Đề xuất mới về kết nối và chia sẻ thông tin theo cơ chế một cửa quốc gia
Ảnh minh họa |
Bộ Tài chính cho biết, cơ chế một cửa quốc gia được chính thức triển khai từ năm 2014, cho đến ngày 30/10/2019 đã kết nối 13 bộ, ngành triển khai 184 thủ tục hành chính liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; người và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh với sự kết nối tham gia xử lý của nhiều cơ quan quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã kết nối với Cơ chế một cửa ASEAN để trao đổi chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử và đang trong quá trình triển khai để mở rộng trao đổi các chứng từ khác cũng như kết nối với một số đối tác ngoài ASEAN như Liên minh kinh tế Á-Âu, Hàn Quốc,..
Mặc dù cơ chế một cửa quốc gia đã triển khai và đạt được những kết quả tích cực trong những năm qua nhưng đánh giá tổng quan về công năng sử dụng cơ chế này còn khuyết thiếu một lĩnh vực hết sức quan trọng – đó là tổ chức kết nối, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp liên quan trực tiếp, gián tiếp đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; người và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh. Lĩnh vực này có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến việc xây dựng, hoàn thiện Chính phủ điện tử, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại trong các cơ quan nhà nước; triển khai đúng nghĩa, toàn diện cơ chế một cửa quốc gia; thực hiện cải cách thủ tục hành chính… Do vậy, việc xây dựng Nghị định về thực hiện kết nối và chia sẻ thông tin theo cơ chế một cửa quốc gia là thực sự cần thiết.
Đề xuất 2 chính sách
Dự thảo Nghị định này quy định về việc quản lý, kết nối, chia sẻ thông tin liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; người và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia. Dự thảo đề xuất 2 chính sách như sau:
Chính sách 1: Kết nối, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan nhà nước trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa; xuất nhập cảnh, quá cảnh người và phương tiện thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.
Nội dung của chính sách gồm: Phân loại, nội dung thông tin, dữ liệu cung cấp, chia sẻ thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia; hình thức cung cấp, chia sẻ, khai thác, sử dụng thông tin; thời hạn cung cấp, chia sẻ thông tin; trách nhiệm của bên cung cấp thông tin; trách nhiệm của bên khai thác, sử dụng thông tin;
Chính sách 2: Kết nối, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan nhà nước với các tổ chức, doanh nghiệp trong nước trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa; xuất nhập cảnh, quá cảnh người và phương tiện thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.
Nội dung của chính sách gồm: Phối hợp kết nối, cung cấp, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan nhà nước và các tổ chức, doanh nghiệp trong nước; yêu cầu đảm bảo kết nối các hệ thống thông tin với Cổng thông tin một cửa quốc gia; trong đó quy định yêu cầu đối với hệ thống thông tin của bên cung cấp và bên sử dụng thông tin về áp dụng chữ ký số, mã hóa đường truyền, an toàn thông tin, các yêu cầu kỹ thuật; trách nhiệm của Đơn vị quản lý Cổng thông tin một cửa quốc gia…
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với hồ sơ đề nghị này tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ.
Nguồn: www.chinhphu.vn
Các bài viết khác
- • Bộ KH&CN: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật quy định về Khu công nghệ cao
- • Hội nghị giao ban các khu công nghệ cao
- • Đề xuất xây dựng Nghị định về hàng hóa “Sản xuất tại Việt Nam”
- • Giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020
- • Ban hành hệ số điều chỉnh giá đất và tỷ lệ phần trăm tính đơn giá thuê đất hàng năm tại Khu CNC Hòa Lạc năm 2020
- • Hướng dẫn tạm thời giám sát người nhập cảnh vào Việt Nam
- • Đề xuất Danh mục các công nghệ chủ chốt cuộc Cách mạng CN lần thứ tư
- • Đề xuất Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển
- • Hà Nội đề xuất làm tuyến đường sắt đô thị hơn 65.000 tỷ đồng
- • Bộ Chính trị phân công Bộ trưởng Chu Ngọc Anh giữ chức Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội