Singapore chế tạo hệ thống đo thân nhiệt tự động

Thứ năm - 05/03/2020 16:19    

Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn có nguy cơ lan rộng, Cơ quan Công nghệ Chính phủ Singapore (GovTech) đã chế tạo một hệ thống tự động quét và đo thân nhiệt dựa trên các thiết bị sẵn có nhằm giúp cho việc đo thân nhiệt hiệu quả hơn, an toàn hơn và giảm chi phí.
Ảnh minh họa

Hệ thống này gồm một thiết bị đo nhiệt độ bằng tia hồng ngoại, sử dụng pin được gắn với một camera cảm ứng chuyển động. Cơ chế hoạt động hết sức đơn giản. Camera sẽ phát hiện sự di chuyển của một người và kích hoạt thiết bị đo nhiệt độ trong khoảng 2 giây, sau đó hiển thị số đo trên màn hình máy tính. Nếu thân nhiệt của đối tượng vượt quá ngưỡng 37,5 độ C, thiết bị sẽ phát tiếng cảnh báo.

Người phát ngôn của GovTech cho biết đây là sáng chế của Đội Cảm ứng và Internet vạn vật (SIOT) nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm, giúp các cơ quan, tổ chức không phải bố trí nhân sự đo thân nhiệt nhân viên cũng như khách đến làm việc. Chi phí để chế tạo một hệ thống này chưa đến 1.000 đôla Singapore (tương đương 16,7 triệu đồng). Đội SIOT tại GovTech đã nảy ra ý tưởng này khi nhìn thấy hình ảnh nhân viên y tế trong bộ thiết bị như phi hành gia đo thân nhiệt của bệnh nhân.

Hiện tại, hệ thống tự động đo thân nhiệt này đã được triển khai tại hơn 30 tòa nhà chính phủ và các trung tâm cộng đồng tại Singapore. GovTech cho biết đang tiếp tục sản xuất và sẽ cung cấp rộng rãi hơn trong thời gian tới nhằm giúp các cơ quan, tổ chức đối phó hiệu quả hơn với nguy cơ lan rộng của dịch bệnh.

Phát hiện 2 chủng virus SARS-CoV-2

Trong một diễn biến liên quan đến dịch COVID-19, các nhà khoa học Trung Quốc đang nghiên cứu về nguồn gốc bùng phát dịch cho biết đã phát hiện 2 loại chính của virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra căn bệnh này.

Kết quả nghiên cứu sơ bộ cho thấy virus SARS-CoV-2 gồm 2 loại, trong đó một loại có độc lực mạnh hơn liên quan đến dịch COVID-19 bùng phát tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc), chiếm khoảng 70% số chủng virus đã phân tích, trong khi loại còn lại có độc lực kém hơn, chiếm 30%. Theo các nhà nghiên cứu, sự xuất hiện của loại virus mạnh hơn đã giảm kể từ sau tháng 1/2020.

Các nhà nghiên cứu lưu ý họ mới tiến hành phân tích một vùng dữ liệu hạn chế và sẽ tiếp tục phân tích vùng dữ liệu rộng hơn để hiểu rõ về sự phát triển của virus SARS-CoV-2. Những phát hiện trên cũng cho thấy tính cấp thiết của việc tiến hành thêm các nghiên cứu toàn diện, kết hợp dữ liệu về gene, dữ liệu dịch tễ học và các triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân nhiễm COVID-19.

Công trình do các nhà nghiên cứu của Đại học Bắc Kinh và Viện Pasteur của Thượng Hải thuộc Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc thực hiện.