Hà Nội thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí
Sáng 20/11, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh chủ trì Hội nghị công bố Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội về thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí.
Cùng dự có các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND Thành phố: Nguyễn Trọng Đông, Dương Đức Tuấn; các Phó Chủ tịch UBND Thành phố: Hà Minh Hải, Nguyễn Mạnh Quyền, Vũ Thu Hà; cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành Thành phố...
Hà Nội là Thành phố đầu tiên trong cả nước thành lập Ban Chỉ đạo
Trên tinh thần tiếp tục chỉ đạo tăng cường quán triệt, tập trung triển khai giải quyết triệt để, quyết liệt, đồng bộ với những giải pháp hữu hiệu, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, trở thành tự nguyện, tự giác của mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người dân, văn hóa ứng xử trong thời đại mới đối với công tác phòng, chống lãng phí; ngày 20/11/2024, UBND thành phố Hà Nội quyết định ban hành Quyết định số 6037/QĐ-UBND thành lập "Ban Chỉ đạo về thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí của UBND thành phố Hà Nội" do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh làm Trưởng Ban Chỉ đạo, với 22 thành viên gồm lãnh đạo UBND Thành phố và Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, ngành Thành phố sẽ trực tiếp chỉ đạo, điều hành việc rà soát, xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện hiệu quả Kế hoạch thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí của thành phố Hà Nội năm 2025 và các năm tiếp theo theo từng ngành, lĩnh vực của Thành phố.
Tại Quyết định thành lập, UBND thành phố Hà Nội đã giao nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo với 04 nhóm nội dung lớn, trong đó có 23 vấn đề cụ thể để tập trung rà soát, xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện, quyết tâm đưa nội dung phòng, chống lãnh phí thành nhiệm vụ thường xuyên, liên tục với mục tiêu tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn để phát huy nguồn lực đầu tư xã hội từ đất đai, tài nguyên, vốn đầu tư ngoài ngân sách, đồng thời sử dụng tiết kiệm, hiệu quả vốn đầu tư công, các khoản chi từ ngân sách nhà nước.
Với việc ban hành Quyết định này, Hà Nội là Thành phố đầu tiên trong cả nước thành lập Ban Chỉ đạo về thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí; thể hiện rõ hơn sự quyết liệt, đồng lòng, trách nhiệm trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ phòng, chống lãng phí của Thành phố.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh cho biết, phòng chống lãng phí không phải việc bây giờ Thành phố mới làm. Thời gian qua, Thành phố đã tập trung nhận diện, rà soát 712 dự án vốn ngoài ngân sách chậm triển khai. Có những dự án kéo dài chục năm chưa triển khai, có những dự án thu hồi dở dang gây lãng phí. Thành phố đưa các dự án vào diện tháo gỡ để vận hành lại. Với các dự án không thể triển khai vì nhiều lý do khách quan, pháp lý, Thành phố đã tiến hành thu hồi.
Về tài sản công, Thành phố tập trung rà soát lại tài sản công để quản lý, tránh gây lãng phí; đặc biệt Thành phố rà soát lại quỹ nhà chuyên dùng. Việc này góp phần xây dựng một hệ thống quản lý tài sản công không chỉ bền vững mà còn góp phần phát huy tối đa tiềm năng và giá trị của các nguồn lực.
Theo Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh, chậm về thời gian thực hiện dự án, chưa quản lý hiệu quả các nguồn lực là những điều gây lãng phí rất lớn. Chính vì vậy, việc thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí thể hiện một góc nhìn mới về việc phòng chống lãng phí của Thành phố. Trước đó, UBND thành phố Hà Nội đã có tổ công tác đặc biệt để đối thoại với doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn vướng mắc để giải quyết hiệu quả.
Trong 4 nhóm nhiệm vụ cụ thể của Ban Chỉ đạo, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh mong muốn Ban Chỉ đạo sớm ban hành Quy chế ngay trong tuần sau. Trong đó, xác định, nhận diện các nhóm nội dung về phòng chống lãng phí để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết hiệu quả.
Chủ tịch UBND Thành phố đặc biệt lưu ý về thể chế và quy trình của các cơ quan Thành phố còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ hiệu quả giải quyết công việc chung. "Nhiều lúc lãnh đạo Thành phố chỉ đạo yêu cầu rà soát lại việc gì đó thì cỡ vài ba tháng mới xong, như vậy quá chậm. Chúng ta phải nhìn nhận, thời gian là quan trọng. Nếu thủ tục một dự án kéo dài sẽ gây ra lãng phí rất lớn", Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh nói. Đồng thời yêu cầu các đơn vị phải tập trung cải cách, thay đổi quy trình thủ tục để giảm thời gian làm thủ tục.
Chủ tịch UBND Thành phố cho rằng, phòng chống lãng phí là vấn đề lâu dài, tác động đến quản lý quản trị vận hành của bộ máy. Vì vậy, cần xây dựng văn hóa tiết kiệm, phòng, chống lãng phí trong các cơ quan, tổ chức; khuyến khích Nhân dân tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tạo thói quen quý trọng tài sản của Nhà nước, công sức của Nhân dân, sự đóng góp của tập thể và công sức của mỗi cá nhân; coi việc thực hành tiết kiệm, phòng, chống lãng phí là nhiệm vụ hằng ngày.
Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh - Trưởng Ban Chỉ đạo đề nghị các sở, ban, ngành Thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã cần nhận thức đầy đủ, có cách tiếp cận mới theo thẩm quyền, chủ động rà soát với trách nhiệm cao nhất, bảo đảm thúc đẩy đưa các tài nguyên, tiềm năng của Thành phố trở thành động lực và nguồn lực phát triển Thủ đô Hà Nội, thực sự mang lại lợi ích cho xã hội.
Đồng lòng chống lãng phí
Ngay trong ngày đầu công bố Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo về thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí của UBND Thành phố (20/11), dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh - Trưởng Ban Chỉ đạo cùng các thành viên Ban Chỉ đạo đã nghe báo cáo về tình hình triển khai, các tồn tại, vướng mắc đối với Dự án đầu tư xây dựng Công viên hồ Phùng Khoang (tại quận Nam Từ Liêm và quận Thanh Xuân) đang được dư luận xã hội quan tâm để tập trung tháo gỡ, giải quyết dứt điểm, tổ chức triển khai thi công và phấn đấu hoàn thành Công viên bàn giao đưa vào sử dụng, phục vụ Nhân dân trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Trên tinh thần người dân Thủ đô và mỗi cán bộ, công chức, viên chức, các cấp chính quyền thành phố Hà Nội cùng đồng lòng chống lãng phí với trách nhiệm cao nhất, thúc đẩy đưa các tài nguyên, tiềm năng của Thành phố trở thành động lực và nguồn lực phát triển Thủ đô Hà Nội, thực sự mang lại lợi ích cho xã hội; UBND thành phố Hà Nội công bố kênh tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân Thủ đô về các vấn đề, vụ việc, hành vi gây thất thoát, lãng phí trên các kênh thông tin chính thống: Cổng Thông tin điện tử thành phố Hà Nội (địa chỉ: https://hanoi.gov.vn); ứng dụng Công dân số Thủ đô - iHanoi.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Thành phố Hà Nội
Các bài viết khác
- • Khu CNC Hòa Lạc: sớm hoàn thiện các nội dung Nghị quyết triển khai thi hành Luật Thủ đô trình HĐND Thành phố
- • Khu CNC Hòa Lạc: Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với các đối tác Nhật Bản
- • Thông báo về việc tổ chức kiểm tra, sát hạch tiếp nhận vào viên chức
- • Trao đổi, học tập mô hình quản lý, điều hành công tác hành chính văn phòng, xử lý văn bản
- • Trưởng ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc thăm một số doanh nghiệp nước ngoài trong Khu CNC Hòa Lạc
- • Các doanh nghiệp công nghệ cao Trung Quốc nghiên cứu đầu tư tại Khu CNC Hòa Lạc
- • Mở rộng cơ hội hợp tác với các Doanh nghiệp Mexico và Trung Quốc
- • Đề xuất quy định mới về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo
- • Thông báo lịch cắt điện tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc
- • Lần đầu tiên tổ chức Triển lãm quốc tế ngành công nghiệp bán dẫn tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc