Làm chủ công nghệ vũ trụ phục vụ phát triển đất nước
Tiến sĩ (TS) Lê Xuân Huy, Trưởng phòng thiết kế hệ thống không gian Trung tâm Vũ trụ Việt Nam chia sẻ: Sau thành công bước đầu của dự án vệ tinh Pico Dragon, từ năm 2013, Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) đã chọn cử 36 kỹ sư sang Nhật Bản đào tạo thạc sĩ.
Số học viên này được đưa đến năm trường đại học có ngành chuyên đào tạo về vũ trụ, hàng không để thụ giáo. Bên cạnh việc học tập, số cán bộ này có nhiệm vụ tham gia trực tiếp vào việc nghiên cứu, chế tạo vệ tinh mà cụ thể là Dự án vệ tinh Micro Dragon dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia Nhật Bản.
Học viên Trung tâm Vũ trụ Việt Nam tại Nhật Bản thử nghiệm nhiệt cho vệ tinh Micro Dragon |
Với nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản (46,595 tỷ yên) và vốn đối ứng Việt Nam (hơn 1.773 tỷ đồng), Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam do VAST làm chủ quản đã được khởi công vào trung tuần tháng 9-2012 tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội. Đây là một trong các dự án trọng điểm, có quy mô lớn nhất từ trước tới nay dành cho lĩnh vực khoa học và công nghệ.
Mục tiêu của Dự án là xây dựng và thiết lập hệ thống cảnh báo, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai; quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên và giám sát môi trường; phát triển ứng dụng công nghệ vũ trụ góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội đất nước.
Đến thời điểm này, cùng với việc hoàn thành công trình Đài Thiên văn Nha Trang, tiếp tục thực hiện các đơn nguyên như khu nhà điều hành, Bảo tàng Vũ trụ, Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu… tại Hòa Lạc, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam tập trung cho hoạt động đào tạo nguồn nhân lực và triển khai các dự án nghiên cứu, chế tạo vệ tinh. Từ năm 2010, VAST đã đưa hàng chục kỹ sư đi đào tạo ở nước ngoài.
Mặt khác ở trong nước, từ năm 2012 đến nay Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đã xúc tiến, hợp tác với các trường: Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH), Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội (UET-VNU) và Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP HCM) trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về hàng không, vũ trụ…
PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cho biết: Dự kiến đến năm 2021, khi hoàn thành xây dựng và đi vào hoạt động chính thức, Hòa Lạc sẽ trở thành khu liên hợp vũ trụ hàng đầu khu vực ASEAN.
Với nguồn nhân lực khoảng 300 người, đi liền là hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đội ngũ này có thể đảm đương trách nhiệm cùng các chuyên gia Nhật Bản thiết kế chế tạo hai vệ tinh ra đa cảm biến (khối lượng 600kg/vệ tinh) có khả năng chụp ảnh trái đất trong mọi thời tiết. Đó là vệ tinh LOTUsat-1 (sản xuất tại Nhật Bản, dự kiến phóng vào năm 2020), vệ tinh LOTUsat-2 được chế tạo, lắp ráp tại Việt Nam và sau năm 2022 sẽ phóng lên quỹ đạo.
Nguồn: cand.com.vn
Các bài viết khác
- • Lễ bế mạc Hội trại Khoa học Odyssey ASEAN + 3 cho Thiếu niên lần thứ 6 (APTJSO-6)
- • Khai mạc Hội trại khoa học Odyssey ASEAN+3 cho Thiếu niên lần thứ 6
- • Thu hút FDI tăng 50%: Thay đổi chất và lượng
- • Khu CNC Hòa Lạc hấp dẫn các nhà đầu tư Hàn Quốc
- • 87 nghìn tỷ đồng cho 4 dự án đường sắt đô thị Hà Nội
- • Lập quỹ để khuyến khích nhà khoa học trẻ nghiên cứu công nghệ vũ trụ
- • Trung tâm Vũ trụ Việt Nam sẽ là trung tâm vũ trụ hàng đầu ASEAN
- • Đầu tư nước ngoài vào Hà Nội: “Sóng” sẽ dồn mạnh hơn
- • Tăng cường hợp tác, kết nối về chiều sâu giữa Khu CNC Hòa Lạc và Đại học Quốc gia Hà Nội
- • Chính thức thông qua cơ chế đặc thù cho Khu công nghệ cao Hòa Lạc