Nhật ‘vượt mặt’ Mỹ, Trung sở hữu siêu máy tính nhanh nhất thế giới

23:59 - 22/06/2020

Không chỉ “thống trị” về tốc độ xử lý, siêu máy tính Fugaku còn chiếm lĩnh các vị trí hàng đầu trong 3 hạng mục khác liên quan tới ứng dụng trong công nghiệp, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và phân tích dữ liệu lớn (big data).
Máy tính Fugaku tại Viện nghiên cứu Riken - Ảnh: EPA

Máy tính Fugaku, phiên bản siêu máy tính mới nhất do Viện nghiên cứu Riken, Nhật Bản phát triển đã được Dự án Mỹ-châu Âu TOP500 xếp hạng là máy tính có tốc độ xử lý nhanh nhất thế giới. Đây là lần đầu tiên trong vòng 9 năm qua, một siêu máy tính của Nhật Bản có được vị trí dẫn đầu này.

Fugaku có thể đạt tốc độ 530 petaflop, với một petaflop bằng một triệu tỉ phép tính/giây. Tốc độ này tương đương dân số 7 tỉ người trên toàn cầu chia nhau làm một phép tính/giây liên tục trong 2 năm liền. Tốc độ kỷ lục này cao gấp đôi so với siêu máy tính nhanh nhất thế giới hiện nay là Summit của IBM (Mỹ) có tốc độ 200 petaflop.

Không chỉ thống trị về tốc độ xử lý, siêu máy tính Fugaku còn chiếm lĩnh các vị trí hàng đầu trong 3 hạng mục khác liên quan tới ứng dụng trong công nghiệp, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và phân tích dữ liệu lớn (big data). Theo Viện nghiên cứu Riken, đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử một siêu máy tính có được vị trí số 1 trong cả 4 hạng mục nêu trên.

Hệ thống siêu máy tính Summit của Mỹ đứng thứ 2 trong bảng xếp hạng lần này. Đứng thứ 3 tiếp tục là một siêu máy tính khác của Mỹ là Sierra. Trong khi đó, đứng thứ 4 và 5 là 2 siêu máy tính của Trung Quốc.

Fugaku cũng là siêu máy tính đầu tiên của Nhật Bản lọt Tốp 10 của bảng xếp hạng 500 máy tính nhanh nhất thế giới. Siêu máy tính này dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động trọn vẹn từ tháng 4/2021. Fugaku cũng hứa hẹn hỗ trợ đáng kể cho nền kinh tế cũng như an ninh quốc gia Nhật.

Hiện một bộ phận của Fugaku đang hoạt động nhằm hỗ trợ cuộc chiến chống COVID-19 khi phân tích khả năng phát tán của các giọt bắn chứa virus từ đường hô hấp của bệnh nhân. Theo Đài NHK, bằng phương pháp mô phỏng, siêu máy tính này chỉ ra rằng vách ngăn giữa các bàn làm việc trong văn phòng nên cao hơn vị trí đầu nhân viên khi ngồi nhằm ngăn chặn phần lớn các giọt bắn.

Một mô phỏng khác phân tích dòng không khí trong tàu điện di chuyển tốc độ 80 km/giờ và mở cửa sổ. Kết quả cho thấy nếu tàu đầy khách trong giờ cao điểm, việc mở cửa sổ cũng không giúp ngăn ngừa lây nhiễm COVID-19. Dự kiến, nhóm nghiên cứu sẽ đưa ra khuyến cáo chính thức vào tháng 7. Chưa hết, Fugaku đang tham gia một nghiên cứu nhằm tìm ra các loại thuốc có khả năng điều trị cho bệnh nhân COVID-19.

Nguồn: www.chinhphu.vn

Các bài viết khác