Bứt phá trong thu hút đầu tư
Sau gần 20 năm hình thành với biết bao vướng mắc về cơ chế, đến nay Khu công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc đang bước vào giai đoạn phát triển mới - bứt phá trong thu hút đầu tư với hàng loạt dự án trong và ngoài nước lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.
Những tín hiệu tốt
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Trưởng ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc Phạm Đại Dương cho biết: Để bảo đảm mục tiêu phát triển Khu CNC Hòa Lạc trở thành một thành phố khoa học, chúng tôi tập trung thu hút những nhà đầu tư đáp ứng các tiêu chí về CNC, có năng lực về công nghệ và tài chính, sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, thay vì nỗ lực “lấp đầy”. Hiện nay, tại Khu CNC Hòa Lạc, nhiều trường đại học và viện nghiên cứu với quy mô lớn, theo mô hình tiên tiến được Chính phủ các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp hỗ trợ đã và đang được triển khai xây dựng. Các dự án của các doanh nghiệp công nghệ cao của nước ngoài (như Nissan Techno, Noble...) và các Tập đoàn lớn trong nước (như VNPT, Viettel, FPT...) đã đi vào hoạt động và có những đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế đất nước.
Phối cảnh Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội
Trong 6 tháng đầu năm 2017, Khu CNC Hòa Lạc đón nhận tín hiệu tốt khi một loạt doanh nghiệp lớn trong và nước ngoài đến nghiên cứu đầu tư tại đây, tiêu biểu trong số đó là Tập đoàn Nidec, Nhật Bản. Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam diễn ra tại Nhật Bản ngày 5.6 vừa qua, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung và Tập đoàn Nidec đã trao bản ký kết ghi nhớ hợp tác chiến lược đầu tư vào Khu CNC Hòa Lạc. Theo đó, Tập đoàn Nidec đề xuất nghiên cứu đầu tư một số dự án sản xuất và nghiên cứu các sản phẩm mô-tơ và bộ dẫn động tiết kiệm năng lượng… với tổng vốn đầu tư khoảng 500 triệu USD tại Khu CNC Hòa Lạc, dự kiến triển khai xây dựng đầu năm 2018. Ngoài ra, có một loạt các công ty lớn khác đã và đang thực hiện các thủ tục đầu tư vào Khu CNC Hòa Lạc như: Công ty TNHH Hanwha Techwin (Hàn Quốc) đầu tư hơn 200 triệu USD để sản xuất các bộ phận và linh kiện của động cơ máy bay và các bộ phận và linh kiện của động cơ gas tuabin công nghiệp cung cấp cho các khách hàng lớn như Rolls Royce, Pratt & Whitney; Công ty Kannametal (Hoa Kỳ), Công ty DT&C (Hàn Quốc), Công ty Samwha (Hàn Quốc)...
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản vừa qua của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đại diện Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản đã ký kết Hiệp định vay vốn trị giá 12,8 tỷ Yên Nhật (khoảng 116,5 trệu USD) thuộc tài khóa 2016 cho dự án Phát triển cơ sở hạ tầng Khu CNC Hòa Lạc. Tiếp đó, trong tuyên bố chung Việt Nam - Nhật Bản, người đứng đầu Chính phủ hai nước nhất trí về việc Nhật Bản sẽ tiếp tục hợp tác phát triển dự án Khu CNC Hòa Lạc.
Tiếp tục hoàn thiện cơ chế thu hút đầu tư
“Đây là những kết quả ban đầu sau một thời gian dài chúng tôi nỗ lực giải quyết những khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, phát triển hạ tầng cũng như các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư”, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Đại Dương chia sẻ. Để tiếp tục xây dựng và phát triển Khu CNC Hòa Lạc thành một thành phố thông minh với môi trường đầu tư thuận lợi nhất, Thứ trưởng Phạm Đại Dương cho biết: Ban Quản lý Khu CNC đang phối hợp với các cơ quan liên quan trình Chính phủ ban hành Nghị định về cơ chế chính sách đặc thù cho Khu CNC Hòa Lạc để tháo gỡ những khó khăn, tạo đà cho sự bứt phá trong giai đoạn tới. Cụ thể là, các chính sách ưu đãi đối với các dự án đầu tư; xây dựng chính sách ưu đãi về thu nhập và điều kiện làm việc để thu hút các nhà khoa học và các nhà phát triển công nghệ xuất sắc làm việc tại các cơ sở nghiên cứu, hỗ trợ nghiên cứu, phòng thí nghiệm. Điều này phần lớn đã được giải quyết trong chuyến thăm và làm việc tại Khu CNC Hòa Lạc ngày 16.2 vừa qua của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Người đứng đầu Chính phủ khẳng định Khu CNC Hòa Lạc không đơn thuần là một khu công nghệ mà là một hình mẫu của nền kinh tế Việt Nam thu nhỏ trong tương lai và Chính phủ sẽ sớm ban hành Nghị định về cơ chế chính sách đặc thù cho Khu CNC Hòa Lạc, tạo nền tảng quan trọng cho sự phát triển của Khu CNC quốc gia này.
Bên cạnh đó là việc ban hành trình tự, thủ tục đầu tư vào Khu CNC Hòa Lạc; xây dựng lộ trình và kế hoạch xúc tiến đầu tư cho giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 để bảo đảm thủ tục đơn giản, rõ ràng, minh bạch, hướng tới chuyên nghiệp trong quản lý các dự án đầu tư, đồng thời bám sát chủ trương “3 đồng hành, 5 hỗ trợ” đối với doanh nghiệp của Thủ tướng Chính phủ. “Những dự án đã và đang được đầu tư, đặc biệt những dự án CNC mang tầm vóc lớn sẽ là bước tạo đà để Khu CNC Hòa Lạc bứt phá nhanh hơn, hiệu quả hơn trong tương lai, giữ vai trò quan trọng trong quá trình Việt Nam bắt đầu tiến vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cuộc cách mạng công nghiệp của trí tuệ nhân tạo, in 3D, công nghệ tự động thế hệ mới, năng lượng mới, công nghệ ảo và IoT.”, Thứ trưởng Phạm Đại Dương cho biết thêm.
Nguồn: daibieunhandan.vn
Các bài viết khác
- • Việt Nam đứng thứ 3 Đông Nam Á về ‘Chỉ số sáng tạo’
- • Khởi động chương trình Tăng tốc khởi nghiệp 2017
- • FPT là doanh nghiệp công nghệ hiệu quả nhất Việt Nam
- • TỌA ĐÀM: VAI TRÒ SHTT VỚI DOANH NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO: XU HƯỚNG CÔNG NGHỆ VÀ CÁCH THỨC KHAI THÁC
- • Hình ảnh Thủ tướng thăm nhà máy của Tập đoàn Nidec, Nhật Bản
- • Ký kết hiệp định vay trị giá 116,5 triệu USD đầu tư cho khu công nghệ cao Hòa Lạc
- • Tập đoàn Nidec nghiên cứu đầu tư 500 triệu đô la vào Khu CNC Hòa Lạc
- • Việt Nam - Nhật Bản: Nhiều hoạt động ký kết hợp tác, tiếp xúc song phương thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực KH&CN
- • Hơn 12 tỷ Yên vốn vay ODA cho Khu Công nghệ cao Hòa Lạc
- • Việt-Nhật thúc đẩy nhiều lợi ích chiến lược tương đồng