Đề xuất thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao.
Dự thảo Nghị quyết này quy định việc áp dụng thí điểm các hình thức hỗ trợ đầu tư đối với các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao có quy mô vốn đầu tư lớn hoặc doanh thu cao, doanh nghiệp đầu tư dự án có quy mô vốn lớn hoặc doanh thu cao sản xuất sản phẩm công nghệ cao và doanh nghiệp đầu tư dự án trung tâm nghiên cứu và phát triển.
4 đối tượng áp dụng
Theo dự thảo, đối tượng áp dụng gồm:
1. Doanh nghiệp có dự án đầu tư có quy mô vốn trên 12.000 tỷ đồng hoặc đạt doanh thu trên 20.000 tỷ đồng/năm trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghệ cao.
2. Doanh nghiệp công nghệ cao có dự án đầu tư có quy mô vốn trên 12.000 tỷ đồng hoặc đạt doanh thu trên 20.000 tỷ đồng/năm.
3. Doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao có quy mô vốn trên 12.000 tỷ đồng hoặc đạt doanh thu trên 20.000 tỷ đồng/năm.
4. Doanh nghiệp đầu tư dự án trung tâm nghiên cứu và phát triển có quy mô vốn trên 3.000 tỷ đồng.
Hình thức hỗ trợ đầu tư
Dự thảo nêu rõ các hình thức hỗ trợ đầu tư gồm: Hỗ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; Hỗ trợ chi phí đầu tư tạo tài sản cố định và hệ thống công trình hạ tầng xã hội; Hỗ trợ chi phí sản xuất sản phẩm công nghệ cao; Hỗ trợ nghiên cứu và phát triển.
Phương thức hỗ trợ đầu tư: Được cấn trừ vào nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp hoặc được chi trả trực tiếp bằng tiền trích từ ngân sách nhà nước.
Ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán ngân sách hằng năm để thực hiện các chính sách hỗ trợ đầu tư quy định. Chính phủ quy định chi tiết mức hỗ trợ, trình tự, thủ tục áp dụng các hình thức hỗ trợ đầu tư quy định nêu trên.
Chính phủ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm: Tổ chức thực hiện Nghị quyết này; tổng kết thực hiện Nghị quyết, báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp cuối năm 2028. Rà soát, tổng kết, đánh giá, đề xuất sửa đổi bổ sung pháp luật có liên quan để thực hiện đồng bộ, thống nhất với các quy định tại Nghị quyết này.
Nghị quyết có hiệu lực thi hành trong thời gian 05 năm
Theo dự thảo, Nghị quyết này có hiệu lực thi hành trong thời gian 05 năm, kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2024. Trong thời gian thực hiện thí điểm, trường hợp Luật Đầu tư, Luật Ngân sách Nhà nước và các pháp luật liên quan khác được sửa đổi ban hành thay thế cho quy định tại Nghị quyết này thì thực hiện theo quy định đó.
Trong trường hợp có các điều khoản khác nhau về cùng một vấn đề giữa Nghị quyết này và các luật hoặc nghị quyết khác của Quốc hội, các điều khoản của Nghị quyết này sẽ được ưu tiên áp dụng. Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành sau ngày hiệu lực của Nghị quyết này có quy định các cơ chế và chính sách thuận lợi hơn so với Nghị quyết này thì việc áp dụng sẽ do Chính phủ quyết định.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Nguồn: chinhphu.vn
Các bài viết khác
- • Họp báo công bố Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2023 và Lễ Khánh thành Cơ sở hoạt động mới của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia
- • Trình tự, thủ tục giám định chất lượng máy móc, dây chuyền công nghệ
- • Chuyển giao Khu Công nghệ cao Hòa Lạc về UBND TP Hà Nội quản lý
- • Phê duyệt Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài
- • HoaLac Start-up Challenge 2023: Làm chủ công nghệ - Bứt phá thành công
- • Đại hội Công đoàn Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc lần thứ VII, nhiệm kỳ 2023-2028
- • Rà soát, đề xuất cơ chế chính sách vượt trội cho các khu công nghệ cao phát triển
- • Quy định mới về cấp Giấy chứng nhận chuyển giao công nghệ khuyến khích chuyển giao
- • Quy định mới về xác định xuất xứ hàng hóa xuất, nhập khẩu
- • Thông báo tổ chức khóa đào tạo về "Bảo mật thông tin trong doanh nghiệp"