Sinh viên làm dịch chiết diệt côn trùng từ lá cây

Thứ tư - 11/05/2022 03:15    

Sử dụng lá ngũ trảo và lá huyền tinh, nhóm sinh viên Đại học Bách khoa TP HCM đã tạo ra dịch chiết dạng dung dịch diệt ấu trùng sâu tơ gây hại trên cây cải bẹ.

Nghiên cứu do Quách Phong Đạt, Lê Thị Tuyết Nhi, Phan Thị Tường Vy, sinh viên Khoa kỹ thuật hóa học thực hiện với sự hướng dẫn của giảng viên Đại học Bách khoa TP HCM. Mục tiêu của nghiên cứu là phát triển một loại chế phẩm sinh học, thay thế cho các sản phẩm thuốc trừ sâu hóa học gây hại cho môi trường, tác động xấu đến sức khỏe con người.

Theo nhóm, lá ngũ trảo (Folium Viticis negundo) và lá huyền tinh (Tacca leontopetaloides) là hai loại thực vật dồi dào trong tự nhiên. Với cây huyền, nông dân chủ yếu thu hoạch lấy củ, còn lá bỏ đi rất lãng phí. Hai loại lá được nhóm đánh giá có chứa hoạt chất kháng côn trùng là flavonoid và saponin.

Lá ngũ trảo (trái) và lá huyền (phải) được nhóm sử dụng chiết tách thành dung dịch diệt sâu ăn lá. Ảnh: NVCC
á ngũ trảo (trái) và lá huyền (phải) được nhóm sử dụng chiết tách thành dung dịch diệt sâu ăn lá

Bắt đầu lên ý tưởng từ khi là sinh viên năm 3, sau hơn một năm rưỡi, nhóm đưa ra quy trình chế dung dịch diệt ấu trùng sâu tơ gây hại trên cây cải bẹ. Lá ngũ trảo được nhóm thu hoạch ở khu vực huyện Cần Giuộc, Long An và lá huyền thu thập ở núi Cấm, tỉnh An Giang. Hai loại lá này sau khi được thu gom trải qua quá trình chiết thành cao tổng, rồi tiếp tục phân đoạn để tách các hợp chất phục vụ nghiên cứu.

Khảo sát hàm lượng flavonoid và saponin từ các cao phân đoạn, nhóm đưa ra kết quả hàm lượng saponin cao nhất 69% và 47% với flavonoid đối với lá ngũ trảo. Với lá huyền, saponin và plavonoid đều đạt hàm lượng cao nhất 33%. Từ kết quả này, nhóm tiếp tục cho các dịch chiết tiếp xúc với ấu trùng sâu tơ trên cây cải bẹ ở một khu vườn thí nghiệm. Kết quả, với dịch chiết lá ngũ trảo nồng độ 0,6 mg trên mỗi ấu trùng sâu tơ tuổi 4 (dài 2-3 cm) cho 100% khả năng gây chết ấu trùng. Với lá huyền cũng cho kết quả tương tự với nồng độ như lá ngũ trảo.

Theo Lê Thị Tuyết Nhi, thành viên nhóm, những kết quả này có thể làm cơ sở cho việc phát triển chế phẩm bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học tận dụng lá ngũ trảo và lá huyền khá dồi dào ở trong nước. Tuy nhiên, nhóm mới chỉ dừng lại ở thử nghiệm dịch chiết ở quy mô nhỏ, chưa phát triển thành dạng chế phẩm sinh học nên cần có thời gian để làm các nghiên cứu sâu hơn.

"Dịch chiết có dung môi dễ bay hơi giúp tiêu diệt sâu bệnh nhưng không làm ảnh hưởng đến lá. Tuy nhiên cần có những thử nghiệm quy mô lớn hơn để đánh giá vấn đề này", Nhi cho biết. Với kết quả này, nhóm đề xuất cần đánh giá hoạt tính kháng côn trùng trên nhiều chủng sinh vật hơn. Đánh giá các phân đoạn có hoạt tính tốt trên điều kiện thực tế để tiếp tục nghiên cứu, phát triển các chế phẩm sinh học bảo vệ thực vật.

Theo PGS.TS Phạm Văn Hùng, Trưởng phòng quản lý khoa học, Đại học Quốc tế TP HCM, hiện nghiên cứu các sản phẩm thuốc trừ sâu sinh học rất được khuyến khích, vì tính ứng dụng trong nông nghiệp và an toàn với môi trường, con người. Tuy nhiên nghiên cứu của nhóm mới dừng lại ở giai đoạn sơ khởi trong việc chiết tách các hợp chất, vì hiện nay nhiều đơn vị đã tạo ra những hợp chất dạng nano với sự đầu tư nghiên cứu nhiều hơn.

"Nhóm cần có những nghiên cứu quy mô hơn, đi sâu vào nghiên cứu tách chiết những hợp chất để có đánh giá những phân đoạn hiệu quả nhất, khi đó giá trị nghiên cứu tăng lên rất nhiều. Ngoài ra, cần xác định liều lượng, độc tính của dịch chiết để làm cơ sở hoàn thiện công nghệ, giúp sản phẩm có thể ứng dụng", PGS Hùng nói.