Thủ tướng mong muốn VNPT sẽ trở thành một Tập đoàn công nghệ cao

16:34 - 15/03/2017

Bên cạnh việc biểu dương những nỗ lực và kết quả đạt được sau tái cấu trúc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng truyền đạt mong muốn VNPT đẩy mạnh mảng sản xuất công nghệ công nghiệp, cho ra đời những sản phẩm công nghệ chất lượng cao ra thị trường để khẳng định Việt Nam nói chung và VNPT nói riêng đủ sức làm ra những sản phẩm này.

Sáng nay (15/3), Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, dẫn đầu là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã đến kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ tại Tập đoàn VNPT. Thông qua Tổ công tác, Thủ tướng gửi lời biểu dương VNPT vì những hoạt động và những kết quả nổi trội so với các doanh nghiệp khác trong thời gian qua, nhất là việc đảm bảo đoàn kết nội bộ trong quá trình tái cấu trúc và việc đầu tư một hạ tầng VT-CNTT mạnh hỗ trợ triển khai xây dựng Chính phủ điện tử.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng truyền đạt ý kiến của Thủ tướng tại buổi làm việc.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng cho biết, bên cạnh những vấn đề trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đánh giá rất cao mảng sản xuất công nghệ công nghiệp của VNPT sau chuyến thăm nhà máy sản xuất của VNPT tại khu công nghệ cao Láng Hòa Lạc hồi đầu tháng 2 vừa qua. Thủ tướng đã được chứng kiến và xem những sản phẩm do VNPT tự sản xuất, thấy rằng VNPT đã có sự quan tâm đầu tư vào việc sản xuất các thiết bị công nghiệp và đây là một tín hiệu đáng mừng.

Vì vậy, thông qua Tổ công tác, Thủ tướng cũng bày tỏ mong muốn VNPT cố gắng trong thời gian sớm nhất trở thành tập đoàn sản xuất công nghệ cao, cho ra mắt các sản phẩm như máy tính, điện thoại… với chất lượng tốt ra thị trường quốc tế và trong nước để khẳng định Việt Nam nói chung và VNPT nói riêng đủ sức làm được những sản phẩm này.

Tổ công tác cũng cho biết về mảng sản xuất công nghệ công nghiệp, Chính phủ sẽ tạo điều kiện để VNPT phát triển. Vì vậy, nếu cần các cơ chế, chính sách hỗ trợ, VNPT cứ kiến nghị. Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cũng cho biết Bộ cũng hoàn toàn ủng hộ việc VNPT hình thành thêm một Tổng công ty về công nghệ công nghiệp, Tập đoàn sớm đề xuất phương án để Bộ trình các cấp.

Liên quan tới vấn đề này, ông Phạm Đức Long - Tổng Giám đốc VNPT cho biết hiện nay VNPT đã hoàn toàn chủ động được 100% thiết bị đầu cuối trên mạng lưới của mình. Các sản phẩm của VNPT không chỉ ở trong nước mà đã đặt chân tới các thị trường nước ngoài. Riêng trong năm 2016, VNPT đã cho xuất xưởng khoảng 2,4 triệu thiết bị đầu cuối. Nhiều sản phẩm đã tạo dựng được thương hiệu vững chắc trên thị trường như đầu thu số DVB-T2, smartbox, … Với những thành công bước đầu đạt được, trong thời gian tới VNPT sẽ tiến tới đa dạng hóa danh mục sản phẩm công nghệ, phục vụ thị trường tiêu dùng, y tế, sức khỏe…, đặc biệt là các sản phẩm đón đầu xu hướng phát triển IoT.


VNPT hiện có hai nhà máy sản xuất thiết bị. Năm 2016, Tập đoàn này đã xuất xưởng 2,4 triệu thiết bị đầu cuối các loại.

Xác định sản xuất công nghệ công nghiệp sẽ là một trong những trụ cột chính của doanh nghiệp trong giai đoạn sắp tới, VNPT đã bắt đầu đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D). Sau tái cấu trúc, VNPT đã xây dựng một trung tâm R&D và dành nguồn kinh phí lớn cho hoạt động này. Nếu như trước đây mỗi năm VNPT chỉ chi khoảng 10 - 20 tỷ cho các dự án nghiên cứu thì hiện nay VNPT dành khoảng 250 tỷ mỗi năm. Ngoài ra, VNPT cũng đã hình thành quỹ R&D với số tiền hiện nay vào khoảng 600-700 tỷ đồng.

VNPT cũng là doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam đầu tư nhà máy sản xuất sợi thủy tinh để tự chủ trong việc sản xuất sợi quang và xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Nhà máy đã được khởi công vào đầu tháng 2 vừa qua, với số vốn đầu tư gần 300 tỷ đồng. Dự kiến nhà máy sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động trong năm 2018. Tham vọng trong tương lai, VNPT sẽ có thể sử dụng chính cát ở trong nước để sản xuất sợi thủy tinh thay vì nhập khẩu.

Ngoài mảng sản xuất công nghệ công nghiệp, Thủ tướng còn yêu cầu VNPT tiếp tục thực hiện tốt 4 vấn đề sau:

Thứ nhất, VNPT vẫn phải tích cực, chủ động thực hiện tốt tái cơ cấu Tập đoàn. Đặc biệt là vấn đề đang và tiếp tục thực hiện như thoái vốn đầu tư ngoài ngành. Làm sao để tăng hiệu quả, chất lượng, xứng đáng là tập đoàn hàng đầu về CNTT. Thủ tướng nhấn mạnh là riêng với VNPT, nhà nước vẫn giữ phần vốn nhà nước chi phối, vì vậy VNPT cần tính toán kỹ phần nào thoái vốn, thoái vốn bao nhiêu phần trăm, phần nào giữ lại.

Thứ hai, VNPT cần quyết liệt trong xử lý các vấn đề như an toàn, an ninh thông tin, tin nhắn rác, sim rác.

Thứ ba, VNPT cùng đồng hành với Chính phủ quyết tâm xây dựng Chính phủ điện tử để tăng cường tính minh bạch, phục vụ tốt người dân và doanh nghiệp.

Thứ tư, VNPT tiếp tục góp sức cùng với Chính phủ để rút ngắn thời gian, quy trình giải quyết các dịch vụ công. Trong thời gian qua, các giải pháp của VNPT đã hỗ trợ rất nhiều về vấn đề này và Thủ tướng hy vọng VNPT sẽ tiếp tục phát huy.

Nguồn: xahoithongtin.com.vn

Các bài viết khác

 

Đường dây nóng Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc:

- Về đầu tư: 0946.626.286
- Các vấn đề khác: 0922.662.266