Khởi động VKIST và giấc mơ về "điều kỳ diệu sông Hồng"
Viện VKIST được kỳ vọng sẽ trở thành một Hallyu trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, và là cầu nối để gắn kết và nâng cao hơn nữa tình hữu nghị giữa hai quốc gia.
Từ "kỳ tích Sông Hàn"
Trao đổi với tạp chí Khám phá, Viện trưởng V-KIST Kum Dongwha chia sẻ, thuật ngữ "kỳ tích Sông Hàn” mô tả về sự phát triển nhanh chóng của Hàn Quốc, đặc biệt là ngành công nghiệp. Sự thành công này có sự đóng góp rất lớn của khoa học và công nghệ. Và thực tế, Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (KIST) luôn được coi là cái nôi cho sự phát triển của công nghệ công nghiệp cũng như của ngành công nghiệp Hàn Quốc. Từ những thành công mà Hàn Quốc đạt được, đó là cơ sở để hiện thực hóa điều “kỳ diệu sông Hồng”.
Nhấn nút Khởi động Viện VKIST
Trở lại bối cảnh những năm 60 của Thế kỷ 20, khi Hàn Quốc còn là một quốc gia kém phát triển, với khả năng công nghệ tụt hậu so với thế giới và tỷ trọng các ngành công nghiệp còn rất ít trong tổng thu nhập quốc dân, Chính phủ đã xây dựng kế hoạch công nghiệp hóa nhằm thúc đẩy xuất khẩu, và ban đầu cũng tập trung vào những ngành công nghiệp nhẹ thâm dụng lao động. Rất may mắn là những nhà lãnh đạo đất nước đã sớm nhận thức được tầm quan trọng của công nghệ đối với phát triển kinh tế nên đã quyết tâm xây dựng một viện nghiên cứu công nghiệp theo mô hình mới.
Tháng 5 năm 1965, Tổng thống Park Chung Hee trong chuyến thăm Hoa Kỳ đã đề nghị Hoa Kỳ hỗ trợ thành lập một viện nghiên cứu công nghiệp và khoa học ứng dụng. Tháng 2 năm 1966, Chính phủ hai nước đã ký Hiệp định về việc thành lập và vận hành KIST với sự hỗ trợ của Viện Battlle Memorial, là một Viện định hướng công nghiệp của Hoa Kỳ lúc đó.
Kể từ sau khi thành lập, Chính phủ Hàn Quốc đã có rất nhiều ưu đãi cho hoạt động của Viện KIST, mà cao nhất phải đề cập đến là Đạo luật về Hỗ trợ KIST được bàn hành vào tháng 12 năm 1966. Có rất nhiều vấn đề đã được thảo luận về KIST và có nhiều khó khăn vướng mắc nhưng có thể nói, hoạt động của KIST đã được xây dựng trên ba nguyên tắc cơ bản: là quyền tự chủ, sự ổn định và tạo dựng môi trường nghiên cứu.
Sau khi đi vào hoạt động ổn định, KIST đã thu hút được rất nhiều nhà khoa học Hàn Quốc giỏi từ nước ngoài trở về làm việc, và có rất nhiều hoạt động nghiên cứu ứng dụng thành công. Bên cạnh các dự án hỗ trợ kỹ thuật trực tiếp cho các nhà máy và doanh nghiệp, các nhà khoa học của KIST còn thực hiện các hoạt động nghiên cứu ngắn hạn giúp thúc công nghiệp thay thế nhập khẩu, tăng cường xuất khẩu cũng như các hoạt động nghiên cứu dài hạn để giải quyết các vấn đề phát sinh trong tương lai. Phát triển các vật liệu và sản phẩm mới, tăng cường các nguyên vật liêu thô trong nước, phát triển ngành công nghiệp dâu tằm hay khai thác Urani là một vài trong rất nhiều những thành quả tiêu biểu trong hoạt động nghiên cứu của KIST.
Ngoài ra, KIST còn có tác động lan tỏa về nhận thức tầm quan trọng của công nghệ đối với sản xuất kinh doanh trong cộng đồng các doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu và các cơ quan quản lý tại Hàn Quốc. Từ KIST, đã có nhiều viện nghiên cứu được hình thành và trưởng thành, có đóng góp lớn cho các ngành công nghiệp và nhiều doanh nghiệp ứng dụng công nghệ đã ra đời và phát triển thành công. Những thành tựu này đã củng cố vai trò của KIST là viện nghiên cứu hàng đầu tại Hàn Quốc.
... đến "điều kỳ diệu sông Hồng"
Lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu của Viện V-KIST là Công nghệ thông tin và Công nghệ sinh học. Đánh giá về tiềm năng cũng như nhân lực khoa học công nghệ của 2 lĩnh vực này của Việt Nam hiện nay, Viện trưởng V-KIST Kum Dongwha cho biết, Việt Nam là một quốc gia có tài nguyên thiên nhiên phong phú, có sự đa dang sinh học với đường bờ biển dài. Về kinh tế, Việt Nam là một nước đang phát triển với GDP đầu người theo số liệu của Ngân hàng Thế giới là khoảng 2000USD/năm.
“Trước khi tôi nhận nhiệm vụ tại Việt Nam vào tháng 5/2017, KIST đã cử một đoàn chuyên gia sang Việt Nam cùng phối hợp với một số chuyên gia tại Việt Nam và các cán bộ của Bộ Khoa học và Công nghệ để thực hiện Khảo sát công nghiệp đối với hai lĩnh vực công nghệ thông tin và công nghệ sinh học từ tháng 10/2016 đến tháng 5/2017. Kết quả của khảo sát đã cho thấy đất nước các bạn rất nhiều tiềm tăng phát triển trong các lĩnh vực này. Có lẽ tôi không cần phải nói gì thêm về điều này, bởi lẽ báo cáo đó đã tự nói lên kết luận và tôi nghĩ rằng những người Việt Nam yêu nước cũng có thể cảm nhận như thế khi các bạn đi đến bất cứ tỉnh thành nào trên lãnh thổ Việt Nam” - GS Kum cho hay.
Ký Biên bản thỏa thuận với Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc, ký biên bản Ghi nhớ với Đại học Quốc gia Hà Nội
Hiện nay, Việt Nam có rất nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với các đối tác quốc tế, đồng thời lượng vốn FDI đổ vào Việt Nam cũng tương đối lớn. Đây cũng là những tiềm năng để Việt Nam có thể tận dụng và tăng cường sức mạnh nội địa.
GS Kum cũng chia sẻ: Về nhân lực khoa học công nghệ của Việt Nam, như nhiều bạn bè quốc tế đã đánh giá, người Việt Nam rất thông minh và cần cù. Tuy nhiên, để phát huy lợi thế của mình, Chính phủ Việt Nam nên tập trung xây dựng một hệ sinh thái khoa học và công nghệ, nơi tập trung nguồn lực của tập thể để mỗi cá nhân có điều kiện phát huy tốt nhất năng lực của mình lực và cống hiến cho cộng đồng khoa học và công nghệ.
"Tôi đã một số lần đề cập trong các buổi báo cáo với Lãnh đạo Chính phủ, Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ và các viện nghiên cứu, các trường đại học, Việt Nam đã xây dựng được một hệ thống đổi mới quốc gia (NIS), điều mà theo tôi đánh giá là tốt hơn Hàn Quốc tại thời điểm Viện KIST được thành lập, mặc dù hệ thống này chưa thực sự thân thiện với người làm công tác nghiên cứu. Tuy nhiên, rõ ràng là các bạn có nhiều lợi thế và nên tận dụng nó để những người làm công tác nghiên cứu có thể đóng góp hơn nữa cho sự phát triển của quốc gia", GS Kum khẳng định.
Hallyu trong lĩnh vực khoa học và công nghệ
Trên kết quả của Báo cáo khảo sát công nghiệp, VKIST đã xác định được một số lĩnh vực nghiên cứu trọng điểm. Về ngắn hạn, Viện VKIST sẽ nghiên cứu các vấn đề nhấn mạnh vào nhu cầu thị trường như: Linh kiện điện tử và thiết bị cảm biến; công nghệ sau thu hoạch và chế biến thực phẩm. Về dài hạn, Viện sẽ thực hiện công tác nghiên cứu nền tảng cho các lĩnh vực dược liệu, dược phẩm, mạng lưới thông minh. Tại Lễ khởi động Viện vào tháng 11 vừa qua, Viện đã ký các Biên bản Ghi nhớ với các đối tác và VKIST đang trong quá trình thảo luận với các đối tác này để lên kế hoạch triển khai cụ thể.
Đối với kế hoạch 5 năm tới, VKIST sẽ tập trung vào việc hoàn thiện dự án ODA với nhiệm vụ quan trọng nhất là hoàn thiện cơ sở vật chất hoạt động tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Bên cạnh đó, các nội dung tuyển dụng và đào tạo, xây dựng Hệ thống vận hành của Viện và khởi động hoạt động nghiên cứu và xây dựng mạng lưới hợp tác khoa học công nghệ trong và ngoài nước cũng là những nội dung quan trọng.
TS. Kum Donghwa, Viện trưởng Viện VKIST, trình bày định hướng nghiên cứu tại Lễ Khởi động Viện VKIST
Người đứng đầu VKIST cũng cho rằng, năm 2018 sẽ là năm then chốt cho tất cả các hoạt động trên, và nhiệm vụ quan trọng nhất có lẽ là thu hút được các nhân tài của Việt Nam trong lĩnh vực nghiên cứu. Bên cạnh đó, VKIST cũng đặt mục tiêu khởi công dự án xây dựng trụ sở Viện tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc trong nửa đầu năm 2018.
Về công tác tuyển dụng, đào tạo nhân lực của VKIST, cũng tương tự như những gì mà các bậc tiền bối tại KIST đã thực hiện với sự hỗ trợ của Viện Battelle Memorials, Viện VKIST sẽ rất tập trung vào công tác tuyển dụng và đào tạo với sự hỗ trợ từ KIST. “Về tuyển dụng, tôi đang báo cáo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ để thành lập Hội đồng tuyển dụng các PI (Pricipal Investigator) của Viện nhằm đón nhận và thu hút những nhà khoa học và các kỹ sư tài năng của Việt Nam ở cả trong và ngoài nước”- GS Kum thông báo.
Về đào tạo, các cán bộ của Viện, cả ở khối hành chính và nghiên cứu sẽ được gửi tới KIST để đào tạo theo chương trình phát triển kỹ năng mà các chuyên gia đã xây dựng nhằm đảm bảo VKIST có được một môi trường thuận lợi nhất cho hoạt động nghiên cứu.
“Trong thời gian qua, Hallyu, làn sóng văn hóa Hàn Quốc đã có sự lan rộng và được giới trẻ Việt Nam đón nhận. Cũng như Ngài Lee Hyuk, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam đã nêu, tôi rất kỳ vọng rằng Viện VKIST sẽ trở thành một Hallyu trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, và sẽ được cộng đồng khoa học và công nghệ Việt Nam đón nhận để gắn kết và nâng cao hơn nữa tình hữu nghị giữa hai quốc gia” - GS Kum chia sẻ và kỳ vọng.
Nguồn: khampha.vn
Các bài viết khác
- • Nghiên cứu mới của Việt Nam lên tạp chí hàng đầu thế giới
- • Thông báo về việc tổ chức khóa học Blockchain
- • Phát động cuộc thi sáng tạo Robot Việt Nam năm 2018
- • KH&CN đã đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước
- • Xây dựng đô thị thông minh, xu thế tất yếu trong cách mạng 4.0
- • Sinh viên trải nghiệm công nghệ xe tự hành
- • Viện "đầu tàu" nghiên cứu khoa học ứng dụng
- • Chính phủ ban hành 8 Nghị định về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt
- • Hà Nội kiến nghị cho hai nhà đầu tư làm đường sắt đô thị
- • Phương án mới tính thuế thu nhập cá nhân