Giải pháp E-Vaccine phục vụ tiêm chủng phòng COVID-19

09:20 - 08/08/2021

Hệ thống phần mềm quản lý tiêm chủng (E-Vaccine) sẽ được triển khai thí điểm tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội để phục vụ công tác quản lý và tiêm chủng cho Thành phố. Đây không chỉ là một giải pháp công nghệ hiện đại mà còn là sản phẩm thể hiện sự đồng lòng, tinh thần đoàn kết của người dân trong bối cảnh đối phó với dịch bệnh.

CDC Hà Nội làm việc với các đơn vị về E-Vaccine. Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Chiều 29/7, Công ty cổ phần Hệ thống công nghệ ETC - nhà đầu tư tại Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hoà Lạc (Bộ KH&CN), dưới sự đồng hành và tham gia góp ý của các chuyên gia Viện Công nghệ thông tin (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), đã hoàn thiện phát triển và có buổi giới thiệu Hệ thống E-Vaccine cho CDC Hà Nội.
Tại buổi giới thiệu, các bên đã thống nhất việc sẽ đưa E-Vaccine vào thử nghiệm trước khi hoàn thiện các thủ tục tiếp theo để chính thức đưa hệ thống vào hoạt động. Vượt qua giai đoạn thử nghiệm thành công, các đơn vị phối hợp phát triển E-Vaccine mong muốn được tài trợ hoàn toàn miễn phí hệ thống này với mục tiêu góp sức mình vào công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Giúp người dân thuận tiện nhất khi đi tiêm chủng

Ông Lê Hải Thanh, Giám đốc Giải pháp Công ty ETC cho biết, E-Vaccine được xây dựng bằng nỗ lực đóng góp công sức và trí tuệ của tập thể các chuyên gia nhằm mang đến cho Hà Nội cũng như xã hội một sản phẩm phục vụ nhân dân và các y, bác sĩ, nhân viên y tế tuyến đầu trong chiến dịch tiêm chủng nhằm ngăn ngừa đại dịch COVID-19. Hệ thống được phát triển nhanh chóng với đầy đủ các chức năng nhằm quản lý toàn diện quá trình tiêm chủng như đăng kí tiêm, hỗ trợ y, bác sĩ khám sàng lọc, quản lí tiêm và theo dõi sau tiêm, quản lí kho vaccine và hỗ trợ báo cáo cũng như đưa ra các cảnh báo cho cán bộ quản lí.

Trong một tháng rưỡi qua, đội ngũ chuyên gia của các đơn vị đã phối hợp chặt chẽ, làm việc liên tục để có thể đưa ra sản phẩm hoàn thiện đầu tiên sẵn sàng triển khai cho CDC Hà Nội cũng như cho toàn bộ các CDC, trạm y tế xã, phường khác trong toàn quốc.

Theo ông Lê Hải Thanh, E-Vaccine được xây dựng dựa trên những công nghệ tân tiến nhất. Phần mềm này có thể cài đặt và sử dụng trên mọi loại thiết bị, từ máy tính, điện thoại di động, máy tính bảng hoặc sử dụng trên nền tảng web nhằm tối ưu hóa việc sử dụng. Hệ thống bao gồm các phân hệ chính: Phân hệ phục vụ nhân dân và phân hệ phục vụ cán bộ y tế.

Theo đó, người dân có thể sử dụng phần mềm được cài đặt trên điện thoại, máy tính, hoặc truy cập vào website để đăng ký nhanh bằng cách quét mã QR trên căn cước công dân mới, xác thực định danh người đăng ký bằng kỹ thuật e-KYC tân tiến.

Người dân có thể tự đăng ký lịch tiêm chủng của mình hoặc người thân từ xa. Lịch đăng ký tiêm được cập nhật theo thời gian thực giữa các điểm tiêm, giúp người dân theo dõi số lượng vaccine tại các điểm tiêm chủng gần nơi ở của mình để đăng ký một cách thuận tiện nhất. Hệ thống sẽ đánh dấu hồ sơ đăng ký bằng một mã QR hoặc barcode duy nhất. Người dân có thể in mã này hoặc lưu thành ảnh trên điện thoại để thuận tiện cho việc kiểm tra và đi tiêm theo lịch đã đăng ký.

Để thực hiện các thủ tục tiêm, thay vì sổ tiêm, người dân sử dụng mã QR hoặc barcode tới điểm tiêm đã đăng ký để thực hiện các thủ tục và tiêm chủng. Hệ thống hỗ trợ các nhân viên y tế tiếp đón bằng cách quét các mã QR hoặc barcode để định danh người đã đăng ký tiêm. Đặc biệt, nhân viên y tế có thể sử dụng điện thoại di động hoặc máy tính bảng để quét mã và xác minh thông tin người dân một cách nhanh chóng, chỉ mất vài giây. Điều này rất thuận tiện trong trường hợp các điểm tiêm huy động thêm các tình nguyện viên hỗ trợ tiếp đón công tác.

Toàn bộ dữ liệu của hệ thống hoạt động theo thời gian thực, luôn cập nhật mới nhất, giúp người dân có thể theo dõi quá trình tiêm chủng của mình hay người thân (mà mình đã đăng ký hộ) qua ứng dụng dành cho người dân. Hồ sơ sức khỏe sẽ lưu trữ toàn bộ thông tin thăm khám để người dân có thể theo dõi bất kỳ lúc nào. Đặc biệt, hệ thống đưa ra chứng nhận tiêm chủng chỉ qua một mã QR duy nhất, giúp người dân có thể sử dụng một cách nhanh chóng tại các nơi đến cần xác minh tiêm chủng. Hệ thống sẽ tiến tới cấp hộ chiếu vaccine trên các chứng nhận này theo quy định của Nhà nước.

Ngoài ra, hệ thống cập nhật thông tin liên thông theo thời gian thực với hệ thống tiêm chủng quốc gia giúp người dân có thể theo dõi thông tin về tiêm chủng của mình trên bất kỳ hệ thống phần mềm nào của Bộ Y tế.

“Điểm khác biệt lớn của hệ thống so với các giải pháp hiện tại là đã phát triển toàn diện các chức năng trong quá trình tiêm chủng như: Quản lí tiêm và theo dõi sau tiêm; quản lí phân phối kho vaccine nhằm giúp hỗ trợ nhân viên y tế cũng như người dân có được đầy đủ thông tin của vaccine đang được sử dụng; hỗ trợ đưa ra báo cáo tổng hợp như thống kê nhanh về tiêm chủng theo độ tuổi, loại vaccine, theo thời gian hoặc các tiêu chí cần tìm kiếm; tự động đưa ra các cảnh báo theo yêu cầu của cơ quan quản lý”, ông Lê Hải Thanh cho biết.

E-Vaccine có khả năng mở rộng triển khai trên diện rộng cùng công nghệ tối tân nhất có khả năng truy vết, tích hợp dịch vụ hỗ trợ cộng đồng, khuyến khích người dân cùng góp sức với hệ thống y tế quốc gia chung tay đẩy lùi các loại dịch bệnh.

Các hình ảnh ứng dụng trên nền tảng thiết bị di động

Chung tay, góp sức phòng chống dịch

Ông Trương Quang Việt, Phó Giám đốc phụ trách điều hành CDC Hà Nội cho biết, sau quá trình chuẩn bị chu đáo, từ ngày 27/7, Hà Nội bắt đầu triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã. Đây là chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 lớn nhất của Thành phố, kéo dài hơn 9 tháng (từ tháng 7/2021 đến tháng 4/2022). Trong chiến dịch này, số lượng người trong độ tuổi cần tiêm chủng (từ 18 đến 65 tuổi) của Hà Nội là trên 5,1 triệu người, đồng thời mở rộng sang các đối tượng khác.

Do đó, E-Vaccine là một giải pháp công nghệ hiện đại, tiên tiến và hết sức hữu ích với Thủ đô. Trước mắt, phần mềm sẽ được triển khai thí điểm tại CDC Hà Nội để phục vụ công tác quản lý và tiêm chủng cho Thành phố.

Ông Trương Quang Việt cũng hy vọng, với nền tảng công nghệ ưu việt và hạ tầng hiện tại được cung cấp, E-Vaccine sẽ sớm được lãnh đạo Hà Nội cho phép triển khai chính thức và có thể mở rộng triển khai ở tất cả các điểm tiêm của CDC cũng như các cấp phường, xã của Hà Nội, tiến tới là trên toàn quốc.

Nguồn: www.chinhphu.vn

Các bài viết khác