Đưa giáo dục Việt Nam vươn tầm thế giới

23:10 - 02/05/2017

Với định hướng xây dựng một đại học toàn cầu (Global), thông minh (Smart) và đại chúng (Massive), ĐH FPT kỳ vọng đưa giáo dục Việt Nam cạnh tranh trên tầm khu vực, thế giới. Trường đặt mục tiêu đến năm 2020 có 100.000 sinh viên, trong đó sinh viên nước ngoài chiếm 15%.

Từ những “quả ngọt” đầu tiên...

Với những người làm giáo dục FPT, lễ khai giảng đầu tiên của sinh viên FPT tại “nhà mới” ở khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội ngày 21/9/2013 là một dấu mốc vô cùng đặc biệt. Bởi lẽ, trong hơn 1.000 tân sinh viên Đại học (ĐH) FPT dự lễ khai giảng, có 41 sinh viên từ Hàn Quốc, Nigeria, Cameron và Lào sang Việt Nam du học. Việc chính thức có khóa sinh viên quốc tế đầu tiên theo học chương trình ĐH chính quy kéo dài 4 năm do ĐH FPT cấp bằng đã ghi nhận thành công bước đầu của trường trong quá trình nỗ lực đưa giáo dục ĐH Việt Nam nói chung và ĐH FPT nói riêng vươn ra thế giới.

Theo Hiệu trưởng ĐH FPT Đàm Quang Minh, từ năm 2009, trường đã có những nỗ lực đầu tiên để thu hút sinh viên nước ngoài sang Việt Nam học. Khi đó, ĐH FPT hợp tác với ĐH Greenwich của Anh triển khai chương trình Cử nhân quốc tế FPT-Greenwich, sinh viên học tại ĐH FPT nhưng được cấp bằng của ĐH Greenwich. ĐH FPT đã tiếp nhận 17 sinh viên quốc tế đầu tiên theo học chương trình Cử nhân quốc tế FPT-Greenwich vào năm 2010. “Tuy nhiên, việc tổ chức dạy chương trình nước ngoài và sinh viên được cấp bằng của trường nước ngoài không phải là mong muốn thực sự của chúng tôi. ĐH FPT muốn có được những sinh viên theo học chương trình đào tạo chính quy của trường, tức là họ chọn sang Việt Nam du học để lấy bằng do trường ĐH Việt Nam là FPT cấp”, ông Minh nói.


Sau 1 năm thực hiện chiến lược “Go Global”, ĐH FPT đã có khóa sinh viên quốc tế đầu tiên.

Quyết định triển khai chiến lược “Go Global” (quốc tế hóa) của ĐH FPT vào cuối năm 2012 là “phát súng hiệu” cho một cuộc tiến công tổng lực vào mặt trận quốc tế. Cùng với việc thành lập bộ phận tuyển sinh quốc tế, năm 2012, ban lãnh đạo ĐH FPT được bổ sung thêm Phó Chủ tịch HĐQT phụ trách toàn cầu hóa Nguyễn Thành Nam. Với “Go Global”, trường đã xúc tiến các hoạt động tuyển sinh quốc tế cũng như đẩy mạnh quan hệ hợp tác trao đổi sinh viên quốc tế. Trong năm 2012, ĐH đã đón sinh viên quốc tế đến trao đổi và học tập tại trường; đồng thời sinh viên FPT cũng có cơ hội đặt chân đến các quốc gia trên thế giới theo các chương trình hợp tác, trao đổi sinh viên tại Thái Lan, Đức, Hà Lan, Pháp, Nhật, Singapore…

Sự ra đời của Viện đào tạo quốc tế ĐH FPT (với các nhiệm vụ chính gồm: tuyển sinh sinh viên quốc tế về học tại Việt Nam; tổ chức cho sinh viên Việt Nam đi học ở nước ngoài; và xúc tiến việc mở phân hiệu của ĐH FPT tại nước ngoài) vào tháng 4/2013 tiếp tục khẳng định quyết tâm của những người làm giáo dục FPT trong việc thực hiện quốc tế hóa, toàn cầu hóa giáo dục, đưa ĐH FPT phát triển thành một trường cạnh tranh với quốc tế. Và chỉ sau 1 năm triển khai chiến lược “Go Global”, ĐH FPT đã có khóa sinh viên quốc tế đầu tiên sang du học. Bên cạnh đó, trường cũng đã đạt những thành công bước đầu trong việc nhận diện tại nước ngoài, có 58 đối tác tại 23 nước: Thái Lan, Singapore, Brunei, Myanmar, Nhật, Nigeria, Ấn Độ, Hà Lan, Đức, Pháp, Bồ Đào Nha, Anh, Mỹ…

Sự góp mặt của các sinh viên quốc tế tại ĐH FPT thời gian qua đã tạo ra những thay đổi tích cực, thú vị. Đơn cử như, trong mỗi lớp học chỉ cần có 1 - 2 sinh viên nước ngoài thì cả lớp đều phải nói tiếng Anh. Hay như ở ký túc xá của ĐH FPT tại Hòa Lạc, do có khoảng gần 100 sinh viên nước ngoài nên phong cách hoạt động, phục vụ của cán bộ, nhân viên và thậm chí cả các dịch vụ ăn uống cũng có sự thay đổi. Những thay đổi này dần dần biến đổi từ môi trường học tập, sinh hoạt của một trường Việt Nam thành một trường có yếu tố quốc tế. “Thực tế, không chỉ mang lại lợi ích, cơ hội trau dồi tiếng Anh và khả năng thích nghi, làm việc trong môi trường đa văn hóa cho các sinh viên Việt Nam, hoạt động thu hút sinh viên quốc tế sang du học tại ĐH FPT còn là động lực để trường không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, hướng tới các chuẩn mực của một trường quốc tế”, đại diện ĐH FPT chia sẻ.

...đến khát vọng thành trường quốc tế

Cùng với việc trao trọng trách “chèo lái con tàu” ĐH FPT vào một cán bộ trẻ là TS. Đàm Quang Minh, HĐQT trường ĐH FPT cũng đã thực hiện tái cấu trúc mô hình hoạt động của khối giáo dục FPT thành 5 khối chính (khối đào tạo Phổ thông, khối đào tạo Cao đẳng, khối đào tạo Đại học, khối liên kết quốc tế, khối phát triển sinh viên quốc tế) cùng Viện Quản trị kinh doanh, Viện Nghiên cứu công nghệ, Công ty Sáng tạo toàn cầu, các Ban chức năng và các Dự án vườn ươm trực thuộc ĐH FPT. Mục tiêu hướng đến là đưa ĐH FPT chuyển mình mạnh mẽ, thực sự trở thành một trường đại học toàn cầu, thông minh và đại chúng (GSM), có 100.000 sinh viên, trong đó, sinh viên nước ngoài chiếm 15% vào năm 2020.

Theo ông Đàm Quang Minh, thay vì tranh luận về câu chuyện đổi mới giáo dục đại học Việt Nam như thế nào, các trường đại học Việt Nam hãy theo tiêu chuẩn và thị trường quốc tế, bởi lẽ quốc tế hóa là xu thế tất yếu, không thể lùi. Để trở thành một trường quốc tế, cần phải có chương trình đào tạo quốc tế, giảng viên quốc tế, sinh viên quốc tế và có cơ sở đào tạo tại nước ngoài. Tại ĐH FPT, các chương trình đào tạo mang tính quốc tế, hướng ra thế giới đã và đang được triển khai.

Lãnh đạo ĐH FPT cũng thẳng thắn bày tỏ mong muốn ĐH FPT sẽ là một đơn vị đi đầu trong sự nghiệp “xuất khẩu giáo dục”, đưa được chương trình học của Việt Nam ra quốc tế và có thể kiếm được ngoại tệ từ việc đào tạo cho sinh viên nước ngoài (1,7 tỷ USD là số tiền mỗi năm Việt Nam chi tiêu cho việc sinh viên ra nước ngoài du học-PV). “Hiện tại ĐH FPT có gần 100 sinh viên quốc tế học hệ chính quy và khoảng 200 - 300 sinh viên quốc tế học các chương trình ngắn hạn, thu được khoảng 1 triệu USD/năm từ du học sinh nước ngoài. Tuy nhiên, con số này vẫn rất khiêm tốn. Mong muốn của chúng tôi là nâng cao hơn nữa tỷ trọng sinh viên nước ngoài du học tại ĐH FPT nói riêng và Việt Nam nói chung. Làm sao để trong vòng 5 năm nữa, số sinh viên quốc tế tại ĐH FPT sẽ chiếm khoảng 5-10% và chiếm khoảng 20% trong 10 năm nữa. Lúc đó, ĐH FPT mới chính thức trở thành trường ĐH quốc tế”, TS.Đàm Quang Minh nói.

Nguồn: fpt.edu.vn

Các bài viết khác

 

Đường dây nóng Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc:

- Về đầu tư: 0946.626.286
- Các vấn đề khác: 0922.662.266