Làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Nhật Bản
Nhận lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (Sin-dô A-bê), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Nhật Bản và tham dự Hội nghị Cấp cao Kỷ niệm 40 năm Quan hệ đối thoại ASEAN - Nhật Bản, Hội nghị Cấp cao Mê Kông - Nhật Bản lần thứ năm, tại Tô-ki-ô, Nhật Bản, từ 12-15/12/2013.
Nằm ở khu vực Đông Bắc Á, Nhật Bản là quốc gia nghèo tài nguyên, dân số 127,28 triệu người (1/2/2012), kinh tế bị tàn phá kiệt quệ trong chiến tranh, nhưng nhờ có các chính sách phù hợp, kinh tế Nhật Bản đã nhanh chóng phục hồi (1945 - 1954), và phát triển cao độ (1955 - 1973) trở thành một trong những nước có nền kinh tế phát triển nhất thế giới. GDP năm 2012 của Nhật Bản đạt khoảng 519,8 nghìn tỷ Yên (tương đương 5.000 tỷ USD); dự trữ ngoại tệ đến tháng 5/2013 của Nhật Bản đạt 1.250,24 tỷ USD (Theo thống kê của Bộ Tài chính Nhật Bản).
Việt Nam và Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 21/09/1973, từ đó đến nay, quan hệ hai nước có lúc thăng trầm, từ sau khi Nhật Bản quyết định mở lại viện trợ cho Việt Nam (1992), các mối quan hệ kinh tế, chính trị, giao lưu văn hoá… được mở rộng; sự hiểu biết và tin cậy giữa hai nước từng bước được tăng lên.
Những năm qua, quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Nhật Bản ngày càng phát triển đi vào chiều sâu. Hai bên thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao, góp phần tiếp tục củng cố sự tin cậy chính trị giữa hai nước.
Hàng năm, hai nước đều có các cuộc gặp cấp cao. Từ năm 2002 đến nay, quan hệ hai nước liên tục phát triển lên tầm cao mới: “Đối tác tin cậy, ổn định lâu dài” (năm 2002), “Vươn tới tầm cao mới của quan hệ đối tác bền vững” (Tuyên bố chung cấp Ngoại trưởng tháng 7/2004), “Hướng tới đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở Châu Á” (Tuyên bố chung tháng 10/2006), “Làm sâu sắc hơn quan hệ Việt Nam và Nhật Bản” và “Chương trình hợp tác hướng tới quan hệ đối tác chiến lược” (Tuyên bố chung tháng 11/2007). Trong chuyến thăm Nhật Bản của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (4/2009), hai bên chính thức tuyên bố đưa khuôn khổ quan hệ lên tầm đối tác chiến lược (Tuyên bố chung về “Quan hệ đối tác chiến lược vì hoà bình và phồn vinh ở Châu Á”). Trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Naoto Kan, hai bên ra “Tuyên bố chung Việt Nam - Nhật Bản về phát triển toàn diện quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở Châu Á” (tháng 10/2010). Trong chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hai bên ra “Tuyên bố chung triển khai hành động trong khuôn khổ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở Châu Á giữa Việt Nam và Nhật Bản” (tháng 10/2011).
Hai bên đã tạo dựng cơ chế đối thoại ở nhiều cấp, như: Ủy ban Hợp tác Việt – Nhật; Đối thoại Đối tác chiến lược Việt Nam – Nhật Bản; Đối thoại quốc phòng... Nhật Bản ủng hộ đường lối đổi mới, mở cửa của Việt Nam; hỗ trợ Việt Nam hội nhập vào khu vực và thế giới (APEC, WTO, ASEM, ARF, vận động OECD giúp Việt Nam về kỹ thuật...).
Trong chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (30/10 - 2/11/2011), hai bên nhất trí lấy lăm 2013 là Năm Hữu nghị Việt – Nhật, nhân kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao. Hai bên đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động thiết thực và ý nghĩa.
Nói đến quan hệ Việt Nam - Nhật Bản không thể không nhắc đến hợp tác về kinh tế với nhiều hoạt động hiệu quả trong thời gian qua, Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam và là nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam (tháng 10/2011). Hai bên đang hợp tác triển khai Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Nhật Bản năm 2012 đạt 24,663 tỷ USD; 11 tháng của năm 2013 đạt 22,933 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 12,356 tỷ USD (tăng 3,4%), nhập khẩu đạt 10,577 tỷ USD (giảm 0,3%). Việt Nam tiếp tục xuất siêu sang Nhật Bản. Hai bên đặt mục tiêu tăng ít nhất gấp đôi kim ngạch thương mại song phương đến năm 2020. Hai nước đã dành cho nhau thuế suất tối huệ quốc từ năm 1999.
Về đầu tư trực tiếp, tính đến ngày 20/11/2013, Nhật Bản có 2.103 dự án FDI còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký 34,526 tỷ USD, đứng đầu trong số 101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Nhật Bản cũng là nước tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam. ODA của Nhật Bản chiếm khoảng 30% tổng cam kết ODA của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam. Trong vòng 20 năm (1992 - 2012), Nhật Bản đã cam kết gần 23 tỷ USD vốn vay ODA cho Việt Nam. Trong tài khóa 2013, Chính phủ Nhật Bản đã cam kết tổng cộng 51,547 tỷ Yên ODA vốn vay đợt 1 dành cho 3 dự án: Xây dựng nhà ga hành khách T2 cảng hàng không quốc tế Nội Bài; Mở rộng nhà máy thủy điện Đa Nhim và Xây dựng công trình cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long thuộc đường vành đai 3 thành phố Hà Nội.
Từ năm 1992 đến nay, Việt Nam đã cử khoảng 31.000 tu nghiệp sinh sang Nhật Bản. Hiện có khoảng 18.000 lao động, thực tập sinh Việt Nam tại Nhật Bản. Trong những năm gần đây, số lượng lao động, thực tập sinh liên tục tăng (năm 2009: 5.500 người, năm 2010: 5.000 người, 2011: 7.000 người, 2012: 8.500 người). Hai bên đã ký Bản ghi nhớ về việc Nhật Bản tiếp nhận điều dưỡng viên, hộ lý của Việt Nam (trong khuôn khổ Hiệp định đối tác kinh tế song phương EPA) 10/2011.
Việt Nam là nước Đông Nam Á thứ 3 sau Philippines và Indonesia phía Nhật Bản nhận đều dưỡng viên, hộ lý. Hiện khóa học đào tạo 12 tháng tại Việt Nam trước khi sang Nhật đối với ứng viên tài khóa 2012 đã khai giảng tháng 12/2012 (150 người). Dự kiến năm 2013 sẽ tuyển khoảng 180 ứng viên. Tháng 8, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) và Cơ quan phát triển nguồn nhân lực quốc tế Nhật Bản đã ký “Thỏa thuận hợp tác phát triển nguồn nhân lực cho thanh niên nghèo Việt Nam” và các Bộ LĐ-TB&XH, Giáo dục - Đào tạo, Công Thương và Hiệp hội các Doanh nghiệp Nhật Bản đã ký “Thỏa thuận hợp tác phát triển nguồn nhân lực”.
Về văn hoá thông tin, Nhật Bản có nhiều dự án giúp Việt Nam nghiên cứu bảo tồn, tôn tạo các ngôi nhà ở dân gian truyền thống tiêu biểu ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam. Chính phủ Nhật Bản bắt đầu hợp tác và hỗ trợ cho việc bảo tồn di tích Hoàng Thành Thăng Long vào năm 2004. Năm 2006, Ủy ban hỗn hợp Việt - Nhật bảo tồn di tích Hoàng Thành Thăng Long đã được thành lập. Từ đó đến nay, Nhật Bản đã cử nhiều chuyên gia về khảo cổ học sang Việt Nam cùng điều tra, khai quật và nghiên cứu. Ngoài ra, hai bên cử nhiều đoàn sang thăm, làm việc, biểu diễn nghệ thuật, tham dự triển lãm, liên hoan phim, tổ chức Lễ hội tại mỗi nước. Lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản đã được tổ chức thường niên từ năm 2008; Đại nhạc hội Việt Nam - Nhật Bản năm 2008 và 2010. Hai bên đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động văn hóa thiết thực kỷ niệm 1000 năm Thăng Long (Hội chợ Fukuoka - Nhật Bản tại Việt Nam, cuộc thi làm phim toàn quốc dành cho học sinh Việt Nam, Lễ hội tiếng Nhật, Lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản).
Quan hệ hợp tác về giáo dục và đào tạo giữa hai nước đã phát triển dưới nhiều hình thức: hợp tác giữa hai Chính phủ, giữa các trường học, giữa các tổ chức, giữa các cá nhân. Những năm gần đây, Nhật Bản là một trong những nước viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho ngành giáo dục đào tạo của Việt Nam. Trong chuyển thăm Nhật Bản của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân (3/2008), hai bên đã ký Bản ghi nhớ về việc Nhật Bản giúp Việt Nam đào tạo 1000 tiến sĩ cho Việt Nam đến năm 2020. Trên cơ sở đề nghị của Việt Nam về hợp tác phát triển trường đại học chất lượng cao tại Việt Nam, phía Nhật Bản đã quyết định chọn 4 trường để hỗ trợ nâng cấp là: Đại học Cần Thơ, Đại học Đà Nẵng, Đại học quốc gia Hà Nội, Đại học Nông nghiệp Hà Nội; trước mắt sẽ bắt đầu thực hiện từ Đại học Cần Thơ. Hiện có khoảng 4000 lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản.
Việt Nam cũng đã mời nhiều giáo sư, chuyên gia Nhật Bản sang giảng dạy, tiếp nhận các học giả Nhật Bản sang tìm hiểu về văn hoá, lịch sử Việt Nam. Với sự trợ giúp của chính phủ Nhật Bản, Việt Nam đang thí điểm dạy tiếng Nhật tại một số trường phổ thông cơ sở tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2003 - 2013. Nhằm tiếp tục triển khai giai đoạn II của Dự án hợp tác này, hai bên sẽ sớm thành lập nhóm chuyên gia nghiên cứu việc mở rộng giảng dạy tiếng Nhật tới cấp tiểu học và mở rộng sang các địa phương khác tại Việt Nam. Nhật Bản đã quyết định, từ tháng 5/2013, thông qua các dự án hỗ trợ kỹ thuật, sẽ hỗ trợ Đại học Công nghiệp Hà Nội đào tạo giáo viên dạy nghề, qua đó, hỗ trợ nâng cấp 6 trường đào tạo nghề tại 5 tỉnh, thành (Hà Nội, 2 trường, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Bà Rịa - Vũng Tàu). Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Hội doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam đang xem xét ký Thỏa thuận hợp tác đào tạo nhân lực. Ngoài ra, Nhật Bản cũng đang giúp Việt Nam thực hiện dự án Trung tâm đào tạo logistics khu vực Mê Kông.
Về hợp tác khoa học, công nghệ, kể từ khi Hiệp định giữa Chính phủ hai nước Việt - Nhật về khoa học và công nghệ được ký năm 2006 đến nay, Ủy ban hỗn hợp Việt - Nhật về hợp tác khoa học và công nghệ đã tổ chức họp được 3 lần. Số lượng các nhà khoa học Việt Nam sang Nhật Bản và các nhà khoa học Nhật Bản sang Việt Nam để tiến hành các hoạt động nghiên cứu chung ngày càng tăng. Hiện, Nhật Bản đang tích cực hỗ trợ Việt Nam phát triển điện hạt nhân và an toàn bức xạ và hạt nhân; khai thác và chế biến đất hiếm; hợp tác về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, về Dự án phát triển cơ sở hạ tầng Khu công nghệ cao Hòa Lạc, trên cơ sở hỗ trợ ODA của Nhật Bản, giai đoạn Dịch vụ kỹ thuật đang trong quá trình triển khai, tư vấn thiết kế đã hoàn thành thiết kế chi tiết vào tháng 10/2012. Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, đã chính thức được khởi công tháng 9/2012 vừa qua (Hiệp định vay vốn ODA ưu đãi được ký tháng 11/2011). Dự kiến, Dự án được triển khai từ năm 2011 - 2020 với tổng số vốn 54,4 tỷ Yên gồm ba thành phần: xây dựng hạ tầng kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và đầu tư phát triển nguồn nhân lực.
Về du lịch, Nhật Bản là một trong những nước có lượng khách du lịch lớn nhất đến Việt Nam (chiếm gần 10% tổng lượng khách vào Việt Nam). Hai bên đã ký Tuyên bố chung về hợp tác du lịch Việt Nam - Nhật Bản (4/2005) tạo điều kiện cho việc thu hút khách du lịch Nhật Bản vào Việt Nam. Số lượng khách du lịch Nhật Bản vào Việt Nam tăng đều trong những năm qua (năm 2010: 442.089 lượt, năm 2011: 481.519 lượt, năm 2012: 576.386 lượt). 11 tháng đầu năm 2013, có 553.585 lượt khách du lịch Nhật Bản vào Việt Nam, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2012.
Chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, góp phần tăng cường và làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Nhật Bản, đặc biệt là hợp tác kinh tế, đầu tư, viện trợ phát triển, phối hợp giữa hai nước tại các diễn đàn khu vực và quốc tế./.
Nguồn: dangcongsan.vn
Các bài viết khác
- • Việt Nam vẫn là nơi làm ăn lý tưởng của DN Nhật Bản
- • Thông tin về tình hình thực hiện một số dự án đầu tư tại Khu
- • World Bank - Việt Nam hợp tác về KH&CN
- • Ernst & Young upbeats about VN’s economic prospects
- • Chỉ số niềm tin kinh doanh của Việt Nam tăng điểm
- • FDI inflow touches over US$19 billion
- • VN-made macro satellite sends initial signals
- • Vốn FDI đăng ký tăng thêm 20,8 tỷ USD
- • FPT tổ chức thành công Mobile Robot Challenge 2013
- • Tăng mức lương tối thiểu vùng từ 1/1/2014