Ngành tài chính chủ động tiếp cận CMCN 4.0

13:56 - 04/07/2018

Ngày 3/7 tại Hà Nội, Cục Tin học và Thống kê tài chính (Bộ Tài chính) tổ chức Hội thảo chuyên đề “Hành trình Hội nhập CMCN 4.0 và chuyển đổi Chính phủ số với ngành tài chính”. Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh ngành tài chính đang tiếp cận với giai đoạn phát triển đầu tiên của Chính phủ số, đó là xây dựng Chính phủ điện tử và Tài chính điện tử.
Hình ảnh tại Hội thảo. Ảnh: VGP/Thu Lê

Phát biểu khai mạc Hội thảo ông Đặng Đức Mai, Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính (Bộ Tài chính) đánh giá: “CNTT đã được ứng dụng sâu, rộng vào hầu hết các hoạt động nghiệp vụ tài chính, trở thành huyết mạch trong các hoạt động nghiệp vụ chủ chốt của ngành”, ông Đặng Đức Mai cho biết.

Cụ thể, CNTT đã được ứng dụng để hỗ trợ quản lý điều hành, thu-chi ngân sách Nhà nước; thanh toán điện tử và quản lý trái phiếu Chính phủ; quản lý trong lĩnh vực thuế, hải quan; triển khai thuế điện tử, hải quan điện tử, cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN; quản lý nợ công; quản lý giá, quản lý tài sản công; quản lý, giám sát thị trường tài chính; quản lý dự trữ Nhà nước.... cùng các nhiệm vụ quản lý nội ngành.

Ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính (Bộ Tài chính) thông tin thêm, hiện Bộ đang nghiên cứu, ứng dụng nhiều công nghệ mới là công nghệ “lõi” của CMCN 4.0 trong lĩnh vực kỹ thuật số gồm: Công nghệ di động (Mobility), công nghệ phân tích dữ liệu lớn (Analytics) và công nghệ điện toán đám mây (Cloud).

Theo ông Đặng Đức Mai, Chính phủ Việt Nam nói chung và ngành tài chính nói riêng đang tiếp cận với giai đoạn phát triển đầu tiên của Chính phủ số, đó là xây dựng Chính phủ điện tử và Tài chính điện tử.

Để tiếp cận cuộc CMCN 4.0, Bộ đã có định hướng phát triển công nghệ thông tin trong chiến lược chuyển đổi số của ngành tài chính nhằm mục tiêu đến năm 2025, hoàn thành xây dựng tài chính điện tử và cơ bản thiết lập nền tảng tài chính số hiện đại, bền vững, công khai, minh bạch dựa trên dữ liệu lớn, dữ liệu tài chính mở và hệ sinh thái tài chính số. 

Đồng thời, đóng vai trò kiến tạo, kết nối, chia sẻ dữ liệu và các nền tảng số hóa, đáp ứng toàn diện nhu cầu giao dịch tài chính công, nhu cầu khai thác sử dụng thông tin số của Chính phủ, người dân, doanh nghiệp và các tổ chức.

Ông Nguyễn Việt Hùng cho biết, để thực hiện được mục tiêu trên, ngành tài chính đã triển khai thực hiện thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, đến năm 2020: “Xây dựng tài chính điện tử” nhằm triển khai kiến trúc Chính phủ điện tử và hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính trên cơ sở tích hợp, liên thông và chia sẻ thông tin trong ngành tài chính. Xây dựng nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu, dịch vụ ngành tài chính bảo đảm thông suốt và gắn kết giữa các hệ thống trong và ngoài ngành (của Chính phủ, của các bộ, ngành và các tổ chức khác)…

Giai đoạn 2, đến năm 2025: “Thiết lập hệ thống dữ liệu tài chính mở”, triển khai kiến trúc Chính phủ số ngành tài chính và cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính được xây dựng trên nền tảng dữ liệu mở nhằm thực hiện công khai thông tin, dữ liệu về tài chính, ngân sách cho người dân và doanh nghiệp; cung cấp dịch vụ truy vấn dữ liệu theo yêu cầu người sử dụng; thúc đẩy việc giám sát của người dân trong quản lý, điều hành và sử dụng ngân sách của Chính phủ, bảo đảm khả năng kết nối, tích hợp với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia của các bộ, ngành, địa phương...

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng đã trình bày các nội dung quan trọng về lộ trình chuyển đổi Chính phủ số và chia sẻ các bài học kinh nghiệm nhằm nâng cao khả năng chuyển đổi chính phủ số…

Nguồn: chinhphu.vn

Các bài viết khác

 

Đường dây nóng Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc:

- Về đầu tư: 0946.626.286
- Các vấn đề khác: 0922.662.266