10 điều gây nên sự thất bại của start up trong 5 năm đầu tiên

Chủ nhật - 22/07/2018 21:02    

Đối với nhiều doanh nhân tiềm năng, việc sở hữu một công việc kinh doanh nhỏ nhưng ổn định thường lợi hơn nhiều so với việc thành lập một công ty lớn nhưng rủi ro. Mặc dù những gã khổng lồ như Coca-Cola và IBM nhận được nhiều sự quan tâm, tuy nhiên, 99,7% việc làm ở Hoa Kỳ hoàn toàn đến từ các công ty nhỏ và vừa. Bắt đầu gây dựng một công ty có thể đáng sợ và khó khăn, nhưng việc duy trì nó mới là thách thức thực sự; thật không may, đến 55% số Startup ở Mỹ thất bại chỉ trong 5 năm đầu thành lập. Nhìn vào những điều các công ty này đã làm hoặc không làm được có thể cung cấp những bài học giá trị cho những người đang cố gắng tạo dựng một doanh nghiệp mới. Dưới đây là 10 lý do khiến các startup thất bại. Hầu hết đều có thể tránh được với việc lên kế hoạch từ trước và có hướng dẫn rõ ràng.

1. Bắt Đầu Kinh Doanh Vì Những Lý Do Sai Lầm

Liệu có phải tiền, danh vọng, quyền lực ẩn sau ý tưởng khởi nghiệp của bạn? Mặc dù cuối cùng bạn có thể thưởng thức tất cả những kết quả thú vị trên nhưng bạn sẽ gặp nhiều khó khăn khi làm việc mỗi ngày nếu những mục tiêu này là những thứ duy nhất thúc đẩy bạn tiến lên phía trước.

2. Ý Tưởng Kinh Doanh Của Bạn Không Thực Sự Giải Quyết Nhu Cầu Thị Trường

Đúng, đối với hầu hết các công ty, không đáp ứng được nhu cầu thị trường thực sự là con đường dẫn đến phá sản nhanh chóng.

3. Không Đánh Giá Được Sự Cạnh Tranh

Nếu câu trả lời bạn dành cho câu hỏi "ai là đối thủ cạnh tranh của bạn" là không có ai - thì đơn giản là bạn không tìm kiếm đủ sâu. Dù bạn không muốn tập trung quá nhiều vào khả năng cạnh tranh của mình, nhưng bạn phải xác định được những mối đe dọa đối với chiến lược marketing của công ty, và đảm bảo rằng bạn sẽ khác biệt với những người còn lại và đi đầu trong cuộc đua giành thị phần.

4. Không Bảo Vệ Được Quyền Sở Hữu Trí Tuệ

Là một doanh nhân, nếu không muốn bị người khác vượt mặt, hãy cẩn thận hơn trong việc bảo vệ các sản phẩm dịch vụ sở hữu trí tuệ của mình. Nếu bạn có sản phẩm thực sự độc đáo và cần bảo vệ, hãy khéo léo trong việc chia sẻ với những người có thể giúp bạn.

5. Thiếu Kế Hoạch Kinh Doanh Thực Sự

Không có một chế độ tự động nào để bắt đầu và phát triển một doanh nghiệp cả. Nếu bạn cố gắng điều hành một doanh nghiệp mà không có một kế hoạch vững chắc, thực tiễn và đáng tin cậy, bất cứ cơn gió mạnh đột ngột nào cũng có thể thổi bay cả cơ đồ của bạn. Nếu bạn không thể tạo ra một đề án hay giải pháp thuyết phục, hãy lập một kế hoạch kinh doanh bền vững.

6. Không Thay Đổi Hướng Đi Khi Cần

Thay đổi luôn luôn xảy ra nhưng tốc độ và cường độ của sự thay đổi phải bắt kịp theo thời gian. Vì vậy, nếu bạn miễn cưỡng hay quá chậm trễ trong việc thay đổi để phù hợp với xu hướng thị trường, thời gian còn lại cho doanh nghiệp của bạn chỉ còn đếm theo ngày.

7. Không Có Kế Hoạch Dự Phòng

Không có gì chắc chắn rằng kế hoạch A của bạn sẽ thành công. Vì vậy, hãy đảm bảo bạn có một vài phương pháp tiếp cận khác nhau luôn ở trạng thái sẵn sàng. Kế hoạch dự phòng đòi hỏi bạn phải luôn tìm kiếm cơ hội tiếp cận thị trường mới và các ứng dụng mới cho sản phẩm. Có rất nhiều tiềm năng hiện hữu trong một sản phẩm mà người sáng chế ra nó có thể chưa bao giờ nhìn thấy.

8. Thiếu Người Cố Vấn

Khi nói đến việc đi công tác, tốt nhất là không nên đi một mình. Một cố vấn với nhiều kinh nghiệm thương trường sẽ giúp bạn tìm hiểu về những sai lầm hay gặp phải trước khi bắt đầu kinh doanh. Hãy tìm ra những người cố vấn có thể bên cạnh bạn vượt qua những thời điểm khó khăn.

9. Những Người Đồng Hành Không Phù Hợp

Một người đồng sáng lập bắt đầu như người bạn tốt nhất của bạn nhưng có thể kết thúc như một cơn ác mộng. Nhiều công ty ở Silicon Valley thường tránh xa các cặp vợ chồng vì lý do này. Sự không phù hợp sẽ mang lại sự hỗn loạn cho công ty, cuối cùng có thể dẫn đến một sự sụp đổ hoàn toàn. Hãy chắc chắn rằng những căng thẳng khi quản lý một startup sẽ không chia rẽ team của mình.

10. Tham Gia Quá Nhiều Vào Những Công Việc Nhỏ Nhặt

Nếu bạn tham gia quá nhiều vào những công việc nhỏ nhặt với tư cách CEO, ai sẽ chịu trách nhiệm đưa ra quyết định kinh doanh quan trọng? Đối với các nhà lãnh đạo, điều quan trọng là phải đưa ra các chiến lược kinh doanh chứ không phải làm việc như các nhân viên cấp dưới. Thật khó khi không tự tay làm những điều nhỏ nhặt giai đoạn mới bắt đầu, đặc biệt là khi ngân sách cạn kiệt, nhưng thử hỏi nếu bạn chỉ trả lời email của công ty cả ngày, ai sẽ là người đưa được sản phẩm ra được thị trường?