Thứ tư - 03/05/2017 10:10    
<!-- Ngồi vào 1 trong 15 chiếc ghế của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) đúng ngày 1-1-2008 cũng có thể coi Việt Nam là một trong những nước “xông” nhà HĐBA- cơ quan quyết định các vấn đề của thế giới nhằm duy trì hoà bình và an ninh quốc tế. Gặp người xông nhà Hội đồng Bảo an Biết rằng câu chuyện Việt Nam được bầu làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc là sự kiện không thể không nói đến trong dịp “tống cựu nghinh tân”, cánh báo chí từ trong năm đã “ngấm ngầm” nghe ngóng những dịp về nước hiếm hoi của Đại sứ Lê Lương Minh, Trưởng phái đoàn Đại diện thường trực của Việt Nam tại Liên Hợp Quốc để mong khai thác được những tin tức “độc” nhất từ người sẽ xông nhà Hội đồng Bảo an cho số báo đầu xuân mới. Dịp may đến khi Đại sứ Minh về Việt Nam để tham dự cuộc gặp với báo chí của Bộ Ngoại giao. Một cuộc hẹn trong khuôn khổ hẹp giữa ông với 6 cơ quan báo chí được tổ chức trước khi sang New York trực tiếp tham gia các hoạt động sôi động và căng thẳng tại HĐBA LHQ. Thời gian giới hạn ban đầu là đúng 1 giờ đồng hồ đã bị phá vỡ bởi cánh phóng viên quyết đeo bám vấn đề đến cùng. Những câu hỏi đưa ra ở nhiều khía cạnh, từ những chuyện bên lề quá trình tranh cử vào chiếc ghế uỷ viên không thường trực đến những tò mò về “thâm cung” HĐBA được đưa ra tới tấp, khiến ông Đại sứ chẳng nỡ ngắt lời ai. Từ câu nói “Chúng tôi tin Việt Nam” Theo Đại sứ Lê Lương Minh, quá trình Việt Nam ứng cử làm thành viên HĐBA rất thuận lợi và việc Việt Nam được bầu với số phiếu cao như vậy cũng bởi nhiều nguyên do. Đại sứ Minh nhớ lại, những nước có quan điểm, lập trường cơ bản giống Việt Nam, chia sẻ với Việt Nam nhiều lợi ích cả về kinh tế, chính trị, phát triển đặt niềm tin vào Việt Nam là điều dễ hiểu. Bởi họ đều nhìn nhận Việt Nam có chính sách đối ngoại nhất quán; chung thuỷ với bạn bè và có tinh thần trách nhiệm đối với công việc chung của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, ngay cả những nước không cùng chung quan điểm, thậm chí không cùng chung lợi ích với Việt Nam trong một số vấn đề cũng ủng hộ Việt Nam thì lại là điều rất đáng mừng. Lý do để Việt Nam được các nước này ủng hộ ngoài yếu tố tinh thần trách nhiệm trong xử lý các công việc chung đã được chứng minh trên thực tế, còn là hình ảnh về̀ một đất nước đổi mới, hội nhập đầy sức sống. Từ nhận định Việt Nam cùng với Indonesia (thành viên cũ của HĐBA) có thể đại diện cho quyền lợi của cả khu vực, trước thời điểm bầu cử 1 năm (sớm 8 tháng so với quy định của nhóm), nhóm châu Á đã chính thức thông qua Việt Nam là ứng cử viên duy nhất, tạo điều kiện cho nước
Cuộc họp ngày 27-10-2006 của nhóm châu Á để lại cho Đại sứ Minh nhiều kỷ niệm đáng ghi nhớ. Ông kể lại rằng trước đó vài hôm khi nghe tin một vài nước khác cũng có ý định ra tranh cử với Việt Nam, ông đã gặp Đại sứ các nước này để tìm hiểu. Nhưng thông điệp mà ông nhận được từ những vị Đại sứ này lại thật bất ngờ “Chúng tôi tin Việt Nam” và “Chúc các bạn thành công”. Một kỷ niệm khác khiến Đại sứ Lê Lương Minh không thể quên là khi xem xét trường hợp Việt Nam, gần như tất cả đại diện các nước tham dự cuộc họp đều giơ biển xin phát biểu. Nhưng do thời gian có hạn, chỉ có đại diện 19 nước phát biểu và sau đó nhóm châu Á nhất trí đề cử Việt Nam là ứng cử viên duy nhất cho ghế Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2008-2009. Theo Đại sứ Minh, trong lịch sử, hiếm có nước nào ứng cử vào ghế Uỷ viên không thường trực HĐBA thuộc nhóm châu Á lại nhận được sự ủng hộ lớn như thế. Đến thời điểm “hợp long” cây cầu hội nhập Có được “chiếc vé” duy nhất đại diện cho nhóm châu Á, cùng với niềm tin vững chắc sẽ trúng cử, Việt Nam bắt tay vào quá trình chuẩn bị thực chất, cử một phái đoàn gồm những cán bộ năng động sang làm quen trước với công việc đồng thời chuẩn bị đội ngũ nhân sự để tăng cường thêm khi cần thiết. Theo đó ngoài Trưởng đại diện (mang hàm Đại sứ) tại LHQ, sẽ có 1 Phó đại diện (hàm Đại sứ) chuyên trách HĐBA và 5 cán bộ chuyên trách các vấn đề cụ thể của HĐBA như: Không phổ biến vũ khí hạt nhân và vũ khí hủy diệt hàng loạt; giải trừ quân bị, hòa bình và an ninh quốc tế; bảo vệ phụ nữ và trẻ em trong xung đột vũ trang; tài nguyên thiên nhiên, thay đổi khí hậu; theo dõi và phụ trách xử lý xung đột cụ thể; các vấn đề liên quan tới châu Á... Việt Nam cũng đã chuẩn bị để sẵn sàng làm chủ tịch một số Ủy ban trong HĐBA hoặc nhóm làm việc của HĐBA: phụ trách các nghị quyết liên quan đến trừng phạt, xung đột, cải cách phương pháp làm việc của HĐBA... nếu được phân công. Khi Việt Nam từng bước hội nhập sâu hơn với thế giới thông qua việc tham gia nhiều hơn vào các tổ chức quốc tế, khái niệm “ra biển lớn” được nhắc tới nhiều hơn. Đại sứ Lê Lương Minh cho rằng, quá trình Việt Nam tham gia HĐBA cũng có thể gọi theo khái niệm này và tham gia vào tổ chức này là đợt tập dượt lớn cho Việt Nam trong việc tham gia các tổ chức đa phương, trong những vấn đề quốc tế, xử lý khủng hoảng quốc tế. Theo ông, nếu việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) là quá trình ra biển lớn của hoạt động kinh tế- thương mại thì tham gia HĐBA là Việt Nam đã hội nhập ở mức độ cao nhất vào biển lớn về chính trị, an ninh, an ninh quốc tế. Hai quá trình có thể trước sau một chút nhưng thực ra là vòng khép kín của một quá trình hội nhập. Và nói một cách hình tượng thì đây là 2 đại dương có cửa thông với nhau, sóng to, gió lớn hay yên bình đều có ảnh hưởng lẫn nhau... Và những thách thức khi được trao quyền Khi phóng viên hoàn thành bài viết này cũng là thời điểm người đứng đầu Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết vừa ký Quốc thư gửi Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ)Ban Ki Moon ủy nhiệm Đại sứ Lê Lương Minh làm Đại diện của Việt Nam tại HĐBA LHQ; với trọng trách đại diện cho quốc gia, được quyền phát biểu và bỏ phiếu tại các cuộc họp chính thức của HĐBA. Theo quy định, Đại sứ thường trực có thể quyết định ngay những vấn đề của HĐBA dựa trên lập trường đã được xác định. Chỉ có những vấn đề mới, hoặc đặc biệt phức tạp mới phải xin ý kiến chỉ đạo từ “bên nhà”. Đại sứ Minh cho rằng, với cơ chế này, ông sẽ chủ động hơn trong việc đưa ra quyết định nhưng đó đồng thời cũng là một thách thức cho chính ông khi được trao quyền. Và như lời tâm sự của ông thì mỗi năm HĐBA có đến hàng trăm cuộc họp lớn nhỏ, (chưa kể các cuộc họp không chính thức) về vô số các vấn đề xung đột có, nhạy cảm có… thì chuyện đối mặt với những thách thức là không thể không có. Biết mình đã ngồi vào chiếc ghế “nóng” nhưng ông cũng tự tin sẽ làm tốt trọng trách của mình với những kinh nghiệm được kế thừa từ thế hệ trước về đàm phán trong lịch sử; cộng thêm sự quyết đoán, tính nguyên tắc của chính mình. Đã đến giờ “lâm trận”, và nói như chính Đại sứ Lê Lương Minh thì trách nhiệm đã trao tay, không thể nói “tôi khiêm tốn nên không nhận” được mà phải hoàn thành và lĩnh hội với trách nhiệm cao nhất. |