Nhiều ưu đãi với cơ sở nghiên cứu KHCN đặc biệt
Để các tổ chức khoa học và công nghệ công lập, đặc biệt là các cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ theo mô hình tiên tiến thế giới hoạt động hiệu quả, quyền tự chủ và môi trường thể chế bảo đảm hỗ trợ thực hiện các quyền này của tổ chức khoa học và công nghệ đóng vai trò quan trọng.
Tuy nhiên, trên thực tế, hệ thống pháp lý và thực tiễn thi hành cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập còn gặp nhiều vướng mắc, rất cần được tháo gỡ kịp thời.
Vì vậy, tại dự thảo Nghị quyết, Bộ Khoa học và Công nghệ đã đề xuất những quy định về quyền tự chủ về tài chính và tài sản, quyền tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân lực, chính sách ưu đãi về thuế đối với các cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ đặc biệt (viện)
Cụ thể, theo dự thảo, tự chủ về tài chính và tài sản, viện được quyền xây dựng và phê duyệt Quy chế quản lý tài chính để quản lý các nguồn tài chính của viện, bao gồm các nguồn do ngân sách nhà nước cấp; thu sự nghiệp của viện; hỗ trợ, viện trợ, tài trợ, quà tặng của các tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài và các nguồn tài chính hợp pháp khác của viện.
Quy chế quản lý tài chính của viện là cơ sở pháp lý để viện lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí do ngân sách nhà nước cấp.
Viện cũng được quyền quyết định chế độ, tiêu chuẩn, nội dung, định mức chi, bao gồm chi thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ và chi hoạt động thường xuyên, không phụ thuộc vào chế độ, tiêu chuẩn, nội dung, định mức chi theo quy định hiện hành. Các quy định này phải được thể hiện trong Quy chế quản lý tài chính của viện.
Đồng thời, viện quyết định hình thức lựa chọn nhà thầu và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với việc đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm tài sản của viện bằng ngân sách nhà nước; sở hữu các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ và các tài sản khác hình thành từ việc thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ do viện chủ trì thực hiện có sử dụng ngân sách nhà nước.
Viện được quyền nhập khẩu công nghệ thuộc danh mục hạn chế hoặc cấm nhập khẩu, thiết bị thuộc danh mục hàng hóa đã qua sử dụng cấm nhập khẩu để phục vụ cho mục đích nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
Về tổ chức bộ máy và nhân lực, theo dự thảo, viện được quyền quyết định việc thành lập, sáp nhập, giải thể và quy định chức năng, nhiệm vụ, quy chế hoạt động của các đơn vị trực thuộc, kể cả các đơn vị có tư cách pháp nhân; quyết định số lượng nhân lực của viện; tuyển dụng, bổ nhiệm, trả lương, nâng lương và thực hiện các chế độ đãi ngộ khác đối với các cá nhân làm việc tại Viện, kể cả đối với người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài, trên cơ sở kết quả thực hiện nhiệm vụ và nhu cầu phát triển của viện.
Viện được quyền cử đi đào tạo, thực tập, làm việc, công tác, tham dự hội nghị hội thảo ở trong nước và nước ngoài đối với các cá nhân làm việc tại viện, kể cả bằng ngân sách nhà nước; quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cho từ chức, miễn nhiệm, cho nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác, khen thưởng, kỷ luật các chức danh từ cấp phó của người đứng đầu viện trở xuống.
Uu đãi về thuế
Theo dự thảo, viện được miễn thuế nhập khẩu và được áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng bằng 0% đối với máy móc, thiết bị, phụ tùng, vật tư phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, kể cả máy móc, thiết bị, phụ tùng, vật tư trong nước đã sản xuất được.
Đồng thời, được hưởng các ưu đãi thuế khác như doanh nghiệp khoa học và công nghệ theo quy định pháp luật.
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, sự ra đời của Nghị quyết sẽ có tác động rất lớn tới hoạt động của các viện khoa học và công nghệ đặc biệt theo mô hình tiên tiến thế giới.
Với các quyền tự chủ cao nhất trong hoạt động, quản lý tài chính và tài sản, tổ chức bộ máy và nhân lực, các viện này sẽ có thể triển khai các nghiên cứu đẳng cấp quốc tế để phát triển công nghệ, hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo nhân lực kỹ thuật cao cho các doanh nghiệp, phát triển công nghệ nội địa để thay thế công nghệ nhập khẩu, tiến tới sáng tạo các công nghệ nguồn thúc đẩy động lực tăng trưởng của các ngành công nghiệp và kinh tế then chốt trong tương lai.
Cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ đặc biệt được áp dụng cơ chế ưu đãi (viện) là tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ công lập đáp ứng các điều kiện sau: 1- Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến, đa ngành phục vụ các ngành, lĩnh vực công nghiệp ưu tiên; 2- Được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập và phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động; 3- Được hỗ trợ các nguồn lực để thành lập trên cơ sở điều ước quốc tế ký kết giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ của một hoặc một số quốc gia là thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD); 4- Được tổ chức và hoạt động theo mô hình của một viện khoa học và công nghệ tiên tiến của quốc gia ký kết điều ước quốc tế với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo quy định và được chính viện khoa học và công nghệ tiên tiến đó tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật trực tiếp. |
Bộ Khoa học và Công nghệ đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này.
Nguồn: chinhphu.vn
Các bài viết khác
- • Việt Nam – Nhật Bản: Đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án tại Hòa Lạc
- • Thông tin đầu tư
- • Sơ đồ tổ chức
- • MỞ TUYẾN XE BUÝT HÀ NỘI ĐI QUA KHU CNC HÒA LẠC
- • Đẩy mạnh hỗ trợ DN, cải thiện môi trường đầu tư
- • Hội nghị INNOBIZ
- • FPT tiếp tục tổ chức thi lập trình robot
- • Việt Nam tạo sân chơi bình đẳng cho các DN
- • Hà Nội: Thêm tuyến xe buýt Cầu Giấy – Sơn Tây được trợ giá
- • Vốn FDI