Việt, Pháp hợp tác về công nghệ vũ trụ
Các nhà khoa học Việt Nam luôn mong muốn mở rộng quan hệ hợp tác nghiên cứu và phát triển với các nước có nền khoa học tiên tiến, trong đó có Cộng hòa Pháp.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết như vậy tại Hội thảo Pháp-Việt “ Công nghệ vũ trụ và các ứng dụng” do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Cơ quan hàng không vũ trụ Pháp tổ chức tại Hà Nội ngày 12/5.
Hội thảo nhằm tạo ra một diễn đàn mở cho các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước trong lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ có cơ hội trao đổi học thuật, xây dựng các chương trình, kế hoạch hợp tác hướng đến những lợi ích lâu dài, bền vững cho cả hai phía. Hội thảo có sự tham gia của đại diện nhiều cơ quan, đơn vị, viện nghiên cứu và một số chuyên gia về công nghệ vũ trụ của hai quốc gia.
Minh chứng rõ nét nhất cho sự hợp tác về khoa học-công nghệ hai nước Việt, Pháp là Hiệp định về hợp tác khoa học và công nghệ giữa Chính phủ Pháp và Chính phủ Việt Nam ký tháng 3/2007. Cộng hòa Pháp mới đây cũng đã giúp Việt Nam trong các dự án: Chế tạo và phóng vệ tinh VNREDSat-1, triển khai thành công dự án “Hệ thống quan sát tàu cá bằng công nghệ vệ tinh-Movimar". Trong những năm gần đây, nhiều quốc gia đã quan tâm đến vấn đề nghiên cứu vũ trụ, đặc biệt là ứng dụng công nghệ khai thác khoảng không vũ trụ với mục đích hòa bình.
Với tinh thần đó, công nghệ vũ trụ ở Việt Nam được xác định là một trong các công nghệ được ưu tiên phát triển trong Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ Việt Nam đến 2020 và tầm nhìn 2030. Chính phủ cùng với cộng đồng khoa học và công nghệ vũ trụ Việt Nam đã và đang thực hiện hơn 60 chiến lược và dự án nghiên cứu nhằm phát triển công nghệ vũ trụ và ứng dụng công nghệ vũ trụ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng.
Điển hình như công nghệ vệ tinh nhỏ, ứng dụng viễn thám và hệ thống tin địa lý (GIS) giám sát môi trường, dự báo thời tiết, xây dựng phần mềm xử lý ảnh vệ tinh, ứng dụng công nghệ định vị sử dụng vệ tinh, dẫn đường trong giao thông-hàng hải, công nghệ tên lửa đẩy, các nghiên cứu cơ bản về vật liệu trong môi trường vũ trụ, y-sinh học vũ trụ, truyền tải năng lượng vũ trụ... Hai vệ tinh thông tin Vinasat-1, Vinasat-2 đang hoạt động hiệu quả; vệ tinh viễn thám VNRED Sat-1 đã bắt đầu cho những kết quả khả quan trong nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ; dự án vệ tinh VNRED Sat-2 cũng đang được tích cực hợp tác với Bỉ và các quốc gia châu Âu, dự kiến được phóng vào thời gian tới; dự án xây dựng Trung tâm Vũ trụ Quốc gia đang được gấp rút thực hiện.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe một số tham luận giới thiệu về việc ứng dụng công nghệ vũ trụ tại Việt Nam; các ứng dụng địa không gian; chương trình quan trắc trái đất; ứng dụng công nghệ vũ trụ trong hoạt động quản lý tàu cá; ứng dụng dữ liệu hải dương học không gian dự án Movimar trong công tác sản xuất bản tin dự báo ngư trường; Lotusat-1 và 2: Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ trong tương lai tại Trung tâm Vệ tinh Quốc gia (VNSC); các vệ tinh quan sát trái đất phục vụ ứng dụng trên mặt đất: Bản đồ sụt lún, bản đồ bão lũ…
Các bài viết khác
- • Doanh nghiệp công nghệ thông tin Nhật Bản tìm hiểu cơ hội hợp tác và đầu tư tại Khu
- • Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách chuyển giao công nghệ hạt nhân
- • Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản thăm và làm việc tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc
- • Chứng nhận Sát hạch 04/2016
- • Hai ĐH quốc gia của Việt Nam lọt top 150 ĐH tốt nhất châu Á
- • Khối Giáo dục FPT tôn vinh hàng trăm sinh viên tại lễ tổng kết
- • Nhà ăn '5 sao' của sinh viên FPT
- • Đại Học FPT chính thức phát động cuộc thi Khởi nghiệp – Start Up Uni 2016
- • Hội thảo “Định hướng phát triển Khu Nghiên cứu và Triển khai Hòa Lạc”
- • Forbes: VNG, Viettel, FPT là những thương hiệu giá trị nhất Việt Nam