FPT Software lọt Top 500 công ty phần mềm lớn nhất thế giới
Với doanh thu 81,5 triệu USD và mức tăng trưởng 30,4%, FPT Software là doanh nghiệp CNTT Việt Nam đầu tiên lọt vào danh sách uy tín của giới CNTT toàn cầu.
Theo Software Magazine, tổng doanh thu của các công ty phần mềm và dịch vụ lớn nhất thế giới trong bảng xếp hạng Software 500 năm nay đạt 672,9 tỷ USD, tăng 4,5% so với 643,6 tỷ USD của năm ngoái.
Số liệu cho thấy, tăng trưởng bình quân trong lĩnh vực phần mềm cấp phép và doanh thu dịch vụ của các công ty thuộc Software 500 là 12,9%. Tổng số lao động trong các công ty nhóm Software 500 tăng 9,5% lên 4.924.121 người, so với 4.495.407 người theo khảo sát hồi năm ngoái.
Với doanh thu 81,5 triệu USD và mức tăng trưởng 30,4%, FPT Software là doanh nghiệp CNTT Việt Nam đầu tiên lọt vào danh sách uy tín của giới CNTT toàn cầu.
Bảy công ty hàng đầu trong bảng xếp hạng vẫn giữ nguyên vị trí gồm: IBM, Microsoft, Hewlett-Packard, Oracle, Accenture, EMC và SAP. NTT Data vượt lên đứng thứ 8, từ vị trí số 11 hồi năm ngoái. CSC rơi xuống thứ 9 từ vị trí thứ 8 năm 2012 trong khi Hitachi vẫn giữ nguyên thứ hạng 10 của mình. Capgemini rơi xuống thứ 11, tụt 2 bậc so với năm ngoái. Atos SA vươn lên đứng thứ 12 từ vị trí 15 của năm ngoái, đây cũng là năm đầu tiên công ty lọt vào danh sách này. SAIC vẫn ở vị trí thứ 13. Synnex đứng thứ 14 và General Dynamics giữ vị trí số 15.
Phát triển mạnh nhất trong Top 10 là NTT Data, với doanh thu dịch vụ tăng 17%, đạt 15,9 tỷ USD.
Xét về số lao động, công ty sử dụng lao động lớn nhất vẫn là IBM, với số lượng lao động đạt 466.995 nhân công, tính đến cuối năm 2012, tăng 33.633 người so với năm trước, tương đương 7,8%.
Chi phí đầu tư nghiên cứu và phát triển của các công ty Software 500 trung bình là 12,7% doanh thu, như một chỉ báo sức khỏe mà các công ty phần mềm đầu tư cho tương lai của mình.
Đa số việc làm tại các công ty Software 500 đều đến từ các công ty cho thuê ngoài nhân viên kỹ thuật chuyên nghiệp để hỗ trợ hoạt động CNTT. Tư vấn/nhân sự, dịch vụ gia công phần mềm, tích hợp hệ thống và lĩnh vực kinh doanh dịch vụ CNTT chiếm 75 công ty, tương đương 15% các công ty Software 500, với 2.313.123 lao động, tương đương 47% tổng số lao động của các công ty Software 500 trong năm 2013.
Các công ty dẫn đầu tăng trưởng doanh thu
Đứng đầu danh sách công ty có doanh thu trên 1 tỷ USD là Google, xếp thứ 51. Với 2,35 tỷ USD doanh thu trong lĩnh vực phần mềm và dịch vụ, tương đương tăng trưởng 71%. Google cung cấp một loạt công cụ, bao gồm cả chương trình quảng cáo và các giải pháp điện toán đám mây.
Tiếp theo là SCSK Corp, đứng vị trí thứ 41, với 2,75 tỷ USD doanh thu, tương đương tăng trưởng 66%. Được thành lập thông qua sự sáp nhập của Tập đoàn Sumisho Computer Systems và Tập đoàn CSK vào tháng 10/2011, công ty dịch vụ CNTT này tập trung vào lĩnh vực điện toán đám mây, các nền tảng CNTT, quản lý CNTT, dịch vụ kinh doanh, hệ thống tài chính, và các hệ thống công nghiệp.
Đứng thứ 3 là iGate, xếp hạng 82, với 1,1 tỷ USD doanh thu, tăng 38%. iGate là một công ty gia công và phát triển phần mềm với 27.616 nhân viên vào cuối năm 2012. Hầu hết hoạt động của công ty diễn ra tại Ấn Độ. iGate tự nhận là một công ty tích hợp công nghệ và hoạt động tập trung vào hiệu quả kinh doanh. Gần đây nhất, công ty đã thắng một hợp đồng trị giá 100 triệu USD cung cấp dịch vụ cơ sở hạ tầng cho nhà cung cấp bảo hiểm MetLife.
Đứng thứ 4 là Salesforce.com, xếp thứ 53 trong bảng xếp hạng, tăng 37%, đạt 2,3 tỷ USD doanh thu. Công ty điện toán đám mây này tập trung vào việc bán hàng và dịch vụ khách hàng. Gần đây, Salesforce.com đã được Gartner định vị như người đứng đầu về tự động hóa đội ngũ bán hàng. Tháng 7 vừa qua, Salesforce.com mua ExactTarget, một nền tảng tiếp thị điện toán đám mây, với giá 2,5 tỷ USD. Sản phẩm ExactTarget cho phép các công ty tiếp thị đến từng đối tượng cụ thể (one-to-one marketing) và theo dõi phản ứng từ mỗi nền tảng sử dụng e-mail, văn bản và nhắn tin giọng nói, các trang giới thiệu sản phẩm, dịch vụ trên Internet, Twitter và Facebook.
Một số công ty có doanh thu hơn 1 tỷ USD khác cũng rất đáng chú ý là BlackBerry, xếp hạng 29, tăng 26%, đạt 4,4 tỷ USD. Red Hat, đứng số 77, tăng 25%, đạt 1,1 tỷ USD. Tata Consultancy, xếp thứ 16, tăng 23% lên tới 10 tỷ USD và VMware, xếp thứ 27, tăng 22% lên tới 4,6 tỷ USD.
Software 500, có 31 năm kinh nghiệm đánh giá thị trường phần mềm trên toàn thế giới, xếp hạng dựa trên doanh thu của các doanh nghiệp phần mềm lớn nhất thế giới và các nhà cung cấp dịch vụ. Là danh sách có uy tín, việc xếp hạng được thiết kế để giúp các nhà quản lý cao cấp, các giám đốc CNTT và nhân viên nghiên cứu, ứng dụng CNTT trong việc đánh giá và lựa chọn đối tác phù hợp.
Năm 2012, FPT Software lần đầu lọt vào Top 100 nhà cung cấp dịch vụ hàng đầu, cùng với những tên tuổi lớn như: Infosys, Unisys, ChinaSoft, CSC, Neusoft... Việc có tên trên bản đồ CNTT thế giới sẽ mở rộng cơ hội kinh doanh và quy mô phát triển của FPT Software.
Hiện tại, công ty có hơn 4.000 người và sẽ tăng số lượng nhân sự lên 10.000 người vào năm 2015. FPT Software cũng đang hoàn thiện cơ sở vật chất ở Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội) và Khu công nghệ Quang Trung (TP HCM) để đáp ứng nhu cầu phát triển.
Kết thúc 2012, FPT Software đã cán đích đạt doanh số hơn 1.700 tỷ đồng và gần 4.800 nhân viên (trong đó có 4.000 nhân viên chính thức và 800 nhân viên thời vụ).
FPT Software đặt kế hoạch tổng doanh thu năm 2013 đạt 100 triệu USD. 6 tháng đầu năm, công ty đã hoàn thành kế hoạch doanh thu và lợi nhuận đặt ra. Cụ thể, đạt 100,91% kế hoạch doanh thu, tăng trưởng 31%.
Nguồn: chungta.vn
Các bài viết khác
- • 9 tháng vốn FDI vượt 15 tỷ USD
- • Hoàn thiện dự thảo quy định chính sách ưu đãi đầu tư tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc sau khi đã tiếp thu các ý kiến góp ý
- • Lấy ý kiến Dự thảo Quyết định Chính sách ưu đãi đầu tư tại Khu Công nghệ cao Hoà Lạc
- • Doanh nghiệp vùng Kyushu rất quan tâm đến đầu tư tại Việt Nam
- • Đại học FPT có khóa sinh viên quốc tế đầu tiên
- • Tưng bừng Lễ hội Trăng rằm
- • Việt Nam - Hàn Quốc cùng nỗ lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng V-KIST
- • Thủ tướng mong sớm triển khai Đại học Việt-Nhật
- • 5 điều kiện cấp giấy phép lao động nước ngoài
- • Xây dựng Viện Khoa học Công nghệ Việt - Hàn năm 2014