Công nghệ vũ trụ Việt Nam sẽ đứng tốp đầu ở Ðông - Nam Á

Thứ sáu - 31/03/2017 22:14    

 

 


Hình ảnh vệ tinh MicroDragon. Ảnh: Trung tâm Vệ tinh quốc gia.

      

Khởi công xây dựng tại khu Công nghệ Hòa Lạc năm 2012, sau năm năm triển khai, Dự án Trung tâm vũ trụ Việt Nam đã bám sát theo kế hoạch phát triển vệ tinh đã đặt ra, hoàn thành các hạng mục về đào tạo nhân lực, triển khai dự án vệ tinh và hoàn thiện nhiều hạ tầng quan trọng. Theo lộ trình đến năm 2022, các kỹ sư Việt Nam sẽ tự thiết kế, chế tạo vệ tinh LOTUSat-2, đánh dấu một bước phát triển vượt bậc của ngành công nghệ vũ trụ của Việt Nam.

Năm 2006, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ Việt Nam đến năm 2020. Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam là dự án đặc biệt quan trọng trong "Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ năm 2020" do Trung tâm Vệ tinh quốc gia (TTVTQG) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam triển khai. Trung tâm vũ trụ Việt Nam được xây dựng dựa vào nguồn vốn đầu tư hơn 600 triệu USD từ ODA Nhật Bản và vốn đối ứng của chính phủ. Dự án được đầu tư đồng bộ thành ba phần, gồm hạ tầng kỹ thuật và trang thiết bị, tiếp nhận và chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực. Khi hoạt động, Trung tâm vũ trụ Việt Nam là nơi nghiên cứu, sản xuất, làm chủ vệ tinh nhỏ quan sát trái đất và toàn lãnh thổ Việt Nam trong mọi điều kiện thời tiết bằng công nghệ ra-đa hiện đại, xây dựng và xử lý các dữ liệu vệ tinh phục vụ giám sát và cảnh báo sớm thiên tai, các thảm họa môi trường, nghiên cứu và phòng, chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Nhờ đó, chúng ta đã phóng vệ tinh địa tĩnh Vinasat-1 và Vinasat-2 và đến năm 2013 phóng vệ tinh quan sát trái đất VNRED Sat-1.

Phó Giám đốc TTVTQG PGS, TS Phạm Anh Tuấn cho biết, TTVTQG đã phát triển thành công vệ tinh PicoDragon (1 kg), thời gian tới đơn vị tiếp tục dự án chế tạo NanoDragon, MicroDragon và LOTUSat. 35 cán bộ đi học thạc sĩ ngành công nghệ vũ trụ tại Nhật Bản đang trực tiếp thiết kế, chế tạo, thử nghiệm vệ tinh MicroDragon dưới sự hướng dẫn trực tiếp của các giáo sư Nhật Bản. Vệ tinh này có kích thước 50 x 50 x 50 cm, khối lượng khoảng 50 kg, có nhiệm vụ quan sát vùng biển ven bờ nhằm đánh giá chất lượng nước, định vị nguồn thủy sản, theo dõi sự thay đổi các hiện tượng xảy ra ở vùng biển ven bờ để phục vụ cho ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam. Dự kiến năm 2018, MicroDragon của Việt Nam sẽ được phóng lên quỹ đạo bằng tên lửa của Nhật Bản.

Theo kế hoạch, năm 2019 vệ tinh LOTUSat-1 sẽ được phóng và đi vào hoạt động. Năm 2020, khi các hạ tầng kỹ thuật hiện đại dùng cho nghiên cứu, lắp ráp, tích hợp và thử nghiệm vệ tinh sẵn sàng hoạt động, Việt Nam sẽ tiến tới phát triển vệ tinh LOTUSat-2 "made in Vietnam". Hai vệ tinh LOTUSat-1 và LOTUSat-2 có khối lượng khoảng 600 kg, sử dụng công nghệ tiên tiến SAR (ra-đa khẩu độ tổng hợp) có độ phân giải cao 1 m đến 16 m. "Với hai vệ tinh công nghệ cảm biến ra-đa hiện đại này, Việt Nam có khả năng quan sát toàn bộ lãnh thổ và vùng biển quốc gia trong mọi điều kiện thời tiết với độ phân giải cao, góp phần giảm tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai, quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên và giám sát môi trường", PGS, TS Phạm Anh Tuấn cho biết. Ðánh giá về hai vệ tinh này, trong báo cáo về tính khả thi của dự án phóng vệ tinh LOTUSat-1 và LOTUSat-2, các chuyên gia của JICA Nhật Bản cho biết, hai vệ tinh này sẽ đưa ra các dữ liệu góp phần tăng hiệu quả của sản xuất nông nghiệp, tiết kiệm 150 triệu USD/năm cho Việt Nam trong việc giảm thiệt hại bởi thiên tai.

Hiện tại, Việt Nam đang mở rộng hợp tác quốc tế về công nghệ vũ trụ với nhiều quốc gia gồm Mỹ, Nga, Pháp và Nhật Bản. Ông Hi-rô-si Ka-nai, Trưởng nhóm tư vấn kỹ thuật Nhật Bản cho biết: "Trong suốt những năm qua, dưới sự tài trợ của JICA, nhóm tư vấn của phía Nhật Bản đã thực hiện các công việc như nghiên cứu tiền khả thi, khảo sát chuẩn bị dự án và thiết kế chi tiết cho dự án. TTVTQG đang đứng trước giai đoạn mới trong quá trình thực hiện dự án. Tôi tin rằng khi kỷ niệm 10 năm thực hiện dự án, TTVTQG sẽ trở thành trung tâm công nghệ vệ tinh không chỉ của Việt Nam mà còn của cả khu vực Ðông - Nam Á".

Theo PGS, TS Phạm Anh Tuấn, nhằm tiến tới làm chủ công nghệ vệ tinh, TTVTQG đã và đang thực hiện các hướng nghiên cứu ứng dụng của công nghệ vệ tinh như quản lý rừng, nông nghiệp, đánh giá tác động biến đổi khí hậu, môi trường, phòng, chống giảm nhẹ thiên tai và phát triển kinh tế biển. Trong giai đoạn 2017 - 2022, cùng với việc hoàn thành dự án theo kế hoạch đề ra, Trung tâm vũ trụ Việt Nam tập trung nghiên cứu và phát triển khoa học và công nghệ vũ trụ theo năm lĩnh vực chính gồm: công nghệ vũ trụ, ứng dụng công nghệ vũ trụ, khoa học vũ trụ và vật lý thiên văn, đào tạo đại học và trên đại học, phổ biến kiến thức vũ trụ. Trong thời gian tới, TTVTQG tiếp tục đưa vào hoạt động các đài quan sát thiên văn vũ trụ tại Nha Trang và Hòa Lạc nhằm thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học vũ trụ. Ðặc biệt, Bảo tàng vũ trụ tại Hòa Lạc kết hợp với Nhà chiếu hình vũ trụ được đưa vào phục vụ cộng đồng năm 2018 sẽ góp phần phổ cập kiến thức và khơi gợi, nuôi dưỡng niềm đam mê của các bạn trẻ về công nghệ vũ trụ.

Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam Giáo sư, Viện sĩ Châu Văn Minh đánh giá: "Qua dự án này, Việt Nam có một hạ tầng công nghệ vũ trụ hiện đại; từng bước làm chủ được công nghệ vệ tinh nhỏ quan sát trái đất và đào tạo một đội ngũ cán bộ trẻ có trình độ cao trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ".