Đề xuất mới về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải

23:10 - 21/04/2019

Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải thay thế Nghị định số 154/2016/NĐ-CP.
Bộ Tài chính cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 154/2016/NĐ-CP về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải có hiệu lực từ ngày 01/01/2017. Qua 2 năm triển khai thực hiện, về cơ bản các địa phương đều nghiêm túc thực hiện và thu được kết quả nhất định, đảm bảo mục tiêu, yêu cầu khi xây dựng Nghị định, tuy nhiên, còn phát sinh một số vướng mắc, cụ thể như sau:

Một số nội dung quy định về miễn phí tại Điều 5 Nghị định 154 còn chung chung, khó xác định như: 3. Nước thải sinh hoạt của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình ở địa bàn đang được Nhà nước thực hiện chế độ bù giá để có giá nước phù hợp với đời sống kinh tế - xã hội; 4. Nước thải sinh hoạt của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình ở các xã thuộc vùng nông thôn và những nơi chưa có hệ thống cấp nước sạch... Vì vậy, cần nghiên cứu, bổ sung quy định chi tiết hơn về tính phí đối với các trường hợp này.

Về mức phí cố định, tại khoản 2 Điều 6 Nghị định 154 quy định: Cơ sở sản xuất, chế biến có khối lượng nước xả thải dưới 20m3/ngày phải nộp mức phí cố định là 1,5 triệu đồng/năm. Qua thực hiện, có nhiều cơ sở sản xuất, chế biến có quy mô và tính chất hoạt động khác nhau, khối lượng nước thải cũng rất khác nhau, nhất là các cơ sở cơ khí, may mặc,... có lượng nước thải ít. Có nhiều cơ sở xả thải dưới 5m3/ngày đêm, trong khi phải nộp cùng mức phí 1,5 triệu đồng/năm như các cơ sở khác là chưa hợp lý.

Bộ Tài chính dự kiến sửa đổi một số nội dung, nhưng một nội dung sửa đổi liên quan đến nhiều Điều của Nghị định 154. Qua rà soát, nội dung sửa đổi liên quan đến 11/12 Điều của Nghị định 154. Vì vậy, Bộ Tài chính trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 154.

Đề xuất quy định mới

Về miễn phí (Điều 5 Nghị định 154), tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 154 quy định miễn thu phí đối với: 1. Nước xả ra từ các nhà máy thủy điện, nước tuần hoàn trong các cơ sở sản xuất, chế biến mà không thải ra môi trường dưới bất kỳ hình thức nào (chất rắn, chất lỏng, chất khí).

Một số địa phương đề nghị hướng dẫn cụ thể hơn đối với trường hợp nước tuần hoàn. Tỉnh Hòa Bình cho rằng việc miễn phí đối với nước thải của Nhà máy thủy điện (gồm cả nước thải từ hoạt động của đơn vị quản lý thủy điện) là không hợp lý.

Về vấn đề này, Bộ Tài chính có ý kiến: Theo quy định thì phí tính và thu khi doanh nghiệp xả nước thải ra môi trường. Đối với nước tuần hoàn trong khu vực nhà máy chưa thải ra môi trường thì chưa có cơ sở tính và thu phí. Vì vậy, không cần quy định miễn phí đối với trường hợp này, Bộ Tài chính trình Chính phủ cho sửa lại như sau: 1. Nước dùng sản xuất điện xả ra từ các nhà máy thủy điện.

Đồng thời, bỏ điểm a khoản 1 Điều 12 Nghị định 154: 1. Bộ TNMT có trách nhiệm: a) Quy định chi tiết về nước tuần hoàn và nước mưa tự nhiên chảy tràn quy định tại khoản 1 và khoản 6 Điều 5 Nghị định này.

Về mức phí đối với nước thải sinh hoạt: Tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 154 quy định: “1. Mức phí BVMT đối với nước thải sinh hoạt là 10% trên giá bán của 1 m3 nước sạch chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Trường hợp cần thiết áp dụng mức thu cao hơn, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định mức cụ thể phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương”.

Một số địa phương cho rằng quy định: Cơ sở rửa ô tô, rửa xe máy, sửa chữa ô tô, sửa chữa xe máy; nhà hàng, khách sạn chịu phí BVMT đối với nước thải sinh hoạt như cá nhân, hộ gia đình là không công bằng, vì nước thải của đối tượng này có mức độ gây ô nhiễm môi trường cao hơn.

Về vấn đề này, Bộ Tài chính có ý kiến như sau: Tại Nghị định 154 (cũng như Nghị định trước đó) đã quy định trường hợp cần quy định mức thu phí BVMT đối với nước thải cao hơn (mức 10% giá 1m3 nước sạch) thì HĐND cấp tỉnh quyết định mức thu cụ thể. Như vậy, trường hợp nước thải của Cơ sở rửa ô tô, rửa xe máy, sửa chữa ô tô, sửa chữa xe máy; nhà hàng, khách sạn ô nhiễm hơn thì địa phương có thể quyết định mức phí cao hơn.

Tuy nhiên, để thống nhất thực hiện, Bộ Tài chính dự kiến 02 Phương án:

PA1: Giữ quy định mức phí như hiện hành

PA2: Quy định Mức phí BVMT đối với nước thải sinh hoạt là 10% trên giá bán của 1 m3 nước sạch chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Riêng mức phí áp dụng đối với đối tượng chịu phí quy định tại điểm d và điểm đ khoản 3 Điều 2 Nghị định này là 15% trên giá bán của 1 m3 nước sạch chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Trường hợp cần thiết áp dụng mức thu cao hơn, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định mức cụ thể phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Nguồn: chinhphu.vn

Các bài viết khác

 

Đường dây nóng Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc:

- Về đầu tư: 0946.626.286
- Các vấn đề khác: 0922.662.266