Tháo gỡ pháp lý, tạo đà cho khu công nghệ cao
Nhiều quy định đã không còn phù hợp
Theo Bộ KH&CN, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách thúc đẩy phát triển các khu công nghệ cao như: Nghị định số 99/2003/NĐ-CP ban hành Quy chế Khu công nghệ cao; Quyết định số 53/2004/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích đầu tư tại khu công nghệ cao...
Đặc biệt, sự ra đời của Luật Công nghệ cao năm 2008 đã thể chế hóa các chính sách lớn về ứng dụng và phát triển công nghệ cao ở nước ta. Qua đó bước đầu tạo được hành lang pháp lý cơ bản cho hoạt động xây dựng và phát triển khu công nghệ cao; các hoạt động đầu tư, hoạt động khoa học và công nghệ, ươm tạo, đào tạo nhân lực công nghệ cao, thương mại hóa công nghệ cao…
Tuy nhiên, đến nay, quy định tại các văn bản nói trên có nhiều điểm không còn phù hợp và không theo kịp với thực tiễn phát triển của các khu công nghệ cao trong cả nước.
Theo Vụ Công nghệ cao (Bộ KH&CN), hiện rất nhiều quy định tại Nghị định số 99/2003/NĐ-CP bị phủ hoặc bị hết hiệu lực do các quy định mới của pháp luật chuyên ngành như: Quy hoạch, đầu tư, xây dựng, đất đai, thuế… rất nhiều vấn đề bất cập phát sinh, cũng như các đòi hỏi mới từ thực tiễn triển khai.
Một trong những vấn đề đang đặt ra đó là việc thu hút nguồn lực từ xã hội để đầu tư hạ tầng cho các khu công nghệ cao quốc gia. Một mặt, ngân sách nhà nước không thể đáp ứng nhu cầu vốn để phát triển các khu công nghệ cao nên cần phải thu hút nguồn lực xã hội. Một mặt nhà nước vẫn cần quản lý các tiêu chí xác định các dự án đầu tư vào các khu công nghệ cao để bảo đảm mục tiêu khuyến khích phát triển công nghệ cao và chống thất thoát các ưu đãi đối với các doanh nghiệp, dự án trong khu công nghệ cao.
Song song đó là sự cần thiết phải thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và phát triển trong các khu công nghệ cao để nơi đây không chỉ là nơi sản xuất công nghệ cao, mà còn là nơi nghiên cứu, ươm tạo công nghệ cao.
Ngoài ra, một thực tế phát sinh là đến nay có 5 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được Thủ tướng Chính phủ thành lập, Điều 32 của Luật Công nghệ cao có quy định về Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng và phát triển các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Kể từ khi Luật Công nghệ cao được ban hành năm 2008, cho đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về đầu tư, phát triển và quản lý đối với khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Điều này đã gây nên nhiều bất cập trong các hoạt động quản lý.
Gần đây, để giải quyết các vướng mắc trong quá trình triển khai xây dựng và vận hành các khu công nghệ cao, căn cứ những vấn đề có tính chất đặc thù đối với từng khu công nghệ cao khác nhau, Bộ KH&CN đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành các cơ chế chính sách riêng đối với Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (Nghị định số 74/2017/NĐ-CP ngày 20/6/2017) và Khu Công nghệ cao Đà Nẵng (Nghị định số 04/2018/NĐ-CP ngày 04/01/2018).
Tuy nhiên, việc xây dựng các Nghị định đặc thù chỉ được xem là giải pháp tình thế nhằm giải quyết một số vấn đề riêng đối với các khu công nghệ cao trên, không giải quyết được những hạn chế, vướng mắc đang tồn tại đối với các khu công nghệ cao và các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên cả nước.
Trong bối cảnh quốc tế và trong nước hiện nay đang có nhiều chuyển biến với những cơ hội và thách thức rất khác biệt so với giai đoạn trước đây, việc xây dựng, trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định quy định về khu công nghệ cao, bao gồm khu công nghệ cao và khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhằm tạo khung pháp lý cho hoạt động của các khu công nghệ cao là cần thiết và cấp thiết, bảo đảm phù hợp với quy định của các luật mới được ban hành có liên quan, khắc phục được những tồn tại, hạn chế trong quá trình phát triển các khu công nghệ cao trong thời gian qua, tạo điều kiện thuận lợi để các khu công nghệ cao phát triển hiệu quả và bền vững trong thời gian tới.
Kỳ vọng từ dự thảo Nghị định mới
Ông Nguyễn Lê Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao cho biết, một nội dung điều chỉnh lớn tại dự thảo Nghị định là việc bổ sung đối tượng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị định (tại thời điểm ban hành Nghị định 99/2003/NĐ-CP chưa có loại hình khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao).
Ngoài ra, Bộ KH&CN cũng đặt kỳ vọng giải quyết 4 nhóm vấn đề trong dự thảo Nghị định mới. Thứ nhất là xác định quy trình cụ thể liên quan đến quy hoạch, thành lập, mở rộng, đầu tư xây dựng khu công nghệ cao.
Nghị định số 99/2003/NĐ-CP trước đây không có nội dung quy định hướng dẫn cụ thể về việc thành lập, mở rộng khu công nghệ cao, Luật Công nghệ cao chỉ quy định một số nội dung khái quát về thành lập khu công nghệ cao, không có quy định về mở rộng khu công nghệ cao. Nhưng thực tiễn cho thấy như Khu Công nghệ cao TPHCM đã "đầy" và thậm chí là đang đòi hỏi phải mở rộng, xây mới thêm.
Vì vậy, các nội dung về điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ thành lập, mở rộng khu công nghệ cao là các nội dung mới xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho việc thành lập khu công nghệ cao mới cũng như mở rộng các khu công nghệ cao hiện hữu.
Thứ hai là các nhóm chính sách đối với đầu tư, xây dựng và phát triển khu công nghệ cao.
Trong dự thảo Nghị định, các chính sách trên được đề xuất thành các nhóm khác nhau căn cứ quy định của pháp luật chuyên ngành về đầu tư công, ngân sách nhà nước, đầu tư, xây dựng, quy hoạch, đất đai, lao động, môi trường, an ninh trật tự… bao gồm: Nhóm chính sách về đầu tư xây dựng và phát triển khu công nghệ cao; nhóm chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư; nhóm các sách khác.
Những nhóm chính sách nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất để thu hút đầu tư. Bởi nếu hành lang pháp lý không đầy đủ, không tạo thuận lợi cho các khu công nghệ cao thì sẽ dẫn tới một trong 2 tình trạng: Cố thu hút đầu tư nhưng sau này có thể vi phạm các quy định của pháp luật; hoặc là không thu hút được và nảy sinh nhiều dự án treo.
Vì vậy, để thể hiện một cách tổng thể, có hệ thống các cơ chế, chính sách ưu đãi, giúp nhà đầu tư thuận tiện trong việc tìm hiểu, tiếp cận chính sách, dự thảo Nghị định quy định lại một số chính sách ưu đãi đã được quy định rải rác tại các Nghị định khác của Chính phủ.
Dự thảo Nghị định cũng quy định các chính sách đối với hoạt động nghiên cứu phát triển công nghệ cao, ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao và đào tạo nhân lực công nghệ cao, chính sách đối với doanh nghiệp chế xuất trong khu công nghệ cao trên cơ sở thực tiễn quy định và triển khai tại các khu công nghiệp.
Thứ ba là các hoạt động công nghệ cao trong khu công nghệ cao. Dự thảo Nghị định đã cụ thể hóa quy định liên quan đến các hoạt động công nghệ cao trong khu công nghệ cao. Đây là các quy định có tính chất đặc thù nhằm phân biệt khu công nghệ cao với một số loại hình khu khác như khu công nghiệp, khu kinh tế… trong đó nhấn mạnh yếu tố liên quan đến khoa học và công nghệ, công nghệ cao.
Tại dự thảo Nghị định, việc cụ thể hóa các loại hình hoạt động (các hoạt động này thể hiện dưới hình thức dự án đầu tư) cũng như làm rõ khung tiêu chí và tiêu chí cụ thể với một số loại hình sẽ đảm bảo đủ hành lang pháp lý thu hút đầu tư cho các loại hình dự án khác nhau vào khu công nghệ cao phục vụ mục tiêu phát triển khu công nghệ cao.
Các quy định về hoạt động công nghệ cao nhằm xác định rõ các hoạt động này phù hợp triển khai trong khu công nghệ cao. Theo đó, dự thảo Nghị định đồng thời quy định một số loại hình dự án đầu tư cụ thể trong khu công nghệ cao phải đáp ứng các nguyên tắc và tiêu chí tương ứng khi đầu tư trong khu công nghệ cao.
Thứ tư là nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với khu công nghệ cao.
Hiện nay, Ban Quản lý khu công nghệ cao chưa có đầy đủ thẩm quyền để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quản lý nhằm đẩy nhanh sự phát triển khu công nghệ cao, đặc biệt khi phải chịu trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên địa bàn khu công nghệ cao, bao gồm: Quy hoạch, xây dựng, môi trường, đầu tư, lao động, an ninh trật tự … Ban Quản lý hiện chỉ được một số bộ, ngành, địa phương ủy quyền trên một số mặt nên công tác quản lý chưa toàn diện, chưa thực hiện được cơ chế một cửa trong việc giải quyết các thủ tục hành chính.
Theo dự thảo Nghị định, việc phân cấp, ủy quyền của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh cho Ban quản lý khu công nghệ cao được thực hiện theo nguyên tắc đảm bảo sự ổn định, tạo điều kiện thực hiện cơ chế hành chính "một cửa tại chỗ", hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong khu công nghệ cao nhưng đồng thời phải phù hợp với năng lực, trình độ tổ chức của Ban quản lý khu công nghệ cao.
Về nhiệm vụ, quyền hạn của Ban quản lý khu công nghệ cao, dự thảo Nghị định quy định các nội dung liên quan đến đầy đủ các lĩnh vực tài chính, quy hoạch và xây dựng, đất đai, đầu tư, khoa học và công nghệ, bảo vệ môi trường, lao động, an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, thanh tra, kiểm tra, giám sát…
Tuy nhiên, ông Nguyễn Lê Hùng đánh giá, việc xây dựng một Nghị định chung cho các khu công nghệ cao là một việc khó, phức tạp. Bởi các nội dung quản lý nhà nước đối với khu công nghệ rất rộng, bao phủ rất nhiều lĩnh vực thuộc phạm vi điều chỉnh của nhiều pháp luật chuyên ngành khác nhau nên sẽ vẫn còn nhiều nội dung chưa giải quyết được trong Nghị định này. Bộ KH&CN sẽ tiếp tục xây dựng báo cáo, đề xuất các giải pháp, chính sách nhằm tạo ra hành lang pháp lý đủ mạnh cho hoạt động của các khu công nghệ cao.
Nguồn: chinhphu.vn
Các bài viết khác
- • Thủ tướng: Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia phải trở thành nơi 'hội tụ trí tuệ, lan toả lợi ích'
- • 24 đơn vị thành viên, trực thuộc ĐHQGHN chuyển trụ sở làm việc tới Hòa Lạc
- • Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin Pyo tham dự Lễ Khánh thành trụ sở Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc
- • Tiêu chí xác định linh kiện được miễn thuế nhập khẩu sản xuất sản phẩm CNTT
- • Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc: Kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo đơn vị trực thuộc
- • Quy định về hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học
- • Cho phép kéo dài thời hạn nộp hồ sơ xin miễn tiền thuê đất đến hết 31/12/2024
- • Lễ tổng kết Dự án “Hợp tác xây dựng Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc tại Việt Nam” (Dự án VKIST)
- • Hội nghị triển khai nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo năm 2023
- • Hoàn thiện khung pháp lý phát triển các khu công nghệ cao