Siemens hỗ trợ Việt Nam "nhấn ga" trên con đường tới cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
Ông Martin Hoppe, Tham tán phụ trách hợp tác kinh tế và phát triển của Đại sứ quán Đức tại Việt Nam cảm thấy thực sự vui mừng khi được giới thiệu các giải pháp công nghệ số tối tân của Siemens tại Hội thảo “Doanh nghiệp số - đường tới cách mạng công nghiệp 4.0” do Bộ Công thương Việt Nam, Đại sứ quán Đức tại Việt Nam, Công ty Siemens, Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam phối hợp tổ chức vào cuối tuần trước tại Hà Nội.
“Tôi rất vui mừng vì Siemens đã giới thiệu những ý tưởng mà nền công nghiệp 4.0 có thể mang lại. Thực lòng tôi rất tò mò về điều đó”, ông Hoppe nói.
Công nghệ kỹ thuật số đã được áp dụng trong ngành công nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô
Tại sự kiện thu hút hơn 100 đại biểu, gồm các nhà quản lý và hoạch định chính sách, lãnh đạo các doanh nghiệp, các chuyên viên cao cấp nêu trên, ông Raimund Klein, Phó chủ tịch phụ trách Bộ phận Nhà máy số, công nghiệp quy trình và truyền động Siemens khu vực Đông Nam Á đã trình bày các giải pháp của Siemens trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
“Công nghệ số có thể thay đổi mọi thứ, từ lối sống, đi lại, giao tiếp, đến cả thị trường. Về dài hạn, doanh nghiệp có thể gặp nhiều khó khăn nếu không áp dụng các giải pháp số hóa. Đó sẽ là cuộc cạnh tranh cực kỳ khốc liệt”, ông Raimund Klein nhấn mạnh.
Công nghiệp 4.0 là gì?
Theo ông Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công thương), gần đây, trên thế giới và tại Việt Nam, khái niệm công nghiệp 4.0 ngày càng phổ biến. Với nền tảng là sự phát triển mạnh mẽ và tích hợp ở trình độ cao các thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại trong các lĩnh vực kỹ thuật số, công nghệ sinh học và vật lý, công nghiệp 4.0 được dự báo sẽ làm thay đổi mạnh mẽ nền sản xuất của thế giới và của Việt Nam trong một tương lai không xa.
“Tâm điểm của cuộc cách mạng này chính là các ‘nhà máy thông minh’. Mô hình này sẽ giúp các doanh nghiệp tăng năng suất, tính linh hoạt và hiệu quả, rút ngắn thời gian đưa sản phẩm ra thị trường, từ đó tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Người tiêu dùng cũng sẽ có được lợi ích từ việc tiêu dùng các sản phẩm có chất lượng cao hơn, giá cả cạnh tranh hơn và đặc biệt là được cá nhân hoá theo ý muốn”, ông Cường nói.
Nước Đức được xem là quốc gia tiên phong trong việc khởi động công nghiệp 4.0. Với mục tiêu tạo ra những thay đổi căn bản trong tổ chức chuỗi giá trị cung ứng sản phẩm và dịch vụ toàn cầu, năm 2011, tại Đức đã có các cuộc thảo luận đầu tiên về chủ đề “công nghiệp 4.0” và thuật ngữ “nhà máy số”.
Năm 2012, Đức chính thức đưa công nghiệp 4.0 vào Kế hoạch Hành động quốc gia về phát triển công nghệ cao, với nhiều kế hoạch triển khai cụ thể. Từ tiền đề thuận lợi này, mô hình các nhà máy số đã được xây dựng và phát triển mạnh mẽ tại Đức.
Nhà máy Điện tử Amberg Siemens (Đức) được xem là một trong những mẫu hình nhà máy số đầu tiên - nơi mà máy móc và máy tính đã xử lý tới 75% chuỗi giá trị sản phẩm, con người chỉ chịu trách nhiệm khâu phát triển sản phẩm và khởi động quá trình. Tiếp theo thành công này, Siemens đã phát triển mẫu hình nhà máy số thứ 2 - Nhà máy Điện tử Siemens Thành Đô (Trung Quốc). Đây là nhà máy số hoàn toàn đầu tiên ở nước ngoài do Siemens xây dựng.
“Có thể nói, thành công của Chính phủ Đức cũng như các doanh nghiệp như Siemens sẽ mang đến cho các quốc gia khác và cộng đồng doanh nghiệp thế giới nhiều kinh nghiệm có giá trị”, ông Cường tin tưởng.
Cơ hội cho doanh nghiệp
Theo Bộ Công thương, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được dự đoán sẽ tạo ra nhiều cơ hội trong việc nâng cao trình độ công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh trong chuỗi sản phẩm; tạo ra sự thay đổi lớn về hình thái kinh doanh dịch vụ. Công nghiệp 4.0 tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; giảm đáng kể chi phí giao dịch, vận chuyển; tạo cơ hội đầu tư hấp dẫn và đầy tiềm năng trong lĩnh vực công nghệ số và Internet; đồng thời cũng là cơ hội lớn cho sản xuất công nghiệp với trình độ khoa học và công nghệ tiên tiến.
Siemens quan niệm, con đường tới công nghiệp 4.0 chính là phát triển “doanh nghiệp số”. Với chiến lược doanh nghiệp số, Siemens cung cấp các giải pháp để giải quyết những yêu cầu cụ thể trong các ngành sản xuất và chế biến. Những giải pháp này sẽ kết hợp giữa việc lên kế hoạch với vận hành nhằm tạo ra một nền tảng quản lý nhà máy tích hợp bao quát toàn bộ vòng đời của một nhà máy công nghiệp.
“Con đường trở thành doanh nghiệp số bao gồm 4 thành tố cốt lõi, được phát triển dựa vào nhau một cách rất logic”, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Công ty Siemens Việt Nam, TS. Phạm Thái Lai, nhấn mạnh và cho biết, mỗi thành tố chủ chốt này được tạo nên bởi một danh mục giải pháp độc đáo mà Siemens đã thiết kế cho khách hàng trên chặng đường tiến tới công nghiệp 4.0.
Khách hàng Việt Nam không hề đơn độc trên con đường này. Họ có thể trông cậy vào Siemens. Ví như, Siemens cung cấp Bộ phần mềm Doanh nghiệp số bao gồm một danh mục toàn diện các hệ thống trên nền tảng phần mềm cho các ngành công nghiệp quy trình riêng biệt. Bộ phần mềm này đã được xây dựng trong hơn 15 năm và lấy Teamcenter làm nền tảng cộng tác để tích hợp các phần mềm Quản lý vòng đời sản phẩm (PLM), Hệ thống thực hiện sản xuất / Quản lý hoạt động sản xuất (MES/MOM) và Phần mềm Tự động hóa tích hợp toàn diện (TIA).
“Lời khuyên của tôi dành cho các doanh nghiệp Việt Nam đang có kế hoạch trở thành doanh nghiệp số chính là số hóa được bắt đầu từ dưới lên. Thay đổi phải được dựa trên việc phát triển liên tục, bắt đầu với các dự án thí điểm nhỏ và các dự án này phải được thực hiện từng bước một”, ông Lai nói.
Cho dù đó là nhà máy điện, mạng lưới giao thông hay các cơ sở thương mại và công nghiệp, số hóa giúp cho các quy trình sản xuất, các hệ thống năng lượng và hạ tầng trở nên hiệu quả và đáng tin cậy hơn, đồng thời giúp nâng cao chất lượng cuộc sống. Theo ông Lai, bước lớn đầu tiên chính là việc phải đảm bảo minh bạch dữ liệu sản xuất trước khi bước vào hành trình số hóa. Với nền tảng TIA của Siemens, khách hàng của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ được chuẩn bị sẵn sàng cho các bước tiếp theo và Siemens đang mở ra cánh cửa ấy.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT đánh giá rất cao những giải pháp số của Siemens. “Chúng tôi đã ký kết với Siemens về một số dự án đào tạo khoảng 1.000 chuyên gia số hóa về các giải pháp của Siemens như MindSphere”, ông Bình nói.
Được biết, là nền tảng IoT mở dựa trên công nghệ điện toán đám mây chuyên biệt cho các ngành công nghiệp, MindSphere được Siemens công bố triển khai vào tháng 7/2016, qua đó kết nối cơ sở hạ tầng vật lý với hạ tầng trên mây. MindSphere cho phép khai thác dữ liệu lớn từ hàng tỷ thiết bị thông minh. Hệ thống này giúp các tổ chức, doanh nghiệp hiểu biết sâu sắc hơn về tình hình hoạt động, qua đó có thể đưa ra các giải pháp tối ưu hóa kết quả Kinh doanh và tiết kiệm hàng chục tỷ USD từ việc khắc phục sớm các sự cố.
Nguồn: baodautu.vn
Các bài viết khác
- • Giáo dục 4.0: Xu hướng tất yếu của giáo dục đại học tương lai
- • Tập huấn công tác chuyên môn, nghiệp vụ năm 2017
- • Làm chủ công nghệ vũ trụ phục vụ phát triển đất nước
- • Lễ bế mạc Hội trại Khoa học Odyssey ASEAN + 3 cho Thiếu niên lần thứ 6 (APTJSO-6)
- • Khai mạc Hội trại khoa học Odyssey ASEAN+3 cho Thiếu niên lần thứ 6
- • Thu hút FDI tăng 50%: Thay đổi chất và lượng
- • Khu CNC Hòa Lạc hấp dẫn các nhà đầu tư Hàn Quốc
- • 87 nghìn tỷ đồng cho 4 dự án đường sắt đô thị Hà Nội
- • Lập quỹ để khuyến khích nhà khoa học trẻ nghiên cứu công nghệ vũ trụ
- • Trung tâm Vũ trụ Việt Nam sẽ là trung tâm vũ trụ hàng đầu ASEAN