Tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện giảm thuế GTGT xuống 8%
Để tháo gỡ các vướng mắc trong việc lập hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế GTGT xuống 8%, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Nghị định sửa đổi khoản 4 Điều 1 Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 quy định chính sách miễn, giảm thuế GTGT.
Tháo gỡ vướng mắc trong lập hóa đơn thuế GTGT
Ngày 28/01/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi phát triển kinh tế -xã hội.
Theo đó, về thuế giá trị gia tăng (GTGT), giảm 2% thuế suất thuế GTGT từ ngày 01/02/2022 đến hết ngày 31/12/2022 đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 10% (còn 8%) trừ một số hàng hóa, dịch vụ.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Nghị định 15, Bộ Tài chính nhận được một số phản ánh của các Cục Thuế, doanh nghiệp (DN) và một số cơ quan báo chí phản ánh vướng mắc về quy định tại khoản 4 Điều 1 Nghị định 15 về việc lập hóa đơn riêng đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế GTGT.
Theo đó, việc quy định phải lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ thuộc đổi tượng giảm thuế GTGT thì mới được áp dụng thuế suất 8% theo phản ánh của DN là làm tăng chi phí của DN (tăng chi phí thời gian của kế toán và chi phí sử dụng hóa đơn) vì đối với cùng một khách hàng, thay vì lập 01 hóa đơn ghi nhiều thuế suất khác nhau (5%, 8%, 10%) thì DN phải lập 02 hóa đơn: 01 hóa đơn ghi thuế suất 8% và 01 hóa đơn ghi các thuế suất khác (5%, 10%).
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, hệ thống siêu thị Coopmart phản ánh trong một ngày hệ thống sử dụng trên 10.000 hóa đơn điện tử, phần mềm hóa đơn điện tử cho phép tách riêng nhiều thuế suất trên 01 hóa đơn, các siêu thị đã xuất hóa đơn điện tử ghi nhiều mức thuế suất khác nhau nay phải tách riêng thì rất tốn kém chi phí của DN.
Đối với các DN kinh doanh theo hình thức siêu thị, trung tâm thương mại, các đại lý vận tải biển có phát sinh các khoản thu hộ cước vận tải... cũng gặp những khó khăn tương tự.
Trước các vướng mắc này, cuối tháng 2/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cũng đã giao Bộ Tài chính theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền khẩn trương xem xét các kiến nghị, phản ánh vướng mắc của Hiệp hội, doanh nghiệp, người dẫn nêu trên để có hướng dẫn, giải thích kịp thời.
Tháo gỡ vướng mắc trong lập hóa đơn thuế GTGT
Để tháo gỡ các vướng mắc trong việc lập hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế GTGT, đảm bảo phù hợp với các nội dung trên hóa đơn, dự thảo Nghị định sửa đổi khoản 4 Điều 1 của Nghị định số 15/2022/NĐ-CP như sau:
"Trường hợp cơ sở kinh doanh bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ áp dụng các mức thuế suất khác nhau thì trên hóa đơn phải ghi rõ thuế suất hoặc mức tỷ lệ % tính thuế GTGT được giảm của từng hàng hóa, dịch vụ theo quy định tại khoản 3 Điều này."
Để nhanh chóng giải quyết vướng mắc trong thực hiện, Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi khoản 4 Điều 1 Nghị định số 15/2022/NĐ-CP theo thủ tục, trình tự rút gọn.
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ.
Nguồn: www.chinhphu.vn
Các bài viết khác
- • Đề xuất bổ sung quy định đấu giá quyền sử dụng đất
- • Đề xuất tiếp tục gia hạn thuế, tiền thuê đất cho doanh nghiệp
- • Đề xuất sửa đổi, bổ sung 6 Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai
- • Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, chuyển giao và đổi mới công nghệ
- • Mô hình và cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển khu công nghệ cao Việt Nam
- • Kết nối và chia sẻ thông tin trong lĩnh vực xuất nhập khẩu
- • Đề nghị kết nối các tuyến buýt vào khu dự án Đại học Quốc gia tại Hòa Lạc
- • Đề xuất mới về cấp phép nhập khẩu sản phẩm an toàn thông tin mạng
- • Ban hành hệ số điều chỉnh giá đất năm 2022 tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc
- • Thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ