Hợp tác công nghệ thông tin Việt Nam-Nhật Bản

Thứ năm - 30/08/2018 02:26    

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với những xu hướng công nghệ mới như IoT, AI, Big Data, chuyển đổi số, cùng với nguồn nhân lực dồi dào của Việt Nam sẽ mở ra những cơ hội hợp tác lớn, có thể nói là tương lai của hợp tác CNTT giữa doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản trong thời gian tới.

Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng phát biểu tại Lễ khai mạc sự kiện. 

Ngày công nghệ thông tin (CNTT) Nhật Bản 2018 - Japan ICT Day lần thứ 12 vừa chính thức được Vinasa tổ chức tại Hà Nội với chủ đề “Hợp tác CNTT Việt Nam-Nhật Bản trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”. Đây là một chương trình xúc tiến thương mại quốc gia được tổ chức hằng năm.

Ngày CNTT Nhật Bản năm nay cũng là một trong các hoạt động kỷ niệm 45 năm hợp tác quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam-Nhật Bản.

Tại lễ khai mạc sự kện, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng cho biết, mối quan hệ giữa 2 nước Việt Nam, Nhật Bản đã có bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện, theo tinh thần “đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” được 2 bên cùng thiết lập. Cho đến nay, Nhật Bản đã trở thành đối tác kinh tế, thương mại, đầu tư hàng đầu của Việt Nam. Riêng năm 2017, Nhật Bản đã trở thành quốc gia có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam với hơn 9 tỷ đô la Mỹ, chiếm hơn 25% tổng số vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Về lĩnh vực CNTT, nhân lực luôn là thế mạnh của Việt Nam. Theo chương trình đánh giá sinh viên quốc tế (PISA) do OECD nghiên cứu, kết quả học tập của học sinh Việt Nam nằm trong Top 20 và đặc biệt giỏi về toán và khoa học. Đây chính là nền tảng cho giáo dục đại học về công nghệ. Hiện tại có 290 trường đại học và cao đẳng ở Việt Nam cung cấp đào tạo CNTT và có khoảng 55.000 sinh viên CNTT theo học hằàng năm. Cũng theo đánh giá của HackerRank-Hoa Kỳ, Việt Nam là đất nước có khả năng của các nhà phát triển phần mềm xếp thứ 1 ở Đông Nam Á và xếp thứ 23 trên toàn thế giới.

Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng cũng cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng đề án chuyển đổi số quốc gia với mục tiêu đưa Việt Nam bắt kịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0), quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đang tập trung chỉ đạo Bộ phát triển mạnh mẽ lĩnh vực này, trong đó có cả công nghiệp phần mềm – lĩnh vực mà Việt Nam có rất nhiều tiềm năng nhưng chưa khai thác, tận dụng được hết trong thời gian qua.

Về phía Nhật Bản, theo điều tra về xu hướng sử dụng truyền thông 2017 của Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, việc ứng dụng AI tại các doanh nghiệp Nhật Bản mới chỉ có 1,9%, tuy nhiên nhu cầu của Nhật Bản về công nghệ mới nổi như IoT, AI, Robotics, xe tự hành… đang tăng lên rất nhanh. Song nhân lực CNTT nói chung, Nhật Bản đang thiếu hụt khoảng 171.000 kỹ sư và dự báo thiếu 369.000 kỹ sư và 48.000 kỹ sư trong các mảng công nghệ mới vào năm 2020. Sự thiếu hụt nguồn nhân lực cùng nhu cầu tăng cao về nhân lực công nghệ mới sẽ mở ra nhu cầu hợp tác rất lớn cho các doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Đoàn Hùng, Phó Chủ tịch Vinasa, Chủ tịch Câu lạc bộ hợp tác CNTT Việt Nam-Nhật Bản (VJC) cũng nhận định, cuộc CMCN lần thứ 4 với những xu hướng công nghệ mới như IoT, AI, Big Data, chuyển đổi số, sự thay đổi trong mô hình kinh doanh hợp tác và nguồn nhân lực dồi dào của Việt Nam sẽ mở ra những cơ hội hợp tác lớn, có thể nói là tương lai của hợp tác CNTT giữa doanh nghiệp Việt Nam-Nhật Bản trong thời gian tới.

Theo khảo sát của Vinasa và VJC, số lượng các dự án hợp tác sử dụng công nghệ mới đang tăng lên nhanh chóng. Nhiều doanh nghiệp nhỏ đang đầu tư xây dựng năng lực các mảng công nghệ mới này và đã có nhiều dự án hợp tác thành công.