Tạo sóng đầu tư vào Khu công nghệ cao Hòa Lạc
Nhằm tăng thu hút đầu tư vào Khu công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc, năm 2014, bên cạnh việc hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng, sẽ có chính sách ưu đãi đặc biệt riêng cho khu công nghệ cao này.
Gỡ khó cho doanh nghiệp
Ra đời từ tháng 10/1998, Khu CNC Hòa Lạc được đặt nhiều kỳ vọng sẽ trở thành một đô thị về công nghệ cao giống như Silicon Valley của Mỹ, nhằm đẩy mạnh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước và thực hiện vai trò cầu nối tiếp nhận chuyển giao, tiến tới sáng tạo các công nghệ cao mới.
Đến nay, Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 70 dự án với tổng số vốn đăng ký hơn 54.000 tỷ đồng trên diện tích 345,74 ha. Không chỉ có các doanh nghiệp Việt Nam, mà nhiều doanh nghiệp nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Đài Loan, Trung Quốc... cũng đã đến nghiên cứu cơ hội đầu tư ở đây. Sự khởi sắc đã thấy rõ qua những dự án công nghệ hiện đại đang được đầu tư của các tập đoàn lớn như FPT, Viettel, Công ty liên doanh y học Việt - Hàn (Vikomed), Tập đoàn Noble (Nhật Bản)…
Ông Trần Ngọc Liêm, Chủ tịch HĐQT Công ty liên doanh Y học Việt Hàn (Vikomed), một doanh nghiệp sớm hoạt động tại Khu CNC Hòa Lạc cho biết, Vikomed đã nhận được sự ưu đãi tối đa từ Ban quản lý Khu CNC Hòa Lạc ngay từ những ngày đầu thành lập, đặc biệt trong việc cấp phép đầu tư, cấp đất. Mọi thủ tục hoàn thành nhanh gọn trong một tháng mà không cần phải qua bất cứ một công ty tư vấn nào.
Bên cạnh đó, sự xuất hiện của các trường đại học công nghệ cao tại Khu CNC Hòa Lạc như Đại học FPT, Trường Đại học Khoa học Công nghệ Hà Nội, Đại học Việt - Nhật… hứa hẹn tạo lợi thế cho các nhà đầu tư tại Khu CNC Hoà Lạc có thể tuyển dụng được những kỹ sư, lập trình viên có trình độ cao ngay tại chỗ.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, một số nhà đầu tư như Tập đoàn FPT, Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội… đang “than phiền” về tốc độ giải phóng mặt bằng tại Khu CNC Hòa Lạc còn chậm, khiến nhiều dự án chưa thể triển khai. Tính đến nay, sau 15 năm, mặt bằng được giải phóng mới là 911 ha trên tổng diện tích 1.586 ha (đạt 57,4%). Bên cạnh đó, còn các vướng mắc như điều kiện sinh hoạt khó khăn, chưa có nước sạch của thành phố, chưa có nhà ở để tạo điều kiện cho cán bộ nhân viên làm việc tại đây.
Tập đoàn FPT đang đầu tư 4 dự án tại Khu CNC Hòa Lạc, đầu tiên là Đại học FPT. Giai đoạn I (năm 2009 - 2011), FPT đầu tư xây dựng xong trên diện tích 9 ha, hiện có 2.000 sinh viên đang học tập. Tuy nhiên, khi Đại học FPT chuyển sang giai đoạn II (2012-2015), muốn xây thêm hơn 20 ha để đáp ứng nhu cầu cho 7.000 sinh viên, nhưng không thể triển khai do gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng.
Một vấn đề nữa, theo ông Trần Ngọc Liêm, Vikomed cũng gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Việt Nam, nên hiện nay, đang phải vay vốn hỗ trợ của Hàn Quốc (lãi suất 2-3%/năm). Vikomed cũng chưa nhận được đơn “đặt hàng” nào của Nhà nước mà chủ yếu vẫn phải tự đi tiếp thị, quảng bá cho các sản phẩm của mình….Vì vậy, để giải quyết thực trạng trên, năm 2014, Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc đã đề ra những giải pháp nhằm gỡ khó cho DN.
Cải thiện môi trường đầu tư
Theo ông Phạm Đại Dương, Trưởng Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc, Ban quản lý sẽ tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng và cải thiện môi trường đầu tư. Việc giải phóng mặt bằng sẽ cố gắng hoàn tất trong năm nay. Ban quản lý đã trình Chính phủ và dự kiến trong quý I/2014, Thủ tướng sẽ ban hành các chính sách ưu đãi đặc biệt cho Khu CNC Hòa Lạc, như các chính sách thuê đất, các loại thuế: thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT, thuế xuất nhập khẩu linh kiện, nguyên liệu… sẽ được ưu đãi hơn các khu CNC khác trên toàn quốc.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Văn Lạng nhận định, khi các hạ tầng kỹ thuật được hoàn thiện, đến năm 2016, thu hút đầu tư vào Khu CNC Hòa Lạc sẽ thực sự “nóng” và từ năm 2017 trở đi, khu vực này sẽ hoàn toàn thay đổi, trở thành thành phố khoa học đầu tiên của cả nước. Thành phố đó bao gồm tất cả khu tiện ích xã hội, nhà ở, chung cư, bệnh viện, trường học, nhà hàng, trung tâm, khu thể thao, nhiều chục viện nghiên cứu và các khu công nghệ phần mềm hoạt động.../.
Theo Quyết định số 621/QĐ-TTg ngày 25/3/2008 của Thủ tướng, Khu CNC Hòa Lạc được xây dựng như một thành phố khoa học với nhiều chục nghìn người làm việc, trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, cơ điện tử, công nghệ Nano…Dự kiến, đến năm 2015 về cơ bản sẽ hoàn thành hạ tầng kỹ thuật chính, đến năm 2020 sẽ hoàn thành đồng bộ hạ tầng và đưa Khu CNC Hòa Lạc vào hoạt động ổn định.
Nguồn: ven.vn
Các bài viết khác
- • Khởi động siêu dự án đường sắt đô thị 60.000 tỷ đồng
- • Khu Công nghệ cao Hòa Lạc sẽ tập trung cải thiện môi trường đầu tư
- • Công bố Ngày khoa học và công nghệ Việt Nam
- • Cơ chế ưu đãi đầu tư
- • Danh mục công nghệ/ sản phẩm công nghệ khuyến khích đầu tư
- • Tiêu chí đối với các dự án đầu tư trong Khu Công nghệ cao Hòa Lạc
- • Phenikaa đầu tư 87 triệu đô la Mỹ mở nhà máy sản xuất đá
- • Thu hút đầu tư
- • Chính sách ưu đãi
- • Dịch vụ hỗ trợ