VINASME, SPG làm việc với Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc
Sáng 24/4, Lãnh đạo Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) và Tập đoàn SPG đã có buổi làm việc với Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc thảo luận Dự án đầu tư xây dựng hội chợ triển lãm quốc tế và tòa nhà văn phòng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Tham dự buổi làm việc gồm có: Ông Phạm Đại Dương - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc; ông Nguyễn Trung Quỳnh - Phó Trưởng Ban Quản lý; ông Tô Hoài Nam - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam; ông Nguyễn Quốc Tín - Trưởng Ban kiểm tra Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam; ông Pavel Sehnal - Chủ tịch Tập đoàn SPG (Cộng hòa Séc) và đại diện các đơn vị liên quan.
Mở đầu buổi làm việc, ông Phạm Đại Dương - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc hoan nghênh VINASME và tập đoàn SPG đã đến thăm và tham dự buổi làm việc quan trọng thảo luận Dự án đầu tư xây dựng hội chợ triển lãm quốc tế và tòa nhà văn phòng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Tô Hoài Nam - Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, triển khai thỏa thuận hợp tác giữa BQL Khu công nghệ cao Hòa Lạc và Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, sau khi khảo sát, nghiên cứu nhu cầu của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, VINASME có ý tưởng lập dự án đầu tư xây dựng hội trợ triển lãm quốc tế và tòa nhà văn phòng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Phó chủ tịch VINASME Tô Hoài Nam cũng nói thêm, dự án trên nhằm mục tiêu hỗ trợ về mặt bằng sản xuất, văn phòng làm việc và nơi trưng bày triển lãm hàng hóa và hội chợ thương mại... cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp, áp dụng các phát minh sáng chế, đầu tư phát triển các công nghệ khoa học kỹ thuật cao trong sản xuất hàng hóa dịch vụ.
"Để đảm bảo tính khả thi trong hoạt động, đặc biệt đối với hoạt động giao lưu, xúc tiến thương mại quốc tế, VINASME đã chủ động làm việc với Tập đoàn SPG, đây là một tập đoàn đa ngành, đa lĩnh vực và là một trong những tập đoàn kinh tế lớn của Séc, có tiềm lực kinh tế, có kinh nghiệm và thương hiệu mạnh trên nhiều lĩnh vực kinh doanh, trong đó có hoạt động tổ chức hội chợ tại EU. Tập đoàn SPG cũng rất quan tâm tới đề nghị của VINASME và ngài Pavel Sehnal - Chủ tịch Tập đoàn SPG đã trực tiếp sang Việt Nam để khảo sát và làm việc với VINASME về việc hợp tác đầu tư dự án trên", ông Tô Hoài Nam nói.
Đưa ra ý kiến tại cuộc họp, ông Pavel Sehnal - Chủ tịch Tập đoàn SPG cho biết, SPG cùng VINASME vừa ký thỏa thuận hợp tác giữa 2 bên và thống nhất phối hợp triển khai lập dự án đầu tư xây dựng hội chợ triển lãm quốc tế và tòa nhà văn phòng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Ông Pavel Sehnal cho biết ông rất mong được Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc tạo điều kiện cùng tập đoàn và VINASME giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa tòa nhà văn phòng có mặt bằng sản xuất, văn phòng làm việc, đặc biệt là tạo nơi trưng bày triển lãm hàng hóa và hội chợ thương mại cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa để có thể phát triển, ổn định đầu tư kinh doanh tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Về phía BQL Khu công nghệ cao Hòa Lạc, ông Phạm Đại Dương - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc cho biết, Khu công nghệ cao Hòa Lạc là Khu Công nghệ cao Quốc gia với quy mô 1.586 ha và được phát triển để trở thành một thành phố khoa học, nơi thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển; đào tạo và ươm tạo; sản xuất sản phẩm công nghệ cao thuộc lĩnh vực: Công nghệ sinh học, Công nghệ thông tin - truyền thông, Công nghệ vật liệu mới và Công nghệ tự động hóa. Mặt khác để trở thành thành phố khoa học, Khu Công nghệ cao cần thu hút các nhà đầu tư về hạ tầng xã hội như nhà ở, văn phòng, trung tâm thương mại, bệnh viện, trường học, dịch vụ hậu cần, vui chơi giải trí...
"Để tạo môi trường hấp dẫn thu hút đầu tư, một hạ tầng hiện đại ngang tầm khu vực đang được xây dựng tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc bằng ngân sách nhà nước và đặc biệt bằng nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ và sẽ hoàn thành trong năm 2018. Với phương châm phát triển nhằm nâng cao tiềm lực phát triển khoa học công nghệ và công nghiệp công nghệ cao làm trọng, các nhà đầu tư vào Khu Công nghệ Hòa Lạc sẽ được hưởng ưu đãi cao nhất theo quy định của Luật Công nghệ cao và mô hình phục vụ “một cửa, tại chỗ” để tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư hoạt động hiệu quả tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc", đại diện Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc cho biết.
Về đề xuất lập dự án đầu tư xây dựng hội chợ triển lãm quốc tế và tòa nhà văn phòng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, ông Phạm Đại Dương cho biết, Ban quản lý cơ bản nhất trí với nội dung mà VINASME và SPG đã trình bày và các bên cần nhanh chóng hoàn thành các thủ tục, hồ sơ để thực hiện dự án. Đồng thời, lãnh đạo Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc cũng hứa sẽ tạo điều kiện tối đa để các bên có thể thực hiện dự án và hoàn thành sớm nhất và hy vọng các bên hợp tác cùng phát triển.
Kết thúc buổi làm việc, đại diện Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã dẫn đoàn của Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và tập đoàn SPG đi thăm thực địa tại Khu công nghệ cao.
Nguồn: doanhnghiepvn.vn
Các bài viết khác
- • Tạo động lực mới, khai thác hiệu quả mọi nguồn lực phát triển KH&CN của Tp. Hồ Chí Minh
- • Nhật thúc đẩy dự án đường sắt đô thị Hà Nội bị đình trệ
- • FPT Sofware tìm 1.000 kỹ sư cho mảng công nghệ ô tô
- • Cách mạng công nghiệp 4.0: Khó nhưng không phải không thể
- • Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến: Tháng 10, FPT sẽ giới thiệu xe tự lái
- • Sứ mệnh của CNTT trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư
- • Tập đoàn Viettel: Tư duy và cách tiếp cận phát triển thông qua KH&CN
- • KOICA đồng hành cùng dự án V-KIST
- • Cần thêm những cơ chế đặc thù để Hà Nội phát triển
- • Làm gì khi cách mạng công nghiệp 4.0 chạm ngõ?