Sắp ra mắt 2 viện nghiên cứu trực thuộc Tập đoàn Phenikaa

Thứ hai - 06/08/2018 22:02    

Công ty Cổ phần Tập đoàn Phượng hoàng xanh A&A (Phenikaa) sắp tới sẽ ra mắt 2 viện nghiên cứu là Viện Nghiên cứu và Công nghệ Phenikaa (Prati), tập trung nghiên cứu theo đặt hàng của Tập đoàn và Viện Nghiên cứu tiên tiến Thành Tây (Tias) tập trung vào nghiên cứu cơ bản và ứng dụng.

Tọa đàm thu hút nhiều nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học tham dự. 

Thông tin được đưa ra tại buổi tọa đàm Định hướng phát triển của Prati và Tias do Tạp chí Tia sáng tổ chức ngày 03/8, tại Hà Nội.

Tại buổi Tọa đàm, giới thiệu về định hướng hoạt động của 2 viện nghiên cứu trước các nhà quản lý, nhà khoa học, Chủ tịch Tập đoàn Phenikaa Hồ Xuân Năng cho biết, lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của Phenikaa là sản xuất đá thạch anh với thương hiệu sản phẩm Vicostone Quartz Surfaces. Hiện Tập đoàn Phenikaa sở hữu 5 dây chuyền sản xuất đá thạch anh theo công nghệ được chuyển giao từ hãng Breton (Ý), hàng năm cung cấp ra thị trường  2,5 triệu m2 đá thành phẩm. Doanh thu năm 2017 đạt 3.320 tỷ đồng. Để thực hiện chiến lược bền vững của Tập đoàn, hơn 10 năm qua, Tập đoàn đã rất chú trọng đến công tác nghiên cứu và phát triển (R&D). “R&D đã giúp Tập đoàn tạo lợi thế cạnh tranh, tăng trưởng nhanh. Để tiếp tục tạo lợi thế cạnh tranh ở quy mô và trình độ cao hơn, Tập đoàn quyết định nâng cấp trung tâm R&D thành Viện Nghiên cứu và Công nghệ Phenikaa - Prati ”, ông Năng cho biết.

Prati đặt mục tiêu trở thành một Trung tâm nghiên cứu có vị thế, tầm ảnh hưởng trong cộng đồng về các lĩnh vực: công nghệ vật liệu (polymer, nano, gốm); công nghệ in 3D; khoa học y, dược; nông nghiệp; điện tử, điện tử hữu cơ; trí tuệ nhân tạo; công nghệ thông tin; tự động hóa, cơ điện tử. Đây được kỳ vọng trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học, phát triển sáng tạo công nghệ mạnh, nơi hội tụ những nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà công nghệ hàng đầu, nơi chắp cánh cho những ý tưởng sáng tạo đột phá và thu hút những con người đam mê nghiên cứu khoa học, công nghệ trong nước và quốc tế.

Cũng theo ông Năng, hướng đến mục tiêu trách nhiệm xã hội góp phần phát triển nguồn lực, từ cuối năm 2017, Tập đoàn Phenikaa đã quyết định đầu tư và phát triển Trường Đại học Thành Tây. Với định hướng là đại học nghiên cứu, Tập đoàn đã quyết định để Trường Đại học Thành Tây củng cố các viện đã có và thành lập viện mới, trong đó Viện Nghiên cứu và Phát triển công nghệ nông, lâm nghiệp Thành Tây và Viện Nghiên cứu tiên tiến Thành Tây – Tias là hạt nhân cho trường về lĩnh vực nghiên cứu.

Tias sẽ trở thành một trung tâm nghiên cứu chuyên sâu nhiều lĩnh vực khoa học cơ bản và ứng dụng. Các lĩnh vực Tias tập trung nghiên cứu gồm Khoa học tự nhiên (Vật lý, hóa học, khoa học vật liệu, khoa học máy tính); kỹ thuật và công nghệ (cơ học, cơ – điện tử, công nghệ vật liệu, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học); khoa học y dược (y tế, dược học). Đây sẽ là địa chỉ thu hút các nhà khoa học trong nước và quốc tế nhằm phát triển các ý tưởng sáng tạo khoa học; môi trường gặp gỡ, gắn kết và hình thành các đề tài khoa học.

Tại buổi tọa đàm, các nhà quản lý, chuyên gia đã chia sẻ, góp ý, phản biện nhằm đưa ra phương án, cách làm hiệu quả, đảm bảo tính bền vững cho sự phát triển của 2 viện. Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng, các doanh nghiệp khi thành lập viện nghiên cứu KH&CN nên tập trung vào các ngành cụ thể và cần tạo dựng môi trường nghiên cứu tự do học thuật; có sự liên kết chặt chẽ với bộ, ngành và địa phương trong định hướng, phát triển lĩnh vực nghiên cứu, liên kết với các doanh nghiệp khác nhằm tạo lập thị trường… Đặc biệt, cần chú trọng đến nguồn nhân lực, xây dựng được các nhóm nghiên cứu mạnh, thu hút các nhà khoa học giỏi, uy tín đứng đầu các nhóm nghiên cứu,…

Hiện nay, trong chính sách phát triển KH&CN, vấn đề luôn được đặt ra đó là thu hút sự tham gia, đầu tư của khu vực tư nhân, của xã hội cho KH&CN, cho R&D; xã hội hóa hoạt động KH&CN,… Do đó, việc ra mắt 2 viện Prati và Tias cũng là tín hiệu đáng mừng chung cho cộng đồng. Điều này cũng phù hợp với xu hướng chuyển dịch chính sách, lấy doanh nghiệp làm trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia đã và đang diễn ra hiện nay.