Phát triển vi mạch bán dẫn: Năng lực công nghệ là yếu tố quyết định
Để phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn hay bất kỳ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nào thì năng lực công nghệ là yếu tố quyết định. Việc thu hút trực tiếp đầu tư nước ngoài là chưa đủ mà cần có các doanh nghiệp trong nước phát triển lĩnh vực này cũng như sự đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D).
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại Hội thảo
Ngày 17/4, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Hội thảo "Định hướng nghiên cứu KH&CN và phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam".
Việt Nam có tiềm năng nâng cao vị trí trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, ngành công nghiệp bán dẫn đang có vai trò ngày càng quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu, với quy mô thị trường toàn cầu đạt trên 520 tỷ USD năm 2023 và vẫn tiếp tục tăng trưởng nhanh.
Trong hơn 30 năm qua, chuỗi giá trị của ngành công nghiệp bán dẫn đã được định hình và có hàng rào gia nhập cao, rất khó để các quốc gia đang phát triển có thể tham gia.
Tuy vậy, với sự tái định vị chuỗi giá trị ngành bán dẫn sau COVID-19 và sự cạnh tranh công nghệ giữa các nền kinh tế lớn, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều cơ hội và các yếu tố cần thiết để phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn, có tiềm năng nâng cao vị trí trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.
Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, thời gian qua, hành lang pháp lý nhằm tạo điều kiện cho việc ưu tiên thu hút đầu tư và phát triển bán dẫn đã được quan tâm xây dựng, theo đó, Luật Đầu tư và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp đã bổ sung các ưu đãi đặc biệt cho các dự án công nghệ, quy mô lớn, giá trị gia tăng cao, trong đó bao gồm các dự án sản xuất bán dẫn.
Đến nay, Việt Nam đã và đang ngày càng thu hút được nhiều các tập đoàn lớn trong ngành vi mạch bán dẫn từ các nước phát triển như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan (khoảng trên 40 công ty)... Cùng với đó, nhiều công ty trong nước cũng đã gia nhập thị trường như Viettel, FPT, VNChip…
Chiến lược phát triển KH&CN và Đổi mới sáng tạo đến năm 2030 đã xác định "công nghệ sản xuất chip vi điều khiển, linh kiện bán dẫn…" là một trong những công nghệ lõi được định hướng phát triển trong thập kỷ tới.
Thời gian qua, nhiều chương trình KH&CN cấp quốc gia đã được xây dựng và bắt đầu triển khai nhằm cụ thể hóa Chiến lược, tiêu biểu là: Chương trình Sản phẩm quốc gia, Chương trình KC 4.0/19-25 về các công nghệ tiêu biểu của cuộc CMCN 4.0, Chương trình KC.03/21-30 về cơ khí tự động hóa, Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao…
Bên cạnh đó, nhằm hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực vi mạch, hiện nay, Bộ KH&CN đang tiếp tục triển khai thông qua Đề án "Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" và "Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhân lực KH&CN ở trong nước và ngoài nước bằng ngân sách Nhà nước".
Trong đó, Bộ KH&CN cũng tập trung triển khai vào các nội dung liên quan đến tiếp nhận công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực thiết kế và sản xuất phần cứng vi mạch tiên tiến trên thế giới. Đồng thời, Bộ KH&CN cũng tiếp tục chỉ đạo triển khai các hoạt động ươm tạo doanh nghiệp trong lĩnh vực vi mạch điện tử.
Đẩy mạnh đầu tư vào nghiên cứu và phát triển
Đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng, ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM cũng cho rằng Việt Nam có tiềm năng tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu ngành vi mạch bán dẫn trong các công đoạn thiết kế và đóng gói.
Ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM nêu ý kiến tại Hội thảo
Theo ông Nguyễn Anh Thi, để phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn hay bất kỳ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nào thì năng lực công nghệ là yếu tố quyết định.
"Chúng ta không thể xây dựng nền công nghiệp vi mạch bán dẫn nếu chúng ta không có năng lực nội sinh về công nghệ. Việc thu hút trực tiếp đầu tư nước ngoài là chưa đủ mà cần có các doanh nghiệp trong nước phát triển lĩnh vực này cũng như sự đầu tư vào nghiên cứu và phát triển", ông Nguyễn Anh Thi nêu ý kiến.
Theo ông Nguyễn Anh Thi, việc thu hút FDI, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược, là giai đoạn đầu chúng ta xây dựng hệ sinh thái. Muốn thực hiện được điều này, cần tập trung vào cơ chế chính sách hỗ trợ thực hiện việc mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn thông qua khâu đào tạo nâng cao kỹ năng nhân lực thiết kế vi mạch bán dẫn theo nhu cầu doanh nghiệp.
Tuy nhiên, việc đào tạo nhân lực chuyên sâu, trình độ cao về bán dẫn thì không thể tách rời nghiên cứu. Vì vậy, bên cạnh sự vào cuộc của Bộ GD&ĐT, các trường đại học thì sự đầu tư của Bộ KH&CN cho hoạt động nghiên cứu có vai trò quan trọng.
Ông Nguyễn Anh Thi cũng dẫn kinh nghiệm của Đài Loan (Trung Quốc) là ví dụ sinh động về trường hợp một vùng lãnh thổ có xuất phát điểm thấp về công nghệ cao đã xây dựng thành công ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn.
Theo đó, ba trụ cột chính giúp Đài Loan xây dựng thành công ngành vi mạch bán dẫn bao gồm: Thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực bán dẫn (thành lập Viện ITRI); chuyển giao công nghệ từ nước ngoài (từ một công ty Hoa Kỳ với công nghệ không phải là tiên tiến nhưng đã tiếp thu và sáng tạo công nghệ, chuyển giao cho khu vực tư nhân để sử dụng); phát triển hạ tầng công nghiệp phục vụ cho ngành công nghiệp (thành lập Khu Công nghệ cao Tân Trúc).
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Cương Hoàng, Trưởng Ban Công nghệ bán dẫn Tập đoàn Viettel dẫn dự báo của Bộ TT&TT về quy mô ngành bán dẫn tại Việt Nam đến năm 2030 ước đạt 20-30 tỷ USD, nhưng chỉ mới có 2 doanh nghiệp nội là FPT và Viettel tham gia thị trường này ở công đoạn đầu tiên.
Ông Nguyễn Cương Hoàng cho biết, Viettel đã bắt đầu tham gia vào hoạt động nghiên cứu thiết kế chip từ năm 2019, đến nay đạt được một số kết quả cụ thể như: Hoàn thành chế tạo chip tiền xử lý tín hiệu số (Digital Front-end) cho trạm thu phát sóng 5G; hoàn thành chế tạo chip thu phát cao tần (RFIC) cho 5G và các hệ thống thông tin vô tuyến khác...
Để nắm bắt cơ hội phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam, ông Nguyễn Cương Hoàng đề xuất Nhà nước cần đẩy mạnh đầu tư vào nghiên cứu phát triển công nghệ bán dẫn; thiết lập các trung tâm nghiên cứu công nghệ cao và hỗ trợ tài chính cho các dự án nghiên cứu phát triển; ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng và logistics để hỗ trợ ngành công nghệ bán dẫn; xây dựng và thực thi chính sách ưu đãi thuế, cung cấp các gói tài chính ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn...
Các doanh nghiệp trong nước cũng cần đẩy mạnh đầu tư cho hoạt động nghiên cứu phát triển các công nghệ mới, các công nghệ cho ngành công nghiệp phụ trợ để đón đầu xu hướng, tăng khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp trong khu vực; xây dựng mối quan hệ hợp tác với các trường đại học và viện nghiên cứu để tiếp cận nguồn nhân lực chất lượng cao và đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu từ phòng lab tới thực tiễn; đồng thời tìm kiếm cơ hội hợp tác và chuyển giao công nghệ với các đối tác quốc tế để nâng cao khả năng tiếp cận công nghệ tiên tiến và kinh nghiệm quản lý.
Nguồn: www.chinhphu.vn
Các bài viết khác
- • Techfest Việt Nam 2024: Đưa hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo hội nhập với khu vực và quốc tế
- • Quyết liệt sửa đổi toàn diện Luật Khoa học và Công nghệ
- • Viettel khai trương trung tâm dữ liệu lớn nhất Việt Nam
- • Thông báo về việc Báo cáo tình hình thực hiện dự án đầu tư của các Nhà đầu tư tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc
- • Cần thiết thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư trong bối cảnh mới
- • Thông báo tổ chức khóa đào tạo "Hướng dẫn hệ thống kiến thức thi theo chuẩn IP kỳ mùa xuân 2024"
- • Thông báo về việc tổ chức khóa học "Hướng dẫn hệ thống kiến thức thi loại hình FE kỳ mùa Xuân năm 2024"
- • Đại sứ tỉnh Gyeonggi (Hàn Quốc) thăm Khu Công nghệ cao Hòa Lạc
- • Chủ tịch KOICA Hàn Quốc đến thăm và làm việc với VKIST
- • Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai thi hành Luật Đất đai 2024