Hội thảo Hi-Tech Konec - Trí tuệ nhân tạo

Thứ tư - 08/11/2017 22:54    

Ngày 31/10/2017, tại Hà Nội, KisStartup, Trung tâm Dịch vụ Tổng hợp Khu công nghệ cao Hòa Lạc cùng Innovatube tổ chức Hội thảo Hi-Tech Konec - Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI). Đây là hội thảo cuối cùng kết thúc chuỗi sự kiện kết nối Chuyên gia – Doanh nghiệp – Startup trước thềm TECHFEST 2017.

Tham dự Hội thảo Hi-Tech Konec AI có sự góp mặt của PGS.TS Nguyễn Ái Việt – Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin; ông Trịnh Xuân Tuân – nhà đồng sáng lập NextSmarty, Công ty tiên phong trong ứng dụng những thuật toán Deep Learning vào Dịch vụ Tư vấn cho Doanh nghiệp vừa và nhỏ; ông Nghiêm Xuân Bách – Giám đốc khu vực Việt Nam của Cinnamon AI Labs, Công ty tư vấn và thiết kế giải pháp ứng dụng công nghệ AI hàng đầu Đông Nam Á.

Hai diễn giả chia sẻ về công nghệ AI

Mở đầu Tọa đàm, PGS.TS Việt cho biết yếu tố quan trọng nhất của AI chính là xử lý dữ liệu với độ chính xác cao, sau đó mới xét đến tính tự động hóa. Hiện nay, AI đang dần thay thế con người trong nhiều công việc như giải quyết văn bản hành chính, giải quyết bài toán thương mại điện tử, v.v.

Lợi ích AI mang lại cho doanh nghiệp không thể phủ nhận. Tuy nhiên, hiện nay trên thế giới vẫn có hai luồng quan điểm: Ủng hộ và không ủng hộ AI. Nhiều người cho rằng AI hay CNTT đang phá hủy thế giới. Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, ông Tuân cho rằng cho đến khi AI có khả năng Tự suy nghĩ (Machine Thinking) mới có thể “phá hủy” thế giới. Hiện nay, AI mới chỉ đang Tự học (Machine Learning) nên không thể làm thay đổi hay “hủy diệt” thế giới. Cùng chung quan điểm với ông Tuân, PGS.TS Ái Việt cho rằng trong 2 năm tới, thế giới vẫn chưa thay đổi nhiều. Những hình ảnh về AI được truyền thông mới chỉ là điều các nhà làm công nghệ đang hướng tới chứ chưa phải thực tế đang diễn ra.

Trao đổi trong buổi Tọa đàm, các diễn giả cũng thẳng thắn chia sẻ không có khái niệm “AI và Không phải AI”. Điểm mấu chốt là công nghệ doanh nghiệp đang sử dụng nằm ở bước phát triển nào của AI. Có 4 bước: một là lấy mô hình AI có sẵn và áp dụng luôn vào thực tế, hai là lấy mô hình AI và thay đổi đôi chút cho phù hợp với thực tế, ba là thay đổi phần lớn và bốn là tạo ra mô hình AI mới. Các diễn giả cũng nhấn mạnh đừng nên tập trung vào công nghệ mà nên tập trung vào bài toán thị trường. Dữ liệu càng nhiều thì thuật toán sử dụng càng đơn giản. Bên cạnh đó, không có phương pháp phù hợp cho mọi tình huống. Điều quan trọng không nằm ở việc chúng ta tìm được phương pháp tốt nhất mà là tìm ra phương pháp phù hợp nhất.

Vậy, doanh nghiệp muốn ứng dụng AI cần cân nhắc vấn đề gì và nên bắt đầu từ đâu? Trả lời câu hỏi này, ba vị diễn giả cho rằng, doanh nghiệp cần cân nhắc tới chi phí bỏ ra có tương xứng với hiệu quả công việc mình nhận lại và đặc biệt, cần quan tâm tới vấn đề những nhân viên bị thay thế bởi robot sẽ làm việc gì sau khi bị sa thải? Đặc biệt, trong lĩnh vực nông nghiệp, những người nông dân sẽ biết làm gì nếu robot được đưa vào sử dụng.

Để ứng dụng AI hiệu quả, trước hết doanh nghiệp cần nhìn AI trên tổng thể quy trình doanh nghiệp: phần nào cần tối ưu hóa và khi tối ưu hóa hiệu quả mang lại có tương xứng không. Điều thứ hai, doanh nghiệp nên tìm ra thuật toán phù hợp cho bài toán của riêng doanh nghiệp mình thay vì chỉ tập trung vào một công nghệ AI. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nên chọn thị trường phù hợp, đánh vào thị trường ngách và hãy coi AI chỉ là một lợi thế cạnh tranh chứ không phải yếu tố tiên quyết quyết định thành công của doanh nghiệp bạn. Riêng với startup, PGS.TS Ái Việt cho rằng startup không nên ứng dụng AI và nên dựa trên AI để tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Tại Việt Nam, PGS.TS Ái Việt cho rằng hai lĩnh vực có tiềm năng ứng dụng AI rất lớn đó là xử lý ngôn ngữ tự nhiên và an toàn an ninh mạng. Tuy nhiên, doanh nghiệp và startup đều cần xây dựng lộ trình phát triển phù hợp.

Gần đây, Việt Nam được đánh giá là có nhận thức về công nghệ thông tin cao hơn nước khác. Các doanh nghiệp Việt cũng đang rất muốn làm chủ công nghệ. Tiềm năng phát triển trong lĩnh vực công nghệ cao tại Việt Nam lớn nhưng thách thức và khó khăn cũng không nhỏ. Giải quyết được bài toán công nghệ cao ở Việt Nam mở ra nhiều cơ hội cho cả startup và doanh nghiệp.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm