Ưu đãi thuế cho doanh nghiệp CNTT vẫn chưa vào được thực tiễn

Thứ ba - 02/05/2017 23:10    

Thiếu sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, các ưu đãi về thuế với doanh nghiệp CNTT theo quy định tại Nghị quyết 41 của Chính phủ hiện vẫn chưa được đưa vào thực tiễn để thu hút nguồn nhân lực CNTT và khuyến khích sự phát triển của ngành.

Đó là trăn trở của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về câu chuyện ưu đãi thuế cho doanh nghiệp ngành CNTT tại buổi làm việc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc mới đây.

Ưu đãi thuế cho doanh nghiệp CNTT chưa vào được thực tiễn

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, muốn tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư - cuộc cách mạng chủ yếu dựa vào nền tảng CNTT mà không sử dụng căn bản các loại thuế thì chúng ta vẫn cứ "bình bình".

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đã 3 năm nay, câu chuyện về thuế cho ngành CNTT đã được nói không biết bao nhiêu lần. “Chính phủ đã họp, đã có Nghị quyết nhưng giao lại cho các bộ để làm các văn bản triển khai Nghị quyết thì về cơ bản bây giờ vẫn không trình được hết. Chúng tôi rất tha thiết muốn Thủ tướng “lệnh” cho các bộ từng việc cụ thể và các bộ phải vào cuộc”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Trước đó, ngày 26/5/2016, với mục đích nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp CNTT và đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển CNTT trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng mở rộng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị quyết 41/NQ-CP về chính sách ưu đãi thuế thúc đẩy việc  phát triển và ứng dụng CNTT tại Việt Nam.

Theo Nghị quyết này, thu nhập từ các dự án sản xuất nội dung thông tin số, dịch vụ phần mềm …sẽ được áp dụng mức thuế đang áp dụng đối với dự án sản xuất sản phẩm phần mềm theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (10% trong vòng 15 năm đối với doanh nghiệp mới thành lập). Nhân lực công nghệ cao làm việc trong lĩnh vực CNTT cũng sẽ được giảm 50% thuế thu nhập cá nhân.

Cũng theo Nghị quyết 41, trong tháng 10/2016, Bộ Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động CNTT thuộc Danh mục lĩnh vực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Còn trong tháng 8/2016, Bộ Khoa học và Công nghệ phải trình quyết định bổ sung các hoạt động CNTT cần đặc biệt khuyến khích được nêu tại Nghị quyết vào Danh mục hoạt động thuộc lĩnh vực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển.

Ưu đãi thuế cho doanh nghiệp CNTT chưa vào được thực tiễn

Nghị quyết 41 nêu rõ, để nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp CNTT, đẩy mạnh thu hút đầu tư phục vụ cho phát triển CNTT , cần thiết phải có thêm các chính sách hỗ trợ, trong đó có chính sách ưu đãi thuế để thúc đẩy hơn nữa ứng dụng và phát triển CNTT tại Việt Nam (Ảnh minh họa).

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, các văn bản hướng dẫn cụ thể vẫn chưa được ban hành và các ưu đãi về thuế với doanh nghiệp CNTT theo quy định tại Nghị quyết 41 của Chính phủ vẫn chỉ nằm trên giấy, chưa được triển khai vào thực tiễn.

Trong khi đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: “muốn tận dụng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cuộc cách mạng chủ yếu dựa vào nền tảng CNTT mà không sử dụng căn bản các loại thuế thì chúng ta vẫn cứ "bình bình". Các bộ cần vào cuộc và bắt tay xây dựng các chính sách thực sự đúng như kêu gọi của Thủ tướng để tận dụng cuộc các mạng công nghệ lần thứ tư này, làm sao chúng ta có một triệu nhân lực CNTT, có môi trường hấp dẫn để doanh nghiệp mở rộng quy mô”.

Ông Lê Xuân Hòa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) cho biết, thời điểm Nghị quyết 41 của Chính phủ được ban hành, cộng đồng CNTT đã rất vui mừng. “Chúng tôi đang rất nóng lòng chờ đợi Nghị quyết 41 được đưa vào thực tiễn để thu hút nguồn  nhân lực CNTT và khuyến khích sự phát triển của ngành”, ông Lê Xuân Hòa chia sẻ.

Theo thống kê của Bộ TT&TT, hiện Việt Nam có 600.000 nhân lực làm việc trong lĩnh vực CNTT, trong đó có 300.000 nhân lực làm việc trong lĩnh vực phần mềm và nội dung số. Trong khi đó, mỗi năm các trường chỉ có thể cung cấp 32.000 sinh viên tốt nghiệp ngành CNTT và các ngành có liên quan đến CNTT. Còn số doanh nghiệp CNTT có quy mô nhân lực trên 1.000 người cũng mới chỉ có đâu đó khoảng 10 doanh nghiệp.

Như vậy, nếu chỉ dựa vào sự nỗ lực của doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo mà không có các chính sách khuyến khích phù hợp để các doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo mở rộng quy mô hoạt động, quy mô đào tạo thì sẽ khó có thể đạt được mục tiêu Top 10 thế giới về cung cấp dịch vụ ủy thác phần mềm và nội dung số và 1 triệu nhân lực làm việc trong lĩnh vực CNTT như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra tại Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sĩ hồi trung tuần tháng 1/2017 vừa qua.