Doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ môi trường

20:26 - 31/12/2021

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, đã xác định cộng đồng doanh nghiệp là nhân tố đóng vai trò hết sức quan trọng trong bảo vệ môi trường.
Hội thảo “Doanh nghiệp với Luật Bảo vệ môi trường”. Ảnh: VGP/HG

Luật đã có nhiều quy định mới, thay đổi phương thức quản lý môi trường đối với dự án đầu tư theo các tiêu chí môi trường, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, góp phần giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp .

Đây là ý kiến của các đại biểu tại Hội thảo “Doanh nghiệp với Luật Bảo vệ môi trường” do Viện Hỗ trợ pháp lý và Bảo vệ môi trường (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) tổ chức ngày 29/12.

Theo ông Hoàng Văn Hoàn, Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường không chỉ là trách nhiệm của doanh nghiệp mà còn giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, thâm nhập thị trường quốc tế và đảm bảo phát triển bền vững. Chính vì vậy, phát huy được vai trò của các doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường chính là giải pháp then chốt nhằm giải quyết các áp lực về môi trường hiện nay.

Tham gia vào nghiên cứu và xây dựng Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, TS. Nguyễn Thị Bình, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho biết, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có nhiều điểm mới tác động đến các chủ thể kinh doanh, các doanh nghiệp.

Cụ thể Luật đã quy định rõ hơn so với Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 về các yêu cầu đối với Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) trong quá trình chuẩn bị, triển khai các dự án đầu tư. ĐTM không chỉ đưa ra các phân tích, dự báo tác động môi trường của dự án mà còn có vai trò xác định sự cố môi trường để đưa ra các biện pháp giảm thiểu các tác động xấu đến môi trường. Điều này giúp cho các nhà đầu tư có thể phòng ngừa và giảm thiểu các sự cố môi trường có thể xảy ra trong quá trình thực hiện dự án.

Việc sử dụng thống nhất một loại Giấy phép môi trường được đánh giá tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư khi triển khai thực hiện dự án và giảm các chi phí trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Việc này cũng giúp cho quá trình quản lý nhà nước về môi trường được thống nhất và chặt chẽ.

Ngoài việc tuân thủ các quy định mới về môi trường, các nhà đầu tư cũng cần phải lưu ý trách nhiệm chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm pháp luật về môi trường và thiệt hại của hành vi đó. Quy định này cũng sẽ ràng buộc và tăng cường trách nhiệm đối với nhà đầu tư trong việc thực hiện và tuân thủ các quy định pháp luật về môi trường.

TS. Nguyễn Thị Bình cho rằng, các nhà đầu tư cần cập nhật những văn bản hướng dẫn thi hành Luật để có thể tuân thủ đúng các quy định của Luật, tránh rủi ro trong hoạt động đầu tư kinh doanh.

Trong khi đó, luật sư Vi Văn Diện, Công ty Luật Thiên Minh cho biết, Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định một số tiêu chí về môi trường để phân loại các dự án đầu tư bao gồm: Quy mô, công suất và loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; diện tích sử dụng đất, đất có mặt nước và/hoặc vùng biển, quy mô khai thác tài nguyên thiên nhiên; và các yếu tố nhạy cảm về môi trường. Các tiêu chí này sẽ giúp xác định dự án nào phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường (ĐTM sơ bộ), đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và phải xin giấy phép môi trường.

Trước đây, Luật Bảo vệ Môi trường 2014 chỉ quy định các tiêu chí chung như dự án thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc dự án sử dụng đất thuộc khu bảo tồn động vật hoang dã, vườn quốc gia, di tích lịch sử - văn hóa, di sản thế giới, khu dự trữ sinh quyển, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng; hoặc các dự án có thể gây ảnh hưởng xấu đến môi trường. Các tiêu chí về môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã quy định cụ thể và thu hẹp phạm vi các dự án phải xin cấp phép và phê duyệt về môi trường.

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng thảo luận về việc tích hợp các thủ tục hành chính vào một giấy phép môi trường; đồng bộ các công cụ quản lý môi trường theo từng giai đoạn của dự án, bắt đầu từ khâu xem xét chủ trương đầu tư, thẩm định dự án, thực hiện dự án cho đến khi dự án đi vào vận hành chính thức và kết thúc dự án; lần đầu tiên chế định cụ thể về kiểm toán môi trường nhằm tăng cường năng lực, hiệu quả quản lý môi trường của doanh nghiệp…

Nguồn: chinhphu.vn

Các bài viết khác

 

Đường dây nóng Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc:

- Về đầu tư: 0946.626.286
- Các vấn đề khác: 0922.662.266