Tổng giá trị đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam trong 03 năm 2023-2025 dự kiến sẽ đạt 5 tỷ USD

19:37 - 19/12/2022

Ngày 19/12/2022, tại Hà Nội, đã diễn ra Diễn đàn Quỹ đầu tư Khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam 2022 (Vietnam Venture Summit 2022) với chủ đề Dịch chuyển dòng vốn toàn cầu nhằm kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Đông Nam Á với cộng đồng các quỹ đầu tư quốc tế và khu vực.


Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và các đại biểu thực hiện nghi thức Rung chuông để kết nối, thúc đẩy
hoạt động khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam.

Dịch chuyển dòng vốn toàn cầu đã được lựa chọn là chủ đề cho diễn đàn năm 2022 trong bối cảnh xu hướng đầu tư toàn cầu có nhiều thay đổi sâu sắc do chịu ảnh hưởng từ những biến động địa chính trị và khả năng suy thoái hiện hữu tại nhiều nền kinh tế lớn. Sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư đã và đang diễn ra mạnh mẽ giữa các khu vực và quốc gia, trong đó các cơ hội đầu tư đang càng trở nên khó khăn hơn đối với cả các startups và các nhà đầu tư.

Đến nay, Diễn đàn đã trở thành hoạt động thường niên và hết sức có ý nghĩa trong việc kết nối giữa các quỹ đầu tư, nhà đầu tư với startups, tạo nên sự tương tác, hợp tác bền vững để thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn.

Trong khuôn khổ Diễn đàn đã diễn ra phiên chuyên đề và phiên tọa đàm, các diễn giả đã đưa ra những nhận định, đánh giá về xu hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo trên toàn cầu và khu vực Đông Nam Á. Trong đó, Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo trên toàn cầu. Điều này thể hiện rất rõ qua giá trị vốn đầu tư khởi nghiệp trong 2 năm 2020 và 2021 đạt gần 2 tỷ USD, vượt số vốn mà các quỹ đầu tư đã cam kết tại diễn đàn 2020.

Đặc biệt, Diễn đàn đã được nghe công bố số vốn cam kết đầu tư của 39 quỹ đầu tư giai đoạn 2023-2025 là 1,5 tỷ Đô la. Tổng giá trị đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam trong 03 năm 2023-2025 dự kiến sẽ đạt 5 tỷ Đô la. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và đại diện các chủ thể hệ sinh thái: lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương; khối quản lý trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo; khối doanh nghiệp, tập đoàn, starups; khối viện trường; cộng đồng quỹ đầu tư, các tổ chức tài chính trong nước và quốc tế; các tổ chức, ươm tạo đổi mới sáng tạo; đại diện mạng lưới đổi mới sáng tạo… đã thực hiện nghi thức rung chuông, khẳng định sự tin tưởng và chào đón những cơ hội phát triển mạnh mẽ của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam trong tương lai.


Bà Thái Vân Linh, Giám đốc điều hành Skills Bridge, Cố vấn Openspace Ventures điều hành phiên Tọa đàm Xu hướng đầu tư toàn cầu và những cơ hội cho thị trường Đông Nam Á.

Trong khuôn khổ Diễn đàn đã diễn ra thảo luận chuyên đề và phiên tọa đàm. Tại các phiên này, các diễn giả đã đưa ra những nhận định, đánh giá về xu hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo trên toàn cầu và khu vực Đông Nam Á. Trong đó, Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo trên toàn cầu. Điều này thể hiện rất rõ qua giá trị vốn đầu tư khởi nghiệp trong 2 năm 2020 và năm 2021 đạt gần 2 tỷ USD, vượt số vốn mà các quỹ đầu tư đã cam kết tại Diễn đàn năm 2020.

Phát biểu tại Diễn đàn, các chuyên gia, doanh nghiệp chia sẻ các quan điểm thẳng thắn về đầu tư, tạo mối quan hệ mật thiết giữa các quỹ đầu tư và doanh nghiệp, đề xuất các chính sách cho Chính phủ Việt Nam nhằm khơi thông nguồn vốn đầu tư mạo hiểm, tạo môi trường đầu tư thuận lợi và minh bạch, thúc đẩy hoạt động đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo theo hướng bền vững. Đồng thời bày tỏ mong muốn được đóng góp vì một Việt Nam tốt đẹp hơn và cho rằng, với những chính sách kịp thời, hợp lý, Việt Nam sẽ đạt nhiều thành công trong các lĩnh vực công nghệ, tiến ra thị trường quốc tế trong tương lai.

Các ý kiến cũng nhấn mạnh, yếu tố khiến Việt Nam trở thành điểm sáng thu hút đầu tư bao gồm sự ổn định về chính trị, lực lượng lao động trẻ và có trình độ học vấn cao, cơ sở hạ tầng phát triển, kỹ năng số hóa và khả năng đổi mới sáng tạo… Bên cạnh đó, Việt Nam được xem là “đất lành” cho dòng vốn FDI chất lượng cao, các doanh nghiệp quốc tế lớn đang tìm kiếm cơ hội đầu tư nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng; trở thành một trong những ứng cử viên sáng giá đón dòng vốn dịch chuyển này.


Thứ trưởng Trần Duy Đông phát biểu bế mạc Diễn đàn. 

Phát biểu kết luận phiên buổi sáng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông nhấn mạnh, với những thành tựu quan trọng trong quá trình phát triển, Việt Nam được cộng đồng quốc tế nhìn nhận, đánh giá là một nền kinh tế năng động, hội nhập sâu rộng, vói những cải cách và mở cửa. Để tiếp nối được những kết quả đã đạt được cũng như đảm bảo một tương lai phát triển nhanh, bền vững, nhất là trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang diễn ra mạnh mẽ, Việt Nam kiên định đường lối đổi mới, cải cách và phát triển, chủ động và tích cực cơ cấu lại nền kinh tế đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, coi khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực quan trọng, là chìa khóa của tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững.

Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, để tận dụng kịp thời và hiệu quả những thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cho sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước, Việt Nam đã có những chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng này với những định hướng, chính sách về hoàn thiện thể chế cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới sáng tạo; những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như nâng cao nhận thức, hoàn thiện cơ chế chính sách, kiện toàn hạ tầng công nghệ thông tin, kiện toàn chính sách về giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân nguồn lực; đặc biệt là chủ trương cho phép áp dụng thử nghiệm các cơ chế, chính sách đặc thù cho đổi mới sáng tạo.

Đánh giá được tiềm năng, triển vọng của thị trường Việt Nam, thông qua Diễn đàn, các quỹ đầu tư lớn đều thể hiện sự quan tâm đặc biệt với thị trường vốn cho khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam; đánh giá Việt Nam cùng với Xinh-ga-po, In-đô-nê-xi-a là tam giác dẫn đầu khu vực về thu hút đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo. Đặc biệt, thành công quan trọng của Diễn đàn lần này là đã tập hợp và kết nối được trí tuệ, nguồn lực từ các bên tham gia để tạo lập sự hợp tác trong hoạt động khởi nghiệp sáng tạo nhằm tạo ra các sản phẩm hữu ích, đặc biệt là sản phẩm công nghệ số mang đến những lợi ích vượt trội cho xã hội và đóng góp lớn cho phát triển kinh tế đất nước. Điều này đã được khẳng định qua sự tham gia của đông đảo các đại biểu là đại diện cho các chủ thể của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo như quỹ đầu tư, doanh nghiệp lớn, startups, viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức hỗ trợ và các cơ quan nhà nước tại Lễ công bố vốn đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo tại Diễn đàn.

Thời gian vừa qua, có thể thấy, hoạt động khởi nghiệp có đặc thù là rất nhạy cảm với các biến động và nhu cầu thị trường; cũng có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp gặp khó khăn nhưng cũng có những doanh nghiệp lại tiếp tục phát triển và thành công nhờ sản phẩm công nghệ phù hợp. Nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước là phải thích ứng kịp thời và luôn có phương án để hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển.

Diễn đàn sẽ là cơ hội để các quỹ đầu tư, doanh nghiệp phản ánh những khó khăn, vướng mắc và đề xuất về các cơ chế, chính sách khơi thông nguồn vốn đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, nghiên cứu xây dựng các mô hình mới về đầu tư mạo hiểm, gọi vốn cộng đồng và cơ chế ưu đãi, khuyến khích cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Thứ trưởng Trần Duy Đông khẳng định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổng hợp ý kiến tại Diễn đàn và sẽ phối hợp với các bộ, ngành để báo cáo Chính phủ và cơ quan có thẩm quyền để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các dòng vốn đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam./.

Nguồn: www.mpi.gov.vn

Các bài viết khác