Việt-Nhật thúc đẩy nhiều lợi ích chiến lược tương đồng

Thứ tư - 07/06/2017 23:56    

Nhân chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hai bên hôm qua ra Tuyên bố chung về việc làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản. Hai bên coi nhau là đối tác quan trọng, có nhiều lợi ích chiến lược tương đồng.
 
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: TTXVN.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: TTXVN.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 6/6 có cuộc hội đàm sau lễ đón chính thức.

Hỗ trợ triển khai các dự án hạ tầng chất lượng cao

Hai nhà lãnh đạo nhất trí phối hợp chặt chẽ tăng cường kết nối hai nền kinh tế; thúc đẩy hợp tác thương mại giữa hai nước, phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng gấp đôi kim ngạch thương mại và dòng đầu tư từ năm 2014 đến năm 2020.

Ghi nhận sự phát triển kinh tế của Việt Nam là rất quan trọng đối với khu vực, Thủ tướng Abe bày tỏ tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ Việt Nam tăng trưởng kinh tế. Hai bên đã chứng kiến lễ ký kết Công hàm trao đổi vay vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) trị giá khoảng 100,3 tỷ yen trong năm tài khóa 2016 của Nhật Bản dành cho Việt Nam cho bốn dự án; Hiệp định vay ODA dự án Phát triển cơ sở hạ tầng khu công nghệ cao Hòa Lạc…

Nhật Bản sẽ hỗ trợ triển khai các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng cao, quy mô lớn, trọng điểm quốc gia như đường bộ cao tốc Bắc-Nam, đường sắt đô thị. Hai bên khẳng định tiếp tục hợp tác triển khai dự án Khu công nghệ cao Hòa Lạc và tiếp tục trao đổi về dự án  đường cao tốc nối Hà Nội và thủ đô Vientiane của Lào. Việt Nam hoan nghênh mong muốn của các doanh nghiệp Nhật Bản tham gia vào dự án sân bay Long Thành, khu thương mại ngầm Bến Thành và hệ thống xe buýt nhanh (BRT) tại tỉnh Bình Dương.

Hai nhà lãnh đạo khẳng định sẵn sàng nỗ lực tạo thuận lợi về thủ tục cho phép xuất khẩu cam, quýt Nhật Bản vào Việt Nam và quả vải, nhãn Việt Nam vào Nhật Bản; thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

Nhật Bản khẳng định sẽ hỗ trợ Việt Nam triển khai các kế hoạch hành động của sáu ngành công nghiệp được lựa chọn trên cơ sở đôi bên cùng có lợi và lập nhóm công tác để thực hiện hiệu quả chiến lược này. Hai bên khẳng định tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, trong đó có việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện than có công nghệ hiệu suất cao và bảo đảm các tiêu chí về môi trường cũng như việc áp dụng công nghệ khí tự nhiên hóa lỏng mới. Hai nhà lãnh đạo sẽ nỗ lực thúc đẩy đàm phán hướng đến việc sớm bắt đầu hoạt động thương mại của ba dự án nhiệt điện than theo hình thức BOT…Nhật Bản khẳng định hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô và công nghiệp phụ trợ của Việt Nam.

Phối hợp để TPP sớm có hiệu lực

Trong bối cảnh xu hướng chống toàn cầu hoá và chủ nghĩa bảo hộ đang mạnh dần lên trên thế giới, hai nhà lãnh đạo khẳng định thương mại và đầu tư trên nguyên tắc tự do và công bằng là động lực quan trọng cho nền kinh tế toàn cầu, và quyết định sẽ hợp tác thúc đẩy thương mại và đầu tư mở và tự do. Hai bên khẳng định thúc đẩy thảo luận về Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) để sớm đạt được một thỏa thuận hiện đại, toàn diện, chất lượng cao, cùng có lợi dưới sự lãnh đạo của ASEAN.

Hai nhà lãnh đạo khẳng định lại kết quả cân bằng, tầm quan trọng chiến lược và kinh tế của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), không chỉ đối với các thành viên của TPP mà còn đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trên cơ sở đó, hai nhà lãnh đạo chia sẻ nhận thức sẽ phối hợp trong đàm phán với các thành viên TPP để hiệp định toàn diện và có chất lượng cao này sớm có hiệu lực.

Hai bên nhất trí việc Nhật Bản giúp đào tạo hơn 800 thạc sĩ, tiến sĩ cho Việt Nam; tăng cường đào tạo tiếng Nhật và mở rộng mô hình giáo dục kiểu Nhật; đẩy mạnh hợp tác song phương giữa các trường đại học hai nước. Hai bên cũng nghiên cứu khả năng ký kết Hiệp định song phương tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự và chuyển giao người bị kết án.

Tiếp tục giúp Việt Nam nâng cao năng lực trên biển

Tuyên bố chung khẳng định, hai bên sẽ tăng cường hợp tác về an ninh, an toàn hàng hải như cứu hộ, cứu nạn, chống cướp biển thông qua trao đổi thông tin giữa các cơ quan bảo vệ bờ biển và hợp tác trong khuôn khổ Hiệp định hợp tác khu vực về chống cướp biển và cướp tàu có vũ trang ở châu Á.

Thủ tướng Shinzo Abe cam kết hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực lực lượng thực thi pháp luật trên biển, trong đó có đào tạo nguồn nhân lực. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự hỗ trợ của Nhật Bản trong việc nâng cao năng lực lực lượng thực thi pháp luật trên biển, bao gồm việc cung cấp tàu đã qua sử dụng, tàu tuần tra mới, hỗ trợ xây dựng năng lực quốc phòng…

Củng cố một trật tự biển tự do, cởi mở

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Shinzo Abe chia sẻ quan điểm rằng, việc duy trì hoà bình, ổn định, hợp tác ở biển Đông có vai trò quan trọng đối với hoà bình, ổn định, thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới; bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến phức tạp đang diễn ra ở biển Đông. Hai nhà lãnh đạo thúc giục các bên liên quan không có các hành động đơn phương, bao gồm quân sự hoá, làm thay đổi nguyên trạng và làm phức tạp, mở rộng tranh chấp trên biển Đông; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm hoà bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không; tự kiềm chế, tôn trọng đầy đủ tiến trình ngoại giao và pháp lý; giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông năm 2002 (DOC) và sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) có hiệu lực.

Hai nhà lãnh đạo đều nhấn mạnh cam kết thúc đẩy tự do hàng hải, hàng không và thương mại không bị cản trở, nhấn mạnh rằng, duy trì và củng cố một trật tự biển tự do, cởi mở dựa trên luật pháp là nền tảng của lợi ích chiến lược vì ổn định, thịnh vượng của cả hai nước và cộng đồng quốc tế. Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng một trật tự ổn định, tự do và rộng mở trên cơ sở luật pháp ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và hơn nữa. Thủ tướng Abe bày tỏ Nhật Bản mong muốn thúc đẩy hợp tác song phương để tăng cường kết nối của ASEAN và khu vực thông qua các sáng kiến liên quan, bao gồm Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở và Đầu tư cơ sở hạ tầng chất lượng.

Tăng cường tính toàn vẹn của ASEAN

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Shinzo Abe tái khẳng định tăng cường phối hợp, hợp tác sâu rộng tại các diễn đàn khu vực và quốc tế.Hai nhà lãnh đạo quyết tâm tăng cường hợp tác nhằm gia tăng khả năng kết nối của ASEAN và thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN thông qua việc Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ thực hiện Kế hoạch công tác giai đoạn III của Sáng kiến hội nhập ASEAN, Kế hoạch tổng thể kết nối ASEAN 2025 và thông qua các sáng kiến liên quan, bao gồm Sáng kiến đầu tư cơ sở hạ tầng chất lượng.

Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định lại sự hỗ trợ mạnh mẽ của Nhật Bản để tăng cường vai trò trung tâm, tính thống nhất và sự đoàn kết của ASEAN. Hai nhà lãnh đạo chia sẻ quan điểm cho rằng Nhật Bản và ASEAN sẽ hợp tác để tăng cường tính toàn vẹn của ASEAN như những đối tác có cùng giá trị cơ bản thể hiện bằng thượng tôn luật pháp, và để duy trì hòa bình, ổn định, thịnh vượng của khu vực.Hai nhà lãnh đạo khẳng định tiếp tục thúc đẩy hợp tác Mekong-Nhật Bản trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng chất lượng cao, phát triển nguồn nhân lực, ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý nguồn nước…

Ngày 6/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân hội kiến Nhà vua Nhật Bản và Hoàng hậu; hội kiến Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản Date Chiuichi.  Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Chủ tịch Đảng Cộng sản Nhật Bản Kazuo Ishii, Chủ tịch đảng Công Minh Natsuo Yamaguchi…

Quan ngại sâu sắc tình hình Triều Tiên

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến phức tạp gần đây tại bán đảo Triều Tiên, trong đó có việc thử hạt nhân và phóng tên lửa của Bình Nhưỡng. Hai nhà lãnh đạo ủng hộ hòa bình, ổn định và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Hai nhà lãnh đạo cũng tái khẳng định tầm quan trọng của cải tổ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để phù hợp hơn với thực tế của cộng đồng quốc tế trong thế kỷ 21, và nhằm nâng cao tính hợp pháp, hiệu quả, tính đại diện và minh bạch của Hội đồng Bảo an. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa cam kết tiếp tục ủng hộ Nhật Bản trở thành thành viên thường trực của Hội đồng bảo An.

Ký 14 văn kiện hợp tác

Sau hội đàm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Shinzo Abe chứng kiến lễ ký kết 14 văn kiện, gồm có:

- Các công hàm trao đổi cho 4 dự án vốn vay ODA trị giá 100,3 tỷ yen, tương đương 912 triệu USD (gồm: Bảo đảm an toàn và an ninh hàng hải; quản lý nước ở Bến Tre; hệ thống thoát nước và xử lý nước thải Biên Hòa giai đoạn 1; phát triển cơ sở hạ tầng khu công nghệ cao Hòa Lạc giai đoạn 2)

- Các công hàm trao đổi cho 3 dự án viện trợ không hoàn lại trị giá 2,93 tỷ yen (gồm: Vận hành hồ chứa trong tình huống khẩn cấp và quản lý lũ hiệu quả bằng hệ thống thông tin quản lý thiên tai toàn diện; chương trình học bổng phát triển nguồn nhân lực năm 2017; chương trình học bổng phát triển nguồn nhân lực năm 2018)

- Hiệp định vay ODA cho dự án phát triển cơ sở hạ tầng khu công nghệ cao Hòa Lạc (giai đoạn 2)

- Thỏa thuận hợp tác hỗ trợ trong xây dựng bộ quy chuẩn cơ sở hạ tầng cảng biển cho Việt Nam giai đoạn 2017-2020 giữa Bộ GTVT Việt Nam và Bộ Giao thông, Hạ tầng, Đất đai và Du lịch Nhật Bản

- Bản ghi nhớ hợp tác về triển khai dự án đường bộ cao tốc theo hình thức hợp tác đối tác công tư

- Bản ghi nhớ hợp tác về chế độ thực tập sinh kỹ năng.