng cho biết, trong 10 năm qua, giá trị sản xuất công nghiệp tăng gần 3,5 lần, từ 0,34 lên 1,17 triệu tỷ đồng với tỷ trọng đóng góp vào GDP duy trì ổn định khoảng 31-32%, trở thành ngành đóng góp nhiều nhất cho ngân sách Nhà nước. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp cơ khí năm 2015 chiếm 16,36% tổng giá trị sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Hệ thống thiết bị công nghệ cao phục vụ gia công cơ khí tại Công ty TNHH MTV Cơ điện và Vật liệu nổ 31.

Ông Đào Phan Long, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam cho rằng, thời gian qua, cơ khí nội địa Việt Nam thuộc các thành phần sở hữu đã khởi sắc. Việt Nam đã hình thành được một số sản phẩm cơ khí, đó là: Phân ngành sản xuất kết cấu thép và lắp máy đủ sức tham gia xây dựng tốt các công trình công, nông nghiệp; phân ngành đóng tàu thủy có khả năng đóng được tàu viễn dương đạt tiêu chuẩn quốc tế; phân ngành sản xuất lắp ráp ô tô, xe máy, xe đạp đã đáp ứng một phần nhu cầu nội địa; phân ngành chế tạo máy động lực và máy nông nghiệp đã chế tạo được một số loại động cơ đốt trong công suất nhỏ để làm máy canh tác nông nghiệp…

Công nghệ trung bình, quy mô còn nhỏ

Dù ngành công nghiệp cơ khí đã có bước tiến dài, tuy nhiên nhiều chuyên gia đánh giá rằng, ngành chưa phát triển tương xứng so với năng lực hiện có, đặc biệt trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, cơ khí Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức. Theo PGS, TS Nguyễn Phú Hoa, Phó vụ trưởng Vụ Công nghiệp, Ban Kinh tế Trung ương, bản chất của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đối với sản xuất cơ khí là dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất; dự báo có đột phá lớn về công nghệ ảnh hưởng tới sản xuất cơ khí là công nghệ in 3D, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa, người máy… Cách mạng công nghiệp 4.0 đối với sản xuất cơ khí sẽ tạo ra các “nhà máy cơ khí thông minh”. Trong các nhà máy này, hệ thống vật lý không gian ảo sẽ giám sát các quá trình vật lý, tạo ra một bản sao ảo của thế giới vật lý.

Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá hiện cơ khí nội địa Việt Nam thuộc nhiều thành phần kinh tế (trừ FDI) vẫn đang tổ chức sản xuất ở trình độ công nghiệp 2.0 và chưa hoàn thành trình độ công nghiệp 3.0. Cụ thể, hiện công nghệ cơ khí Việt Nam 39,3% là công nghệ thấp, 48% là công nghệ trung bình, 12% công nghệ tương đối tốt chủ yếu là thuộc về doanh nghiệp FDI. Máy móc thiết bị chúng ta thường lạc hậu từ 2 đến 3 thế hệ so với mức trung bình hiện nay của thế giới.  

Thêm nữa, theo báo cáo của Bộ Công Thương, hiện cả nước có khoảng 14.800 doanh nghiệp cơ khí. Tuy nhiên, chỉ 12 doanh nghiệp có hơn 5.000 lao động và 116 doanh nghiệp có hơn 1.000 lao động. Trung bình mỗi doanh nghiệp hiện có khoảng 50 công nhân. Nếu tính quy mô vốn, chỉ khoảng 100 doanh nghiệp có vốn từ 500 tỷ đồng trở lên. Như vậy, doanh nghiệp cơ khí Việt Nam hiện nay chủ yếu là quy mô nhỏ. Cùng với đó, hiện doanh nghiệp cơ khí nước ta chủ yếu làm gia công, chưa có sản phẩm nào hoàn chỉnh mang thương hiệu Việt Nam có khả năng cạnh tranh với thế giới.

Đổi mới chính sách, tạo đà bứt phá

Bên cạnh những khó khăn, thách thức, PGS, TS Nguyễn Phú Hoa chỉ ra rằng, Cách mạng công nghiệp 4.0 mang đến nhiều cơ hội đối với ngành cơ khí Việt Nam như cho phép chúng ta tiếp cận được thông tin, tri thức, công nghệ tiên tiến, tạo ra được lực lượng lao động có trình độ cao. Từ đó, giúp tăng năng suất, rút ngắn thời gian đưa sản phẩm ra thị trường, sản xuất được những sản phẩm có chất lượng cao hơn, giá cả cạnh tranh hơn. Ngoài ra, ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam chưa phát triển, quy mô nhỏ nên quán tính nhỏ, sự rủi ro xảy ra có thể không gây tổn thất quá lớn trong bối cảnh phải thay đổi trong công nghiệp 4.0.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành cơ khí Việt Nam, theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cần tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh cho các doanh nghiệp. Cụ thể, cần rà soát và sửa đổi các quy định về kinh doanh để cắt giảm các chi phí bất hợp lý, cả chính thức và phi chính thức. Tiếp đó, đầu tư cho khoa học công nghệ và nâng cao chất lượng đào tạo về cơ khí theo hướng gắn với nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp. “Để phát triển ngành cơ khí, không thể chỉ trông chờ vào thị trường nội địa và chính sách bảo hộ mà phải hướng tới xuất khẩu, lấy thị trường thế giới làm đích đến. Nhà nước cần đầu tư nghiên cứu thị trường nước ngoài, nhất là về rào cản pháp luật và tiêu chuẩn sản phẩm để hỗ trợ doanh nghiệp thâm nhập thị trường”, TS Nguyễn Đình Cung kiến nghị.

Theo ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, Chính phủ nên tập trung lựa chọn sản phẩm cơ khí trọng điểm, vừa có thị trường, vừa có cơ sở vật chất để phát triển nhằm được hưởng những chính sách ưu tiên đặc biệt. Đối với các tập đoàn công nghiệp lớn, nên quan tâm đầu tư cho lực lượng cơ khí của mình. Ví như ngành dầu khí đầu tư làm giàn khoan biển, đóng tàu chở dầu cỡ lớn hay Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam đầu tư sản xuất máy khai thác quặng, tuyển khoáng, thiết bị thủy lực… Cuối cùng, Nhà nước cần có những chính sách về vốn và thuế để giảm lãi suất vay đầu tư cơ khí xuống dưới 5%, thuế thu nhập doanh nghiệp còn 15-20%. Có như vậy, cơ khí Việt Nam mới có cơ hội bứt phá so với các nước trong khu vực và thế giới.

Các bài viết khác